Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Truyền thông và vai trò tạo ‘điểm cân bằng’ trong khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Truyền thông và vai trò tạo ‘điểm cân bằng’ trong khủng hoảng

Nội dung: Việt Dũng – Video: Thành Hoa – Thu Trang

(TBKTSG Online) – Trong năm tháng cao trào của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào thế bị động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, nếu doanh nghiệp có được sự chủ động trong chiến lược truyền thông có thể sẽ là giải pháp tạo nên sự cân bằng trong khủng hoảng.

Truyền thông và vai trò tạo 'điểm cân bằng' trong khủng hoảng
Truyền thông có vai trò tạo điểm cân bằng trong khủng hoảng. Ảnh: Thành Hoa

Buổi tọa đàm “Truyền thông vượt qua khủng hoảng hậu Covid-19” được tổ chức bởi nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 19-6 đã đưa ra nhiều góc nhìn về truyền thông trong quản trị khủng hoảng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hoạt động của các tổ chức, đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Vai trò duy trì sự ổn định

Trong hoạt động kinh doanh, việc doanh nghiệp bị rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn thường xảy ra. Tuy vậy, với cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh Covid-19 lần này, tốc độ tác động nhanh và lan rộng đến mức nhiều doanh nghiệp không thể trở tay. Khi mọi khía cạnh của sản xuất – kinh doanh đều bị ảnh hưởng thì những ưu điểm của truyền thông nội bộ lẫn truyền thông đối ngoại cần được vận dụng một cách hữu hiệu để doanh nghiệp có thể bình tĩnh chịu đựng, vượt qua khó khăn, tiếp tục tồn tại

Theo bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó tổng giám đốc Bến Thành Tourist, khủng hoảng dịch bệnh là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử điều hành của doanh nghiệp này. Vì vậy bài toán được đặt ra rất khó để có lời giải, việc trước mắt là cần nhận thức đúng tình trạng thực tế để đưa ra thông điệp truyền thông đúng cho cán bộ, nhân viên duy trì được sự ổn định.

“Việc ổn định tâm lý là rất quan trọng nên vai trò của truyền thông là rất lớn. Việc duy trì được đội ngũ nhân sự là bài toán sống còn mang tính đặc thù của các doanh nghiệp du lịch. Khi lượng nhân sự được bảo toàn thì doanh nghiệp mới xây dựng được nhiều kịch bản phục hồi sau dịch”, bà Tạ Thị Cẩm Vinh cho hay.

Bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 19-6. Ảnh: Thành Hoa

Trong khi đó, bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ tạo ra trải nghiệm cho nhân viên tốt hơn bằng cách thường xuyên cung cấp và thúc đẩy những thông tin có giá trị, phù hợp và mang tính thời sự cho họ. Điều này sẽ giúp nhân viên luôn có được thông tin tức thời và làm việc hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng nên cung cấp cho nhân viên các công cụ đáng tin cậy, dễ sử dụng để truy cập thông tin theo cách của họ và có hỗ trợ tương tác kịp thời khi họ cần.

Doanh nghiệp có muốn nhân viên của mình phải dò hỏi lẫn nhau, lo lắng ảnh hưởng đến công việc, đoán mò những chính sách của công ty… Liệu doanh nghiệp đã truyền thông được những tin tức kịp thời để nhân viên giảm lo lắng, tập trung hiệu suất công việc hay chưa? Để giải quyết khủng hoảng người lãnh đạo cần minh bạch trong công tác truyền thông của doanh nghiệp để duy trì sự ổn định trong bộ máy, theo luật sư Trần Hồng Phong, thành viên Đoàn Luật sư TPHCM.


Ở góc độ của một cơ quan báo chí, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho hay, hoạt động cốt lõi của báo chí là truyền tải thông tin mà bạn đọc là người tiếp cận. Làm báo khác với người đưa tin bình thường hay mạng xã hội, thông tin được truyền tải phải có sự khác biệt và có sự cam kết về nội dung.

“Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19 vừa qua những người làm báo tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn luôn truyền tải những thông tin mang tính tích cực trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội, qua đó góp phần duy trì sự ổn định của dư luận. Bên cạnh đó, tờ báo cũng triển khai các chương trình đồng hành nhằm chia sẻ khó khăn cùng các địa phương. Thông qua các hoạt động này đóng góp nhiều hơn năng lượng tích đến xã hội để vượt qua khủng hoảng”, ông Trần Minh Hùng chia sẻ, tại sự kiện do báo tổ chức nhằm mục đích giao lưu giữa nhà báo, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-06-2020.

Truyền thông để quay trở lại giai đoạn "bình thường mới"

Ngoài việc giúp ổn định tâm lý nhân sự nội bộ, truyền thông cũng là công cụ để doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh hiệu quả sau khi các hoạt động kinh doanh phục hồi. Đây là giai đoạn các hoạt động truyền thông cần được duy trì liên tiếp không chỉ trong nội bộ đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp mà còn mở rộng đến các khách hàng, đối tác…

Để truyền thông trở thành giải pháp thúc đẩy hiệu quả kinh doanh không phải là việc đơn giản đối với nhiều doanh nghiệp vì cũng cần phải có chi phí. Bài toán này doanh nghiệp cần cân đối thu chi và sử dụng các khoản lãi của nhiều năm trước đây để bù đắp.

“Liên quan đến vấn đề tài chính, có thể doanh nghiệp sẽ gặp nhiều sức ép đến từ các nhà đầu tư, vì vậy chiến lược truyền thông để giảm thiểu áp lực cũng cần được tính đến. Nhưng trong bối cảnh bất khả kháng này, việc lan tỏa những thông tin xác thực và minh bạch, đi cùng với đó là những yêu cầu về sự đồng cảm và chia sẻ của nhà đầu tư là phương án tối ưu nhất”, bà Tạ Thị Cẩm Vinh cho hay.

Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó tổng giám đốc Bến Thành Tourist, chia sẻ tại buổi giao lưu ngày 19-6. Ảnh: Thành Hoa

Truyền thông đúng đắn sẽ bảo toàn được lòng tin của nhà đầu tư, đối tác. Tuy nhiên, để đạt đến giai đoạn phục hồi sản phẩm – dịch vụ, phục hồi thị trường sau khi dịch Covid-19 qua đi thì doanh nghiệp cần xây dựng được chiến lược hợp lý và hiệu quả.

“Kinh nghiệm về truyền thông với những sự cố, người lãnh đạo doanh nghiệp phải là người đưa ra thông đầu tiên và chia sẻ một cách minh bạch, bám sát thông điệp. Cần có kế hoạch triển khai truyền thông liên tục dựa trên các sản phẩm được xây dựng phù hợp với nhu cầu khách hàng. Doanh nghiệp cố gắng chuyển tải thông điệp rõ ràng cho khách hàng thấy được sự sẵn sàng trong việc trở lại với thị trường, truyền thông trong giai đoạn này đóng vai trò rất lớn”, bà Nhan Húc Quân chia sẻ.

Trong giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế, nhất là có liên quan đến dịch bệnh, doanh nghiệp thường rơi vào tình thế bị động. Bên cạnh việc nhận những tin về mùa dịch với số lượng ca lây nhiễm ngày càng tăng, tỷ lệ tử vong, số doanh nghiệp đóng cửa,…thì thông tin mà nhân viên, đối tác, khách hàng trông ngóng lúc này là các kế hoạch ứng phó từ cấp lãnh đạo của doanh nghiệp như thế nào? Một kế hoạch truyền thông tốt chính là yếu tố tạo nên điểm cân bằng cho doanh nghiệp trong xu hướng suy giảm trong ngắn hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới