(KTSG Online) – Trung Quốc đã có thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu 28 ngày trước và sau Tết Nhâm Dần 2022 đối với hàng hoá bảo quản lạnh. Điều này, dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
- Trung Quốc ngưng nhập thanh long: chuyện không mới, nhưng tiếp tục tác động lớn
- Vượt qua 'lời nguyền' thì nông dân mới 'sống' được
Nội dung nêu trên thể hiện trong báo cáo về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch tạm dừng dự kiến sẽ thực hiện 14 ngày trước và 14 ngày sau Tết Nhâm Dần 2022 nhằm để phía Trung Quốc chuẩn bị các công việc trước và sau Tết.
Ngoài kế hoạch nêu trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao, tuy nhiên, quốc gia này đã tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu của các tỉnh biên giới, khiến lượng hàng hoá dồn ở cửa khẩu tăng cao.
Theo đó, ở tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8-12, cặp cửa khẩu Chi Ma- Ái Điểm đã tạm dừng thông quan hàng hoá do phía Trung Quốc nghi phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại thị trấn Ái Điểm; từ ngày 15-12, cặp cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chài cũng tạm dừng thông quan do phía Trung Quốc gặp sự cố về hệ thống mạng.
Còn ở tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 25-11 đến nay, do cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai thông quan gặp khó, cho nên, các doanh nghiệp đưa hàng về cửa khẩu Móng Cái- Đông Hưng thông quan, dẫn đến nhu cầu thông quan tăng đột biến. Trong khi đó, TP Đông Hưng (Trung Quốc) thiếu lái xe trung chuyển, xe Việt phải xuất cảnh sang nhận hàng nên xảy ra ùn tắc cục bộ.
Mặt khác, từ ngày 8-12 đến nay, TP Đông Hưng tiếp tục “siết” chặt phòng dịch trong thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu như: xét nghiệm lái xe trung chuyển Việt Nam 1 lần/ngày, khử khuẩn phương tiện, bao bì, container từ Việt Nam sang...
Từ ngày 3-12, chỉ cho nhập khẩu 30 container hoa quả/ngày, trong đó, 20 container của Thái Lan quá cảnh và 10 container của Việt Nam.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi đặc thù, ưu tiên ngân sách Nhà nước theo kiến nghị của địa phương khu vực biên giới cho phòng chống dịch Covid-19 (khử khuẩn, kiểm tra, tiêm vaccine), hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho, bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản tại các cửa khẩu.
Chỉ đạo các địa phương rà soát, khảo sát và thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại khu vực vùng đệm nhằm phát hiện sớm và cách lý người/hàng hóa mắc Covid-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên giới dẫn đến “đóng biên tức thời”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đàm phán, làm việc với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải…, để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương thông báo doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu cũng như việc Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cả trên bao bì hàng hoá. Từ đó, đề nghị doanh nghiệp kiểm soát chặt từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp, đảm bảo không có virus SARS-CoV-2. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc và sau khi đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam- Trung Quốc 11 tháng đầu năm nay đạt hơn 11,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,5% và nhập khẩu đạt 2,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2020.