Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc sẽ xây sàn Nasdaq nuôi dưỡng hãng công nghệ nhỏ và vừa trong nước

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc sẽ hình thành thị trường chứng khoán mới nhằm giúp các công ty nhỏ và vừa (SME) theo đuổi các ngành công nghệ mới. Kế hoạch này được công bố vào thời điểm chính phủ đang gia tăng trấn áp, thu hẹp sức ảnh hưởng của đại gia công nghệ. Chỉ riêng hai đại gia Alibaba và Tencent đã mất 330 tỉ đô la giá trị vốn hóa kể từ cuối năm 2020 – tức tương đương 13 lần quy mô GDP của Campuchia cùng năm. Các hãng này buộc phải xông pha đất khách để sống còn.

Nuôi dưỡng “tiểu công nghệ”

“Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ việc sáng tạo và phát triển SME, tăng cường đổi mới, tạo ra một sàn giao dịch mới là Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua một video nhân Hội chợ thương mại quốc tế Trung Quốc về dịch vụ đang diễn ra ở thủ đô trong ngày hôm qua.

Lễ khai trương sự kiện niêm yết lần đầu (IPO) của công ty Baidu trên sàn chứng khoán Hồng Kông năm 2019. Hiện Trung Quốc có đến ba sàn chứng khoán thuộc top đầu thế giới về vốn hóa, với Thượng Hải đứng thứ hai, sau đó là Hồng Kông và Thâm Quyến. Ảnh: Reuters

Ông Tập đã không nói rõ các chi tiết hoặc khung thời gian cho thị trường trong tương lai này. Nếu được thành lập, đây sẽ là thị trường chứng khoán thứ ba tại đất nước khổng lồ này, sau hai sàn ở Thượng Hải và Thâm Quyến.

Ông cũng cam kết sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này với các nước đang tham gia sáng kiến “nhất đới nhất lộ” nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước với vốn từ Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ các cơ hội phát triển của ngành dịch vụ mới với tất cả các nước nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu hồi phục và tăng trưởng.

Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã đạt quy mô lớn hơn và thăng hạng trong các bảng tổng sắp toàn cầu cả về số công ty niêm yết lẫn vốn hóa kể từ khi hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến hình thành năm 1990. Sự phát triển của hai thị trường này đi song song với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong ba thập niên qua.

Sàn Thượng Hải hiện là thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới, với mức vốn hóa 7.620 tỉ đô la tính đến cuối tháng 6 vừa rồi, theo thống kê của trang Statista. Với vốn hóa 5.760 tỉ đô la, sàn Thâm Quyến đứng thứ tư sau vị trí số 3 của Hồng Kông với vốn hóa 6.810 tỉ đô la.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng các quy định theo chuẩn Nasdaq ở cả hai sàn chứng khoán dành cho các hãng công nghệ là STAR Market ở Thượng Hải và ChiNext ở Thâm Quyến. Các cố gắng này nhằm giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể gọi vốn. Các sàn này cũng thu hút các công ty công nghệ lớn nhất đất nước niêm yết sau khi chính phủ Mỹ siết chặt quy định đối với hãng từ đại lục. Những cái tên lớn gần đây là hãng chất bán dẫn SMIC và hãng viễn thông China Telecom.

Dù lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong trao đổi hàng hóa, nhưng thị trường đang phát triển nhanh, với động cơ tăng trưởng là du lịch và các dịch vụ có hàm lượng chất xám cao.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tổng giá trị của các dịch vụ liên quan đến du lịch đạt 5,410 tỉ nhân dân tệ (838 tỉ đô la) trong năm 2019, tăng 23% so với tổng giá trị 4.390 tỉ nhân dân tệ của năm 2016. Nhưng các dịch vụ này đã lao dốc trong sáu tháng đầu 2020 xuống còn 4.560 tỉ nhân dân tệ, giảm 16%. Tổng giá trị thương mại của hàng hóa vật lý giảm 14%, mức độ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Sự lao dốc của các dịch vụ liên quan đến du lịch được bù đắp bởi tăng trưởng của các dịch vụ thâm dụng công nghệ, chiếm 45% tổng giá trị. Các dịch vụ này gồm viễn thông, công nghệ thông tin và quyền sở hữu trí tuệ, với các tập đoàn như Alibaba Group Holding hay Huawei Technologies đứng sau.

Các thông điệp mâu thuẫn

Trong bài phát biểu, ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng các khu vực mẫu (demo) để thúc đẩy phát triển sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và lập danh sách các dịch vụ xuyên biên giới trên cả nước. Hồi tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc đã công bố danh sách dự án cảng tự do thương mại Hải Nam, nhằm biến nơi này thành thị trường có tầm cỡ khu vực về dịch vụ tài chính và các dịch vụ xuyên biên giới khác.

Thông điệp từ bài phát biểu mới của ông Tập đang phủ mây mù lên nền kinh tế công nghệ ở Trung Quốc. Bởi nó trái ngược hoàn toàn với tình hình nhà nước đang ra sức “tảo thanh” hay “dọn cỏ” trong lĩnh vực công nghệ và giải trí.

Trung Quốc đã xóa sổ ngành công nghiệp dạy kèm trực tuyến giá trị hơn 70 tỉ đô la nhằm giảm bớt áp lực học hành cho trẻ em, gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Ảnh: Reuters

Chỉ một ngày trước đó, hôm 1-9 nhà chức trách Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp với 11 ứng dụng gọi xe ở nước này để buộc các hãng phải cải thiện điều kiện làm việc và thù lao của tài xế và đối tác bán hàng trên các nền tảng này.

Trước đó nữa, hôm 31-8 cơ quan quản lý đã ra lệnh cấm người dưới 18 tuổi chơi game trực tuyến quá ba giờ mỗi tuần với giải thích rằng “ngăn chứng nghiện game và biến đổi tâm lý ở trẻ” – theo Caixin. Quyết định này khiến các công ty game trực tuyến lớn nhất nước thất vọng. Hồi đầu tháng 8 rồi, trước áp lực của chính phủ, Tencent tuyên bố sẽ hạn chế trẻ dưới 12 tuổi mua hàng trong kho ứng dụng game. Tencent cũng giới hạn thời gian cho những người chơi dưới 18 tuổi với tựa game hàng đầu Honor of Kings.

Cũng đầu tháng 8, Trung Quốc cũng cấm cửa ngành công nghệ dạy kèm trực tuyến của nước này có giá trị đến 70,25 tỉ đô la trong năm 2020 – theo dữ liệu iiMedia Research.

Đại gia công nghệ bỏ chạy

Những động thái trừng phạt đối với tỷ phú Jack Ma và đế chế Alibaba, cùng các tập đoàn công nghệ lớn khiến các hãng này đem vốn ra nước ngoài. Dù rằng đã tuyên bố dành 50 tỉ nhân dân tệ, khoảng 7,7 tỉ đô la, cho chương trình “thịnh vượng chung” của chính phủ, Tencent cũng đang tìm cách tìm kiếm những chân trời phát triển mới.

Tencent tăng vốn đầu tư vào startup nước ngoài trong năm nay lên gấp 7 lần so với năm trước. Tập đoàn đa ngành về mạng xã hội, trò chơi và công nghệ tài chính đã ký kỷ lục 16 hợp đồng đầu tư mới ở châu Âu trong sáu tháng đầu năm 2021, nâng tổng số dự án quốc tế của tập đoàn lên 34 – theo dữ liệu của Refinitiv. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020 họ chỉ có 4 dự án và cùng kỳ năm 2019 chỉ 3 dự án.

“Các quy định siết chặt hơn và tỷ lệ tăng trưởng nội địa giảm đã buộc các hãng tìm kiếm thị trường nước ngoài”, nhà phân tích về game Daniel Ahmad thuộc hãng Niko Partners nói với Nikkei Asia.

Phần lớn các hợp đồng của Tencent ở châu Âu là trong lĩnh vực game. Hãng con ở Anh của Miniclip thuộc Tencent đã mua công ty thiết kế Gamebacis ở Hà Lan vào tháng 1-2021. Miniclip cũng mua phần lớn cổ phần trong hãng thiết kể Green Horse Games ở Romania hồi tháng 2. Ngoài ra, Tencent cũng rải tiền ở nhiều series gọi vốn của các startup ở Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong nửa đầu năm 2021.

“Lợi nhuận trong mảng game quốc tế của Tencent tăng nhanh hơn mảng ở nội địa và giờ đây đóng góp 25% doanh số trò chơi trực tuyến của tập đoàn. Chúng ta sẽ thấy nhiều dự án đầu tư hơn trong thời gian tới”, nhà phân tích Wium Malan thuộc hãng Propitious phát biểu.

Phần lớn các hợp đồng thu mua hay sáp nhập ở châu Âu được Tencent thực hiện khá kín đáo, thông qua các công ty con ở nước ngoài để tránh bị săm soi. Chẳng hạn như mua nhà phát triển game Crytek ở Đức vào mùa hè này.

“Mối lo ngại về công nghệ của Trung Quốc đang làm các nước lo lắng và gây khó cho hoạt động của Tencent ở các thị trường Mỹ, châu Âu và Úc. Sáp nhập các công ty qua nhiều tầng nấc khác nhau sẽ ít bị chú ý hơn và được tiến hành rất thận trọng”, theo lời Mark Natkin, nhà sáng lập hãng tư vấn Marbridge đặt trụ sở ở Bắc Kinh.

Các động thái thầm lặng đó sẽ giúp Tencent không cần phải tốn tiền để gầy dựng thương hiệu mới, đồng thời giúp cho các công ty sáp nhập đạt được sự hoàn hảo vốn có, luôn hấp dẫn Tencent – nhà phân tích Daniel Ahmad ghi nhận.

Chủ tịch Martin Lau của Tencent đã cảnh báo tại cuộc họp các nhà đầu tư vào tháng 8 vừa rồi rằng nhà chức trách sẽ gia tăng áp lực với các công ty công nghệ ở Trung Quốc. “Môi trường quản lý chặt hơn ở Trung Quốc có khi là tác nhân thúc đẩy Tencent ký kết các hợp đồng quốc tế nhiều hơn”, giám đốc Kevin Ho thuộc hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới