Thứ năm, 31/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đối mặt rủi ro giảm phát

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc đang đối mặt với áp lực giảm phát ngày càng tăng do đại dịch Covid-19 bùng phát và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, giá cả một số hàng hóa nguyên liệu đang giảm, gây sức ép buộc các công ty ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải giảm giá sản phẩm của họ.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước của Trung Quốc đang suy yếu do nền kinh tế tăng trưởng chậm. Ảnh: EPA-EFE

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc có khả năng giảm trong tháng 10, lần giảm đầu tiên sau gần hai năm, theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế. Chỉ số này dự kiến ​​giảm 1,6% so với một năm trước đó, sau khi tăng 0,9% vào tháng 9. Tăng trưởng giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 cũng có khả năng giảm 2,4% so với mức tăng 2,8% của tháng 9.

Dữ liệu cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc sẽ suy yếu hơn nữa khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 gây tổn thương cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu giảm và hoạt động xây dựng nhà cửa tiếp tục thu hẹp dù các nhà hoạch định chính sách đã triển khai một loạt biện pháp thúc đẩy nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa từ ô tô điện đến nhà ở. Sự trở lại của tình trạng giảm phát sẽ gây thiệt hại thêm đối với lợi nhuận doanh nghiệp dù hàng xuất khẩu rẻ hơn của Trung Quốc có thể được chào đón bởi người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương ở các nước khác vốn đang chịu áp lực lạm phát.

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của của Ngân hàng ANZ, nói: “Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy giảm phát. Nhu cầu trong nước rất yếu, với chi phí sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đều có xu hướng thấp hơn”.

Giá một số hàng hóa nguyên liệu giảm là một trong những yếu tố dẫn đến giá cả tiêu dùng suy giảm. Cơn suy thoái của lĩnh vực bất động sản cũng gây áp lực giảm giá vật liệu xây dựng của các ngành công nghiệp nặng. Theo Bloomberg Economics, giá của các mặt hàng bao gồm xi măng, thép cây và đồng ở Trung Quốc đã giảm sâu trong tháng 10.

Eric Zhu, một nhà kinh tế của Bloomberg Economics, viết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Đáng chú ý là xi măng giảm giá hơn 30% trong tháng 10 sau khi giảm 10% vào tháng 9 do giá cơ sở tăng mạnh vào hồi đầu năm. Giá các sản phẩm ở thượng nguồn, bao gồm dầu và than, hầu hết là thu hẹp đà tăng hoặc giảm mạnh hơn”.

Các nhà kinh tế dự báo PPI của Trung Quốc trong tháng 10 có thể giảm 1,6% (đường màu xanh) so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Các nhà kinh tế của Capital Economics nhận định chỉ số PPI của Trung Quốc sẽ âm trong phần lớn năm 2023.

Nhu cầu giảm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm khiến giá cả tiêu dùng ở Trung Quốc bị kìm hãm, trái ngược hoàn toàn với hầu hết các nước khác. Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 không có dấu hiệu ngơi nghỉ với các lệnh phong tỏa được triển khai ở một số nơi trong thời gian gần đây, bao gồm một khu công nghiệp của thành phố Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới và một số quận ở Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của đại dịch Covid-19.

Số ca nhiễm Covid-19 cũng đang tăng lên ở các thành phố khác như Bắc Kinh và Quảng Châu, khiến giới chức trách phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa trường học.

Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, nói: “Với tình trạng nhu cầu trong nước yếu, giảm phát (CPI rơi xuống mức âm) không phải là điều không thể xảy ra. Nhu cầu trong nước suy yếu hơn nữa có thể dẫn đến giảm phát, đặc biệt nếu điều đó kết hợp với giá năng lượng và hàng hóa giảm”.

Nhưng lạm phát thấp sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có không gian để nới lỏng chính sách hơn nữa, Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Công ty dịch vụ tài chính Macquarie Group, cho biết.

Larry Hu nhận định áp lực giảm phát của Trung Quốc sẽ còn kéo dài cho đến khi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các động thái quyết liệt hơn để thúc đẩy nhu cầu.

Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể giúp kiềm chế lạm phát toàn cầu. “Thật trớ trêu khi đó là đóng góp của Trung Quốc cho một thế giới đang chịu áp lực lạm phát”, Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ, nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới