(KTSG Online) - Thông điệp mới nhất về kiểm soát dịch bệnh đã dập tắt các hy vọng của thị trường về việc Bắc Kinh sẽ nới lỏng các chính sách “zero Covid” nghiêm ngặt, khiến các thành phố và nhà máy bị đóng cửa kéo dài.
- Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc nhấn mạnh an ninh, phát triển và zero Covid
- Doanh nghiệp nước ngoài e ngại ‘Zero Covid’ của Trung Quốc hơn là chiến tranh
Trung Quốc sẽ kiên quyết tuân thủ các biện pháp kiểm soát Covid-19 hiện tại khi đất nước đối mặt với dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng, giới chức y tế Trung Quốc cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 5-11, Hu Xiang, một quan chức của phòng kiểm soát và phòng chống dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) nhấn mạnh: “Các thực hành trước đây đã chứng minh rằng kế hoạch phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cùng một loạt các biện pháp chiến lược của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn”.
Trong tuần qua, có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ rời bỏ chính sách “zero Covid”. Nhiều bài viết chưa được xác minh, đăng trên mạng xã hội ở Trung Quốc đề cập đến kế hoạch mở cửa nền kinh tế trở lại.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh, hôm 4-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đạt được thỏa thuận cho phép người nước ngoài tại Trung Quốc được tiêm vắc-xin Covid-19 của liên doanh Mỹ - Đức Pfizer-BioNTech. Thông báo này cũng làm dấy lên kỳ vọng rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị mở cửa trở lại.
Các quan chức NHC cho biết các ca nhiễm Covid-19 bùng phát nhiều nơi trên toàn quốc, khiến việc tuân thủ các chính sách hiện tại càng trở nên quan trọng. Trung Quốc báo cáo hơn 3.500 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 4-11 với các đợt bùng phát ở Quảng Đông, Nội Mông, Phúc Kiến và Bắc Kinh.
Chính quyền địa phương đã phong tỏa một trung tâm công nghiệp ở thành phố Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy iPhone lớn nhất của Tập đoàn công nghệ Foxconn cho đến ngày 9-11, sau khi các công nhân ở đây tìm cách chạy trốn khỏi nhà máy vì lo sợ bị lây nhiễm và cách ly.
Tuy nhiên, Tuo Jia, một quan chức khác của NHC, cho biết chính quyền trung ương cũng sẽ yêu cầu chính quyền địa phương ở các thành phố bao gồm Trịnh Châu và Thâm Quyến điều chỉnh các biện pháp kiểm soát Covid-19 quá mức,
Các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc tăng điểm vào hôm 4-11, giúp vốn hóa thị trường cổ phiếu của nước này tăng thêm khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ trong tuần qua khi các tin đồn và các bản tin báo chí khác thắp lên hy vọng cho giới đầu tư về khả năng giảm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc và nới lỏng các quy định kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 5,3% trong phiên giao dịch cuối tuần, khép lại tuần tăng điểm mạnh nhất trong 11 năm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5,3% trong tuần qua, mức tăng điểm theo tuần mạnh nhất trong hơn hai năm.
Đà tăng cổ phiếu diễn ra trên diện rộng, lấn án các lo ngại trên thị trường toàn cầu về triển vọng lãi suất của Mỹ tăng cao hơn nữa so với dự kiến trước đây. Cổ phiếu bất động sản và công nghệ dẫn đầu đà tăng với cổ phiếu của những gã khổng lồ trực tuyến Alibaba và JD.com đều tăng hơn 10% trong phiên giao dịch cuối tuần.
Trước đó, Bloomberg đưa tin nhóm công tác của Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) đã hoàn tất trước thời hạn các cuộc thanh tra tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết tại Mỹ.
Thông tin này dường như cho thấy các quan chức Mỹ hài lòng với kết quả thanh tra. Hồi tháng 8, Bắc Kinh và Washington đã đạt được thỏa thuận cho phép giới chức Mỹ thanh tra tài liệu kiểm toán của các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu tại New York.
Thỏa thuận này là bước đầu tiên giúp gần 200 công ty Trung Quốc, bao gồm những tập đoàn lớn như Alibaba, Baidu, tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York.
Các bài đăng trên mạng xã hội nói về khả năng Trung Quốc nới lỏng các quy định kiểm soát Covid-19 vào tháng 3 năm sau càng làm tăng sự lạc quan trên thị trường chứng khoán.
Tại một hội nghị ngành ngân hàng hôm 4-11, một cựu quan chức kiểm soát dịch bệnh cấp cao của Trung Quốc cũng nói rằng sẽ những thay đổi đáng kể đối với chính sách “zero Covid” diễn ra trong vòng 5- 6 tháng tới.
Sophie Lund-Yates, nhà phân tích cổ phiếu tại Công ty Hargreaves Lansdown, nhận định: “Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một số quy định kiểm soát Covid-19 có thể được nới lỏng sẽ có tác dụng như một liều dầu mỡ tra vào bánh răng cọt kẹt của nền kinh tế Trung Quốc”.
Nhà quản lý quỹ phòng hộ Lei Ming cho biết tin đồn Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở đã kích hoạt sự phục hồi trong thị trường đang ở tình trạng quá bán. “Nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán tăng vọt là do áp lực bán đã cạn kiệt sau khi thị trường giảm mạnh”, ông nói.
Một số hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc đã được điều chỉnh trong những tuần gần đây, nhưng các báo cáo chính thức cũng cho thấy sự gia tăng các ca nhiễm ở nhiều vùng của đất nước. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa kéo dài vẫn được áp dụng ở một số địa phương.
Truyền thông trong nước đưa tin bắt đầu từ tháng này, một số sân bay và nhà ga tàu cao tốc không còn yêu cầu hành khách xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19 có hiệu lực vòng 48 giờ nữa, nhưng họ vẫn cần xuất trình bằng chứng rằng họ đã tránh xa mọi khu vực tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm,
Theo Bloomberg, Reuters