Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ Đất rừng phương Nam đến Thần đồng Đất Việt: Giới hạn nào cho quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm?

Lâm Nghi(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Không phủ nhận rằng bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền lợi hoàn toàn chính đáng của tác giả và pháp luật tác quyền Việt Nam. Việt Nam có ngưỡng bảo hộ rất cao đối với quyền này: được bảo hộ vô thời hạn. Tuy nhiên, bảo hộ cao không có nghĩa là không có giới hạn mà thực chất là rất cần có các giới hạn hợp lý sao cho việc bảo hộ phát huy hiệu quả và khích lệ sức sáng tạo nghệ thuật.

Những ngày vừa qua, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gây xôn xao dư luận ở cả hai phía ủng hộ lẫn phản đối. Nổi bật trong các ý kiến trái chiều là quan điểm cho rằng các nhà làm phim không tôn trọng tác phẩm của cố nhà văn Đoàn Giỏi khi bộ phim có khá nhiều khác biệt so với nội dung của tiểu thuyết gốc cùng tên.

Những ý kiến này nêu vấn đề là liệu với những “biến tấu” như vậy, bản phim Đất rừng phương Nam có xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm - một quyền nhân thân của tác giả được ghi nhận tại khoản 4 điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung qua các năm 2009, 2019 và 2022 (sau đây gọi tắt là Luật SHTT 2005) hay không?

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm: khi nào thì xâm phạm?

Theo quy định tại khoản 4 điều 19 của Luật SHTT 2005, tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại cho danh dự và uy tín của tác giả. Như vậy, để một hành vi bị coi là xâm phạm quyền cần phải thỏa mãn hai điều kiện: (1) có hành vi can thiệp làm thay đổi tác phẩm gốc, và (2) sự can thiệp này gây phương hại cho danh dự và uy tín của tác giả. Nói cách khác, nếu có chỉnh sửa tác phẩm nhưng không gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của tác giả thì cũng chưa đủ cơ sở để cấu thành hành vi vi phạm.

Nếu Thần đồng Đất Việt là điển hình cho sự xung đột quyền giữa chủ sở hữu và tác giả, thì Đất rừng phương Nam lại là điển hình cho sự xung đột giữa lợi ích của tác giả và nhu cầu sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng. Nếu pháp luật cho phép tác giả “giữ khư khư” tác phẩm của mình theo hướng bất khả xâm phạm là đồng nghĩa với việc không gian sáng tạo của nghệ sĩ sẽ bị thu hẹp, tạo ra một nền nghệ thuật nhàm chán, thiếu sức sống vì nghệ sĩ sẽ kiêng dè các vụ kiện tụng mà không dám phát huy đến cùng khả năng sáng tạo của bản thân.

Như vậy, để đánh giá xem liệu những chỉnh sửa khác biệt với bản gốc tiểu thuyết của bản phim Đất rừng phương Nam có xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm hay không thì cần phải chứng minh được những chỉnh sửa của phim gây phương hại cho danh dự và uy tín của tác giả Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, mặc dù cơ sở trên luật là vậy nhưng cách tiếp cận của tòa án Việt Nam trên thực tế lại có đôi chút khác. Điều này được thể hiện qua vụ án đình đám Thần đồng Đất Việt.

Vụ tranh chấp Thần đồng Đất Việt: sửa đổi là vi phạm

Năm 2018, vụ tranh chấp giữa họa sĩ Lê Phong Linh (nghệ danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị liên quan đến hình thức thể hiện bốn nhân vật chính trong tác phẩm Thần đồng Đất Việt được Tòa án Nhân dân Quận 1, TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm. Vụ kiện này sau đó đã được xét xử phúc thẩm bởi Tòa án Nhân dân TPHCM khi bị đơn kháng cáo.

Một trong những yêu cầu của nguyên đơn là tòa án xác định Công ty Phan Thị, thông qua việc vẽ lại các hình ảnh nhân vật có những sai khác với ảnh gốc, đã xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án lập luận rằng “chủ sở hữu tác phẩm có quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa tác phẩm gốc”(1), do đó Công ty Phan Thị đã vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của Lê Linh đơn giản vì các biến thể vẽ lại không giống hoàn toàn với tác phẩm gốc. Tòa án đã bỏ qua, không “đả động” gì đến yếu tố gây phương hại cho danh dự và uy tín của tác giả.

Với cách tiếp cận “sửa chữa là vi phạm” như trên, Tòa án đã đặt ra một nan đề: liệu làm sao để phóng tác, cải biên, biên soạn hay chuyển thể một tác phẩm mà không sửa chữa tác phẩm gốc? Đây là một dạng “nhiệm vụ bất khả thi”, như thể cho phép phân phối bản sao tác phẩm nhưng lại không cho phép sao chép tác phẩm vậy!

Hơn nữa, liệu bỏ qua yếu tố gây phương hại cho danh dự và uy tín của tác giả có dẫn đến hiện tượng tác giả lạm dụng quyền nhân thân gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu và của cộng đồng hay không?

Cân bằng lợi ích trong pháp luật tác quyền: giới hạn nào cho quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm?

Không phủ nhận rằng bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền lợi hoàn toàn chính đáng của tác giả. Thậm chí, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm trong pháp luật tác quyền Việt Nam có ngưỡng bảo hộ cao hơn so với các quyền tài sản (ví dụ, quyền này được bảo hộ vô thời hạn).

Trong trường hợp tác phẩm phái sinh có quá nhiều “biến tấu”, để phòng tránh một cách tốt nhất có thể những rủi ro pháp lý, người thực hiện không chỉ dừng lại ở có được sự đồng ý từ chủ sở hữu tác quyền mà còn cần có cái gật đầu từ chính tác giả cho phép sửa đổi tác phẩm.

Tuy nhiên, bảo hộ cao hơn không có nghĩa là không có giới hạn. Bởi lẽ, bảo hộ quyền tác giả phải đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích: giữa lợi ích công cộng và lợi ích của chủ thể quyền; giữa lợi ích của tác giả và lợi ích của chủ sở hữu. Nếu cán cân quá nghiêng về bên nào cũng làm cho khung pháp lý sở hữu trí tuệ bị xô lệch, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của bên còn lại.

Nguyên tắc này được ghi nhận tại điều 8 Luật SHTT 2005. Do vậy, đặt ra một giới hạn cho quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là cần thiết. Khoản 4 điều 19 của Luật SHTT 2005 đã sử dụng yếu tố “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” như là một giới hạn hợp lý cho việc bảo hộ để đảm bảo sự cân bằng trên.

Nhưng tiếc thay, giới hạn này đã bị phá bỏ trong bản án Thần đồng Đất Việt.

Và nếu Thần đồng Đất Việt là điển hình cho sự xung đột quyền giữa chủ sở hữu và tác giả, thì Đất rừng phương Nam lại là điển hình cho sự xung đột giữa lợi ích của tác giả và nhu cầu sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng. Chúng ta đều hiểu rằng, kế thừa và sáng tạo là hai yếu tố luôn song hành nhau cho phép một nền nghệ thuật phát triển một cách đa dạng và phong phú. Hoạt động làm tác phẩm phái sinh là điển hình cho sự kế thừa và sáng tạo này.

Vì vậy, nếu pháp luật cho phép tác giả “giữ khư khư” tác phẩm của mình theo hướng bất khả xâm phạm là đồng nghĩa với việc không gian sáng tạo của nghệ sĩ sẽ bị thu hẹp, tạo ra một nền nghệ thuật nhàm chán, thiếu sức sống vì nghệ sĩ sẽ kiêng dè các vụ kiện tụng mà không dám phát huy đến cùng khả năng sáng tạo của bản thân.

Những cải biên của phiên bản phim Đất rừng phương Nam có thể vi phạm hoặc không vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, tuy nhiên, để có được kết luận phù hợp với tinh thần của pháp luật, thì sự việc này nên xem xét theo góc độ đó là chỉ nên coi là xâm phạm nếu những “biến tấu” của phim Đất rừng phương Nam gây phương hại cho danh dự và uy tín của tác giả Đoàn Giỏi, còn không, phim chỉ đang làm đúng vai trò của một tác phẩm phái sinh mà thôi.

Thay lời kết: Sự đồng ý của tác giả

Giới làm phim cần hiểu rằng làm tác phẩm phái sinh không chỉ “đụng” đến quyền làm tác phẩm phái sinh, khi thực hiện quyền làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm thì người thực hiện phải xin phép tác giả. Vì thế, trong trường hợp tác phẩm phái sinh có quá nhiều “biến tấu”, để phòng tránh một cách tốt nhất có thể những rủi ro pháp lý, người thực hiện không chỉ dừng lại ở có được sự đồng ý từ chủ sở hữu tác quyền mà còn cần có cái gật đầu từ chính tác giả cho phép sửa đổi tác phẩm.

Tuy nhiên, trong trường hợp tác giả đã mất, việc xin phép lại là điều bất khả thi. Điều này xảy ra với trường hợp Đất rừng phương Nam khi nhà văn Đoàn Giỏi đã qua đời. Họ cũng không thể xin phép những người thừa kế quyền, vì theo quy định tại điều 40 Luật SHTT 2005, những người thừa kế chỉ có thể thừa kế quyền làm tác phẩm phái sinh, không thừa kế quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm.

Trong tương lai, một cơ chế pháp lý quy định chủ thể có tư cách thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm cho tác giả sau khi tác giả qua đời cần phải được bổ sung trong pháp luật tác quyền. Tất nhiên, đó lại là một câu chuyện khác, câu chuyện của các nhà làm luật.

(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật

(1) Bản án số 779/2019/DSPT ngày 3-9-2019 về việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Biên giới sáng tạo là vô tận. Phỏng theo tác phẩm, khác với trích dẫn tác phẩm. Tất nhiên, nếu thể hiện ý tưởng lấy từ tác phẩm cũng cần phải làm rõ sự minh bạch, hợp lý và hợp pháp. Đất Rừng Phương Nam, đã rất nghiêm túc trong nghề nghiệp của họ, biết vận dụng thành công thủ pháp nghệ thuật điện ảnh, thông qua những căn cứ lịch sử/ dã sử/ huyền sử… là không có gì đáng phải nghi ngờ hoặc bàn cãi. Để nghệ thuật thăng hoa, không chỉ cần đến sự cởi mở về tư duy sáng tạo, mà cả về tư duy quản lý, phê bình nghệ thuật… cũng phải thay đổi theo. Đối với khán giả, nhân vật trung tâm, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của điện ảnh, thì sự lắng đọng cảm xúc chân thật, luôn là thứ quý giá nhất.

    • Bài viết không phê bình “Đất rừng phương Nam”, tác giả đã rất khách quan và cẩn thận khi nhận xét “Những cải biên của phiên bản phim Đất rừng phương Nam có thể vi phạm hoặc không vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm…”. Bài viết đang đứng ở góc độ pháp lý, phân tích những vấn đề liên quan đến Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của hai case ĐRPN và TTĐV. Dưới cái nhìn pháp lý, việc tác phẩm hay hay dở, vận dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật ra sao không phải là vấn đề cần bàn thảo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới