Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: ổn định quan trọng hơn tăng trưởng

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Chính phủ Trung Quốc đã phát đi tín hiệu sẽ tập trung vào việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế thay vì cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5,5% đã đề ra trước đó.

Đà phục hồi mong manh

Nền kinh tế Trung Quốc liên tục đón nhận những tin không vui, khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy bất ngờ thu hẹp, còn doanh số bán nhà vẫn lao dốc mạnh. Các yếu tố này đang cho thấy sự mong manh trong đà phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Theo các số liệu vừa được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm Chủ nhật (31-7), Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 7 chỉ đạt 49 – giảm đáng kể so với mức 50,2 trong tháng 6, và thấp hơn ngưỡng 50 – mốc phân định giữa mở rộng và thu hẹp hoạt động.

Một kết quả khảo sát độc lập được Caixin và S&P Global công bố hôm thứ Hai (1-8) cũng cho thấy, chỉ số PMI sản xuất (chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ) đã giảm mạnh từ mức 51,7 trong tháng 6 xuống 50,4 trong tháng 7.

Các dữ liệu PMI đã chỉ ra rằng, sự khó khăn trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tới mọi doanh nghiệp, từ lớn cho tới nhỏ.

Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group nhận định “các dữ liệu cho thấy sự phục hồi đang chậm lại. Tình trạng thiếu hụt điện năng và dịch Covid-19 là những yếu tố đang ảnh hưởng lớn tới nhu cầu và niềm tin của thị trường trong tháng 7”.

Liu Peiqian, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại NatWest Group đánh giá “sự suy giảm hoạt động sản xuất và các đơn đặt hàng mới cho thấy sự gián đoạn nguồn cung và sự phục hồi không ổn định của nhu cầu trong nước”.

“Các cuộc khảo sát cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 7 do động lực từ việc mở cửa giảm dần”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics nhận xét. Ông dự báo hoạt động của nền kinh tế này vẫn sẽ yếu trong các quí tới.

Thị trường bất động sản cũng tiếp tục đối diện với triển vọng ảm đạm. Theo kết quả nghiên cứu của China Real Estate Information Corp, doanh số của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn đôi chút so với mức giảm 43% trong tháng 6. S&P Global dự báo, doanh số bất động sản tại Trung Quốc có thể giảm khoảng 30% trong năm nay, cao gấp gần hai lần mức dự báo đưa ra trước đó và là mức tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ hồi phục chậm chạp, sự suy yếu của hoạt động sản xuất và thị trường bất động sản sẽ đe dọa nghiêm trọng tới đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, vốn vừa trải qua quí tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong cả năm giờ đây cũng ngày càng trở nên xa rời tầm với của Trung Quốc.

Mục tiêu tăng trưởng không còn là điều bắt buộc

Trong tuyên bố sau cuộc họp kinh tế hàng quý ngày 28-7, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng đạt được kết quả tốt nhất có thể. Tuy nhiên, cơ quan này cũng kêu gọi các tỉnh cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng của mình.

Giới quan sát cho rằng động thái không đề cập đến GDP tại cuộc họp trên là rất đáng chú ý. “Mục tiêu tăng trưởng 5,5% không còn là điều bắt buộc đối với Trung Quốc”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng ING, chia sẻ với tờ Wall Street Journal.

Theo các chuyên gia của Nomura như Ting Lu, Jing Wang và Harrington Zhang, Chính phủ Trung Quốc đang thúc giục các tỉnh lớn hơn hỗ trợ cho những địa phương bị ảnh hưởng nhiều bởi phong tỏa, trong khi những

tỉnh ít bị ảnh hưởng cần cố gắng đạt được mục tiêu kinh tế và xã hội của năm nay.

Đây được coi là động thái hợp lý của Trung Quốc trong bối cảnh việc đảm bảo cùng lúc hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chống dịch theo chính sách zero Covid là một nhiệm vụ bất khả thi.

“Việc không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, là điều gần như chắc chắn”, Liu Peiqian, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại NatWest Group đánh giá. “Do đó, mối quan tâm hàng đầu hiện nay sẽ là liệu Trung Quốc có thể ổn định tăng trưởng gần với tiềm năng dài hạn trong nửa cuối năm nay hay không?”.

Ổn định nền kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu

Với việc bỏ qua mục tiêu tăng trưởng, trong nửa cuối năm 2022 Chính phủ Trung Quốc được dự báo sẽ tập trung chủ yếu vào việc ổn định nền kinh tế, từ tỷ lệ việc làm, giá cả cho tới thị trường bất động sản.

Chuyên gia Julian Evans Pritchard cho biết, mặc dù khẳng định cần hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn, tuyên bố của Bộ Chính trị nước này chỉ chủ yếu nhấn mạnh lại các cam kết chính sách hiện có, chứ không đưa ra bất kỳ thông báo mới nào đáng chú ý. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không tiến hành các đợt kích thích kinh tế lớn, điều mà thị trường từng kỳ vọng.

Chia sẻ với CNBC, Wang Jun, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cũng nhận định việc Bộ Chính trị đề cập tới sự ổn định cho thấy nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ gói kích thích lớn nào được đưa ra nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ hướng tới việc sử dụng tín dụng và trái phiếu chính quyền địa phương để hỗ trợ nền kinh tế ở một mức độ nhất định.

Chuyên gia Wang Jun cũng lưu ý rằng lạm phạt cao ở nhiều quốc gia sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những áp lực lạm phát lớn hơn trong những tháng tới, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thế nhưng, Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn chưa đề cập đến bất kỳ biện pháp nào để hỗ trợ trực tiếp cho chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo Fortune, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, hay chính Hồng Kông (Trung Quốc), đã áp dụng biện pháp chuyển tiền mặt trực tiếp để hỗ trợ người dân, Trung Quốc lại lo ngại rằng, việc này có thể khiến lạm phát tăng cao hơn nữa. Do vậy, các nỗ lực vực dậy nền kinh tế hiện vẫn chỉ giới hạn ở đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Về chống dịch, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi các biện pháp hiện có.

Điều này được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, bất kỳ đợt phong tỏa quy mô lớn nào như đã từng diễn ra tại Thượng Hải trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, sẽ đe dọa đến sự phục hồi kinh tế. Nomura dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,3% trong năm 2022.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Chính trị Trung Quốc đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải ổn định thị trường bất động sản, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thế chấp vẫn chưa được giải quyết. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được cho là đang lên kế hoạch huy động nguồn tín dụng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (148 tỉ đô la) để hỗ trợ các dự án bán nhà đang bị đình trệ.

Tuy nhiên, theo Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, “Không có vẻ gì là Chính phủ Trung Quốc sẽ thiết lập một quỹ khổng lồ để mua lại các dự án nhà ở còn dang dở”.

Thay vào đó, trách nhiệm ổn định thị trường sẽ do các địa phương gánh vác là chủ yếu. Các chính quyền địa phương cũng sẽ phải chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành các dự án nhà còn dang dở và chuyển giao chúng cho người mua nhà.

Ngoài ra, nhiều chính sách khác cũng sẽ được triển khai nhằm đảm bảo sự ổn định cho môi trường đầu tư kinh doanh. Sự thắt chặt kiểm soát nhằm vào những đại gia công nghệ như Alibaba, Tencent… có thể sẽ được nới lỏng, trong khi các biện pháp thúc đẩy niềm tin doanh nghiệp cũng sẽ được triển khai, để thu hút vốn đầu tư và giúp phục hồi kinh tế.

Các nỗ lực duy trì sự ổn định cho hệ thống tài chính cũng sẽ được tăng cường. Theo CNN Busines, giới chức Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc giải quyết các rủi ro liên quan đến một số ngân hàng nông thôn địa phương và truy quét tội phạm tài chính.

Nguồn: CNN Business, BBC, SCMP, CNBC, Bloomberg, Fortune, Barron’s, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới