Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đề xuất trẻ em chỉ được sử dụng smartphone tối đa 2 giờ/ngày

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà quản lý Trung Quốc vừa đề xuất quy định hạn chế thời lượng trẻ em sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tối đa 2 giờ mỗi ngày. Nếu được thực hiện, quy định mới sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các công ty game lớn của nước này.

Dự thảo quy định của CAC về giới hạn thời lượng sử dụng smartphone đối với trẻ em được xem là “quá lý tưởng và rất khó thực hiện”. Ảnh: Getty

Theo đề xuất công bố hôm 2-8 của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi chỉ được sử dụng smartphone tối đa hai giờ mỗi ngày. Thanh thiếu niên từ 8-15 tuổi sẽ bị giới hạn sử dụng smartphone một giờ mỗi ngày. Mức giới hạn với trẻ em dưới 8 tuổi là 40 phút mỗi ngày.

Dự thảo quy định mới cũng cấm mọi hoạt động sử dụng smartphone của trẻ em dưới 18 tuổi trong khung giờ từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Smartphone sẽ cần phải có chế độ sử dụng dành trẻ em, cho phép cha mẹ hạn chế những con cái sẽ xem và cho phép các nhà cung cấp internet hiển thị nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Trẻ em dưới 3 tuổi chỉ được sử dụng smartphone để nghe các bài hát và các dạng âm thanh khác. Trong khi đó, trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể xem thêm tài liệu giáo dục và tin tức. Dự thảo quy định đặt ra những ngoại lệ với nội dung giáo dục và dịch vụ khẩn cấp. Chẳng hạn, trẻ em vẫn có thể sử dụng các nội dung và dịch vụ này trong giờ giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng.

CAC yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị, hệ điều hành, ứng dụng và cửa hàng ứng dụng xây dựng một chức năng mới gọi là “chế độ sử dụng dành cho trẻ em” để đặt giới hạn thời gian và lệnh giới nghiêm cho việc sử dụng smartphone. Smartphone có cài đặt chế độ này sẽ phát đi thông báo nhắc nhắc trẻ nghỉ ngơi sau 30 phút sử dụng.

CAC cũng cảnh báo các nền tảng trực tuyến không được cung cấp các dịch vụ gây nghiện và có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp nội dung trực tuyến như ByteDance và Tencent tạo ra một nhóm video và trò chơi riêng biệt và có giới hạn thời gian dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Theo CAC, nội dung dành cho trẻ vị thành niên phải “thúc đẩy các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội” và “văn hóa truyền thống của Trung Quốc” nhằm “tu dưỡng tình cảm của trẻ vị thành niên đối với đất nước và tư cách đạo đức tốt”.

Dự thảo quy định mới là nỗ lực mạnh mẽ hơn của giới chức trách nhằm ngăn ngừa tình trạng nghiện sử dụng smartphone của trẻ dưới 18 tuổi. Báo chí nhà nước Trung Quốc từng ví video game trực tuyến như là “thuốc phiện tinh thần”. Năm 2021, nước này đã ban hành quy định giới hạn trẻ dưới 18 tuổi chơi video game trực tuyến không quá 3 giờ mỗi tuần.

CAC đặt ra thời hạn cuối 2-9 để các công ty công nghệ để gửi phản hồi dự thảo quy định trên nhưng không đưa ra mốc thời gian triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi về cách thức triển khai và thực thi cũng như tác động của quy định mới với những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.

Chẳng hạn, việc thiết lập chế độ sử dụng smartphone dành cho trẻ em có thuộc trách nhiệm của nhà cung cấp hệ điều hành cho nhà sản xuất thiết bị hay không hay CAC sẽ giám sát các giới hạn thời lượng và phần mềm ở chế độ sử dụng dành cho trẻ em ở smartphone như thế nào....

Những công ty công nghệ hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có các nhà sản xuất thiết bị như Apple, Xiaom và những nhà phát triển phầm mềm như Tencent, Baidu sẽ theo dõi chặt chẽ dự thảo quy định trên.

Khi Trung Quốc siết chặt thời gian chơi video game trực tuyến của giới trẻ hai năm trước, Tencent và NetEase, hai trong số những công ty game trực tuyến lớn nhất thế giới, cho biết người dùng dưới 18 tuổi chỉ đóng góp phần rất nhỏ vào tổng doanh thu của công ty.

Sau khi có thông tin về dự thảo quy định giới hạn thời lượng trẻ em sử dụng smartphone, cổ phiếu của Tencent giảm giá 3%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của hai nền tảng chia sẻ video Bilibili và Kuaishou (Trung Quốc) giảm lần lượt 7% và 3,5%.

“Các biện pháp trước đây có thể không đạt được kết quả như mong đợi. Vì vậy, CAC đưa ra các quy định chi tiết và kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn khó thực hiện vì trẻ em bây giờ quá thông minh”, Li Chengdong, người đứng đầu tổ chức tư vấn Haitun nói.

Trong khi đó, người giám sát sản phẩm của một nền tảng video ngắn gọi đề xuất của CAC là quá lý tưởng và rất khó thực hiện vì ngay cả việc gắn nhãn video cho các nhóm tuổi khác nhau cũng có vấn đề.

Theo CNBC, Financial Times

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới