(KTSG Online) - Thời gian qua, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn với việc bố trí chỗ ở cho công nhân sản xuất “3 tại chỗ” thì những câu hỏi về quỹ đất 20% làm nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp lại được đặt ra. Theo quy định, đây là diện tích các chủ đầu tư dự án bất động sản nhà ở, các khu công nghiệp khi triển khai dự án phải để lại, nhưng thực tế thì rất ít, rất hiếm đơn vị thực hiện.
Tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Trong văn bản gửi các địa phương mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp. Quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai.
Chọn đóng tiền thay vì để dành quỹ đất
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ, nhưng trên cả nước mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn.
Được biết, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 héc ta (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 héc ta). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Thực tế, hầu hết các khu công nghiệp đều không dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân. Điều này đã bộc lộ bất cập khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ thì các doanh nghiệp không có chỗ cho công nhân ở lại. Đa số đơn vị phải đóng cửa, giảm công suất ít nhiều liên quan đến thực trạng này.
Trước đây, Nghị định 100 quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 héc ta được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Đơn cử như TPHCM không có dự án dưới 10 héc ta dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, còn Hà Nội chỉ có 8/124 dự án thực hiện quy định này.
Điều này dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I). Cùng đó, hiện tượng chủ đầu tư chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 héc ta để “né” việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 49 để thay thế cho Nghị định 100 trước đó đã phần nào hóa giải tình trạng chủ đầu tư "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên hệ quả từ việc chủ đầu tư chọn nộp tiền thay cho việc để dành 20% quỹ đất vẫn chưa thể khắc phục ngay.
Xây khu công nghiệp phải có nhà ở công nhân
Nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một trong những nguyên nhân là các địa phương trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Trong khi đó, số tiền doanh nghiệp đóng thay cho quỹ đất 20% cũng không được bố trí cho quỹ phát triển tại địa phương. Dù luật đã quy định rất cụ thể về việc các khu công nghiệp phải dành quỹ đất làm nhà cho công nhân nhưng ít nơi làm, bởi luật chưa chặt chẽ và chưa có chế tài.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên tục của doanh nghiệp... Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản chỉ đạo “nóng” đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội. Trong đó cần chú ý đến nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Cụ thể, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.