Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Từ lò võ sang lò lân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ lò võ sang lò lân

Đội lân Nhơn Nghĩa Đường biểu diễn trên mai hoa thung tại Liên hoan múa lân quốc tế năm 2008 tại TPHCM. Ảnh: UV.

(TBKTSG) – Những mũi giáo đâm thẳng vào yết hầu người võ sĩ; võ sĩ vận nội công để chiếc xe lu cán qua người, hoặc dùng búa tạ đập tảng đá trên đầu võ sĩ… Những màn biểu diễn ú tim đó của đoàn Nhơn Nghĩa Đường bây giờ gần như không còn xuất hiện trước đám đông.

Thay vào đó là những màn khinh công trên giàn mai hoa thung đầy nguy hiểm, những động tác vận nội công biểu diễn nghệ thuật tạo hình giống các diễn viên xiếc…

Sau 73 năm hoạt động, Nhơn Nghĩa Đường từ một lò võ đang đi theo một hướng hoạt động và kinh doanh mới.

Mồ hôi và máu

Tiếng trống thúc giục, tiếng chiêng, tiếng chập cheng giòn giã cổ động cho hai võ sinh, cũng là nhân viên của Công ty TNHH Lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường, quận Bình Tân, TPHCM, thao dợt bài múa lân trên giàn mai hoa thung.

Dàn mai hoa thung này đạt kích cỡ và tiêu chuẩn của Tổng hội Lân sư rồng quốc tế (gồm 21 chiếc cọc cao từ 1,38 mét đến trên 2,6 mét, khoảng cách giữa các cột thung xa nhất là 1,8 mét).

Không giống như nhiều người hình dung, trung tâm huấn luyện võ thuật và lân sư rồng của đoàn Nhơn Nghĩa Đường nổi danh trong và ngoài nước này là hai phần ba con đường nhựa nằm trước mặt công ty.

Có lẽ người dân ở nơi đây đã quá quen tai với âm thanh “tùng cắc, tùng xèng” của đội lân. Họ chẳng những không than phiền vì tiếng ồn, vì việc lấn chiếm lòng đường, mà còn túa ra đường nhìn các võ sinh khổ luyện.

Trong một pha khinh công trên mai hoa thung, võ sinh Huỳnh Công Phát đã bị ngã, thắt lưng va vào cột sắt chấn thương. Lúc tập luyện, hai võ sinh được cả chục bạn đồng môn đứng dưới canh chừng nhưng sự cố vẫn xảy ra. Và đích thân anh Lưu Hoán Phi, Giám đốc công ty, đã dán thuốc và băng bó cho Phát. Một tiếng sau đó Phát lại ngã lần thứ hai, thứ ba, lần sau nặng hơn lần trước. Ở Nhơn Nghĩa Đường, chuyện võ sinh bị chấn thương, trật đả, thậm chí đổ máu là chuyện bình thường. Hết đau, họ lại lao vào tập luyện.

Nhơn Nghĩa Đường được võ sư Lưu Hào Lương – môn đồ võ phái Thiếu Lâm Châu Gia, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc – thành lập năm 1936 tại vùng Chợ Lớn, quận 5. Năm 1971, võ sư Lưu Kiếm Xương đã kế thừa võ nghiệp lãnh đạo Nhơn Nghĩa Đường của người cha.

Võ sư Lưu Kiếm Xương cho biết thời cha ông còn sống, hoạt động chính của võ phái chủ yếu là dạy võ, “luyện gà” đấu võ đài và chữa trị trật đả, múa lân chỉ là phụ, để trình diễn vào những dịp lễ, Tết cổ truyền. Trước thập niên 1990, nhiều người có tâm lý xem múa lân là môn nghiệp dư. Đoàn hát thì có nơi để biểu diễn theo lịch, có khán giả, trong khi đó đội lân lại phụ thuộc vào khách hàng. Họ có quyền chọn ngày lành tháng tốt để thuê đội lân, tránh ngày kiêng cữ, cho nên có mùa đoàn lân đi múa bở hơi tai, có lúc lại ở không. Tranh thủ mùa rảnh việc, đoàn tranh thủ luyện tập, luyện điệu trống, nâng cao nghệ thuật biểu diễn.

“Để trau dồi kiến thức võ học của môn phái, hàng năm vào ngày 7-7 Âm lịch, con cháu của Thiếu Lâm Châu Gia trên toàn thế giới đều tụ hội về Quảng Đông họp mặt nhân ngày sinh của ngũ tổ Châu Gia. Đó là một trong những dịp để Nhơn Nghĩa Đường chuẩn hóa hệ thống huấn luyện, chương trình đào tạo môn sinh tại các chi nhánh trên thế giới như Úc, Canada, Mỹ, châu Âu”, võ sư Xương nói.

Phổ cập quần chúng

Võ sinh phải dũng cảm, trải qua ít nhất 3 năm khổ luyện công phu trên giàn mai hoa thung. Ảnh: Uyên Viễn.

Năm 1996, Nhơn Nghĩa Đường đã tham dự hội thi múa lân quốc tế tổ chức tại Singapore. Từ chỗ lạ lẫm, thiếu kinh nghiệm thi đấu, chỉ một năm sau Nhơn Nghĩa Đường mạnh dạn tham gia tranh tài tại cuộc thi múa lân trên mai hoa thung quốc tế tại Malaysia.

“Ở nhà quen luyện múa lân trên mai hoa thung do mình chế tạo. Sang Malaysia, thấy giàn thung đạt tiêu chuẩn của ban tổ chức mới biết mình thiếu thông tin và thiếu thốn mọi mặt. Những quốc gia dự thi đều mang theo giàn mai hoa thung (trị giá vài ngàn đô la Mỹ/bộ), còn đội Việt Nam lúc thi đấu phải mượn dụng cụ của đội bạn”, anh Lưu Hoán Phi nhớ lại.

Sau khi khắc phục được hạn chế về mặt kỹ thuật, những năm sau đó Nhơn Nghĩa Đường không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như sáng tạo nhiều động tác khó trong lúc thi đấu và đã đoạt được nhiều giải thưởng lớn. Hiện Nhơn Nghĩa Đường là một trong 28 thành viên của Tổng hội Lân sư rồng quốc tế.

Từ năm 2000, tình hình kinh tế – xã hội ở trong nước phát triển mạnh mẽ, rất nhiều doanh nghiệp được thành lập và nhu cầu thuê đội lân sư rồng biểu diễn nhân dịp khai trương, động thổ cũng nở rộ, cơ hội làm ăn của lò võ này cũng mở ra từ đó. “Đa số doanh nghiệp khi thanh toán chi phí biểu diễn hoặc mua dụng cụ để tập luyện đều đòi Nhơn Nghĩa Đường xuất hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng chúng tôi đâu có chức năng đó”, anh Phi nói về sự hạn chế của đoàn lân trong quá trình giao dịch với khách hàng.

Một số nét về Nhơn Nghĩa Đường

– Năm 2000, đoạt huy chương bạc cúp Thái Hoàng tổ chức tại Thái Lan.

– Năm 2007, lọt vào danh sách “Bát cường” (tám quốc gia có đội lân sư rồng mạnh nhất châu Á) tại giải Sư vương quốc tế tổ chức ở Malaysia.

– Tháng 6-2008, đại diện cho Việt Nam thi đấu và đoạt giải ba tại giải múa lân châu Á diễn ra tại Macau.

– Giữa tháng 11 vừa qua, đoạt giải ba với bài “Vượt Trường Sơn dũng mãnh hái linh chi” tại giải múa lân quốc tế lần thứ 1 tổ chức tại TPHCM.

– Dự kiến tại giải Asian Indoorgames 3, năm 2009 (có 14 đội tham dự), đội tuyển Việt Nam tham dự với thành phần nòng cốt là các vận động viên của đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường.

– Theo kế hoạch, nhân kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào năm 2010, Công ty Nhơn Nghĩa Đường sẽ sản xuất con rồng dài 1.000 mét.

Để chuyên nghiệp hóa hoạt động của mình, ngày 14-12-2005, đoàn Nhơn Nghĩa Đường chính thức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, có chức năng đào tạo võ thuật, biểu diễn, sản xuất dụng cụ tập luyện như mai hoa thung, trống, chiêng, chập cheng, lân sư rồng…

Trong thời gian đầu thành lập công ty, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng võ sư Lưu Kiếm Xương, trên cương vị trưởng đoàn, đã dành nhiều thời gian sang các quốc gia có cộng đồng người Hoa để học cách quảng bá hình ảnh đội lân và các sản phẩm của công ty.

Thành công trong những lần tham gia thi đấu quốc tế đã giúp danh tiếng của Nhơn Nghĩa Đường vang xa. Mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 300 đầu lân sư rồng sang Mỹ, Úc, châu Âu… “Ưu thế của Nhơn Nghĩa Đường là sản xuất từ A-Z tất cả  sản phẩm liên quan đến đội lân sư rồng nên giá bán rẻ hơn từ 30-50% so với sản phẩm cùng loại có chất lượng tương đương sản xuất ở nước khác”, anh Phi cho biết.

Cũng theo anh Phi, hiện công ty đang bao ăn ở và tạo việc làm cho 25 võ sinh với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng. “Sau ba năm tập luyện mỗi ngày từ sáu đến tám tiếng, nắm vững các bộ pháp căn bản, võ sinh mới được lên giàn mai hoa thung tập luyện. Để trở thành thành viên nòng cốt của đoàn, được lãnh lương tháng, võ sinh phải biết đánh nhuần nhuyễn các bài trống, múa được lân sư rồng, leo được cột tre (độ cao tối đa là 15 mét) và biết cách chế tạo đầu lân. Những võ sinh không thích làm đầu lân sẽ được hỗ trợ kinh phí để học lái xe hoặc học nghề, nhưng vẫn phục vụ biểu diễn khi công ty có hợp đồng”, anh Phi nói.

Trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu phổ cập lân sư rồng trở thành môn thể thao quần chúng, gần gũi với giới trẻ, sinh viên, học sinh, đoàn Nhơn Nghĩa Đường đã phát triển nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành trên cả nước, do các môn đồ thành lập. Tại TPHCM, ngoài hai trung tâm huấn luyện võ thuật và lân sư rồng ở quận 5 và quận Bình Tân, Nhơn Nghĩa Đường đã mở thêm chi nhánh ở Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 (sân Tao Đàn).

“Trẻ em từ tám tuổi trở lên đều có thể luyện võ và tập múa lân sư rồng. Những người có nhu cầu tập luyện riêng một môn công phu, Nhơn Nghĩa Đường cũng sẵn sàng hướng dẫn”, võ sư Xương cho biết. Không những thế, Nhơn Nghĩa Đường còn đang hợp tác cùng lúc với Tổng hội Lân sư rồng quốc tế và Ủy ban Olympic Việt Nam để biên soạn tài liệu võ thuật, giáo trình huấn luyện, thi đấu cấp quốc tế và chuẩn hóa trong cả nước.

Sau 73 năm hình thành và phát triển, Nhơn Nghĩa Đường hiện có khoảng 180 võ sinh nòng cốt và 18 huấn luyện viên với hàng chục chi nhánh Nhơn Nghĩa Đường ở trong và ngoài nước. Công ty cũng đã thành lập phòng chữa trị trật đả và cấp cứu 24/24 giờ tại 544/19 Hàm Tử, phường 6, quận 5.

UYÊN VIỄN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới