Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tương lai của tiền mã hóa sau cú sốc FTX

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Mùa đông tiền mã hóa” đang trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, với cú sốc phá sản của FTX - một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Nhiều câu hỏi lớn lại được đặt ra về tương lai của ngành công nghiệp này.

Cú sốc mang tên FTX

“Một lần nữa, tôi thực sự xin lỗi, chúng ta kết thúc tại đây.” Đó là những gì mà Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX, viết trên Twitter hôm 11-11-2022, sau khi sàn giao dịch tiền mã hóa của ông chính thức nộp đơn xin phá sản, còn ông từ chức giám đốc điều hành. Vụ việc đánh dấu sự sụp đổ của một trong những đế chế lớn mạnh nhất thị trường tiền mã hóa và cũng là lời chia tay bi thảm với một trong những nhân vật giàu có, ảnh hưởng bậc nhất trong ngành.

Hơn 130 tổ chức liên kết trong hệ sinh thái của FTX đã được liệt kê trong hồ sơ xin phá sản, cùng đơn kiện Alameda Research - quỹ đầu tư liên quan đến FTX - với khoản nợ ít nhất 10 tỉ đô la Mỹ. Điều này đã biến sự sụp đổ của FTX trở thành vụ phá sản lớn nhất nước Mỹ trong năm nay, ảnh hưởng nặng nề đến các nhà đầu tư và đối tác trên toàn thế giới.

Ngay cả trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa đang chứng kiến sự ra đời và biến mất của nhiều công ty, vụ phá sản của FTX vẫn gây nhiều sự chú ý. FTX, không chỉ đơn thuần điều hành một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới về tài sản kỹ thuật số, mà còn nhận được sự công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Vào thời điểm thị trường đạt đỉnh hồi năm 2021, FTX đã nhận được sự tin tưởng của hơn 5 triệu người dùng trên toàn thế giới, thực hiện các giao dịch tiền mã hóa trị giá hơn 700 tỉ đô la chỉ trong một năm.

Thế nhưng giờ đây, từ chỗ được coi là thần đồng, cứu tinh của thị trường tiền mã hóa, Sam Bankman-Fried đã trở thành kẻ tội đồ, bị giới chức Mỹ mở cuộc điều tra và có thể phải đối mặt với án tù. Tài sản của ông từ 16 tỉ đô la vào đầu tuần này đã nhanh chóng quay về vạch xuất phát, đẩy vị tỉ phú ngày nào phải đối mặt vòng xoáy nợ nần.

Thị trường tiền mã hóa chao đảo

Với tầm ảnh hưởng lớn của FTX và Sam Bankman-Fried, không có gì khó hiểu khi thị trường tiền mã hóa nhanh chóng lao dốc mạnh sau cú sốc này. Các số liệu từ Coinmarketcap cho thấy, giá bitcoin đã lao dốc 22% trong tuần trước, trong khi đồng ethereum cũng mất 24% giá trị. Các đồng tiền đáng chú ý khác như dogecoin hay ripple cũng ghi nhận mức giảm hai con số.

“Ngành công nghiệp này cần sự trưởng thành cao hơn và các cơ quan quản lý sẽ tham gia vào quá trình đó. Tương lai của ngành là các tài sản số được đăng ký và giao dịch trên các sàn giao dịch được điều hành và quản lý, nơi mọi người đều nhận được các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư cần thiết”, ông Michael Saylor, chủ tịch MicroStrategy, một công ty đang nắm giữa 130.000 bitcoin kỳ vọng.

Danh sách những bên bị thiệt hại đang ngày một kéo dài ra. Có thể kể đến Multicoin Capital, quỹ đầu tư hàng đầu trong hệ sinh thái Solana, đang mắc kẹt 10% tổng tài sản (bao gồm bitcoin, ethereum và USD) trên FTX, với trị giá tương đương 9 con số. Sequoia tổn thất 213,5 triệu đô la, trong khi Genesis cũng mất 182 triệu đô la trong tài khoản giao dịch.

Chain Protocol không tiết lộ con số cụ thể nhưng ước tính thiệt hại cũng lên tới 8 con số. Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới Ontario thông báo bị thiệt hại 95 triệu đô la trong vụ FTX và kế hoạch lương hưu của quỹ trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng lớn.

BlockFi - một trong những hãng cho vay tiền mã hóa lớn nhất thế giới - vừa phải thông báo ngừng cho người dùng rút tiền sau khủng hoảng của sàn FTX. Trên mạng xã hội, BlockFi cho biết tình hình hiện tại của sàn giao dịch FTX là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định trên. Hãng cũng yêu cầu khách hàng không gửi vào ví hoặc tài khoản lãi suất của họ, và sẽ thông báo cụ thể hơn tới người dùng “trong thời gian sớm nhất có thể”. BlockFi từng được định giá 5 tỉ đô la vào năm 2021, nhưng hiện chỉ còn khoảng 500 triệu đô la.

Đà giảm của tiền mã hóa cũng kéo theo một cuộc bán tháo của thợ đào. Theo Charles Edwards, nhà sáng lập quỹ Capriole, các thợ đào bitcoin đã đạt đến mức đỏ trên biểu đồ áp lực bán, cho thấy lượng bán tháo đang đạt mức kỷ lục trong năm năm qua.

Mike McGlone, nhà phân tích cấp cao tại Bloomberg, cho rằng cú sốc FTX sẽ lớn hơn nhiều tất cả những gì mọi người có thể hình dung. “Bitcoin là nạn nhân đầu tiên và sẽ như hiệu ứng domino tác động lên toàn ngành. Tôi e rằng bitcoin có thể rơi về mốc 10.000-12.000 đô la sau sự kiện này”, ông McGlone chia sẻ với Coin Telegraph.

Tương lai bất định

Nhìn vào những gì đang diễn ra, thật khó để hình dung rằng, mới chỉ một năm trước, các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan cho rằng bitcoin là tương lai của tiền tệ và ethereum là công cụ phát triển quan trọng bậc nhất của thế giới. 12 tháng kể từ khi bitcoin đạt đỉnh giá hơn 68.000 đô la, hai đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất ba phần tư giá trị. Giá trị vốn hóa toàn thị trường, từ chỗ đạt gần 3.000 tỉ đô la, nay chỉ còn chưa đầy một phần ba (khoảng 900 tỉ đô).

Thay vì đóng vai trò là một công cụ rào chắn trước lạm phát, các đồng tiền mã hóa như bitcoin đang dần lộ ra hình ảnh của một công cụ đầu cơ với giá trị xẹp xuống nhanh chóng khi sự hào hứng của thị trường biến mất và các nhà đầu tư hoảng loạn.

“Khi nhìn lại, sự hào hứng và giá trị của các tài sản rõ ràng đã vượt qua chính các giá trị cơ bản của chúng”, Katie Talati, Giám đốc nghiên cứu tại Arca, nói. “Khi sự tụt dốc diễn ra quá nhanh và khốc liệt, nhiều người khẳng định tài sản số đã chết”. Chuyên gia này cũng nói thêm, cho dù thị trường tiền mã hóa có phục hồi hay không, cuộc “tắm máu” của thị trường trong năm 2022 để lộ nhiều điểm yếu của tiền mã hóa, đồng thời nhắc nhở các nhà đầu tư rằng vì sao chúng ta vẫn cần sự quản lý trong ngành tài chính.

Đối với các sàn giao dịch, những nỗ lực để thể hiện mình có tính minh bạch cao, và có khả năng quản lý rủi ro không hề thua kém các đồng nghiệp trong những dịch vụ tài chính truyền thống, giờ đây đang vấp phải các rào cản lớn. Chia sẻ với Business Insider, chuyên gia Kevin Gallagher tại Deloitte cho biết, “Cho dù các rủi ro tín dụng hoặc thanh khoản tương tự có thực sự tồn tại trong các sàn giao dịch hay không, những gì đã diễn ra trong tuần qua sẽ khiến họ khó có thể lập luận rằng thời kỳ “Miền Tây hoang dã” của tiền mã hóa đã thực sự kết thúc”.

Ryan Gilbert, nhà sáng lập Launchpad Captital, nói rằng thế giới tiền mã hóa đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin sau vụ việc của FTX, mà trong một thị trường không có sự hiện diện của ngân hàng trung ương, niềm tin được coi là yếu tố then chốt.

Các nhà tư vấn đầu tư, vốn đóng vai trò là người gác cổng có ảnh hưởng của các nhà đầu tư tổ chức, đang tỏ ra thận trọng khi tư vấn cho khách hàng về việc phân bổ tài sản, và tránh các khoản đầu tư nhiều rủi ro.

Cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức ngày càng lớn, những người ủng hộ tiền mã hóa vẫn tỏ ra lạc quan vào tiềm năng phát triển của thị trường này, sau khi có những sự điều chỉnh cần thiết.

Ông Adam Struck, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Struck Capital và Struck Crypto có trụ sở tại Los Angeles, chuyên hỗ trợ các dự án tiền mã hóa giai đoạn đầu, cho biết ông không cảm thấy lo lắng quá nhiều về bảng cân đối kế toán của công ty mình, mặc dù thừa nhận, “sự sụp đổ của FTX chắc chắn sẽ gửi sóng chấn động trong toàn bộ hệ sinh thái”. Ông cũng cho biết, chiến lược tài trợ cho các nhà công nghệ về tiền mã hóa của công ty ông vẫn sẽ không thay đổi.

“Tài chính phi tập trung (DeFI) không phải là vấn đề dẫn tới sự hỗn loạn này”, ông Daniel Adler, người điều hành hội đồng việc làm tiền mã hóa và blockchain trực tuyến Cryptocurrency Jobs, chia sẻ với Business Insider. “Vụ vỡ nợ của FTX cho thấy sự cần thiết của các hệ thống minh bạch, đó là lý do tại sao chúng tôi đang xây dựng DeFi. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải có trách nhiệm”.

Còn theo CEO Binance Changpeng Zhao, các cơ quan quản lý không nên chỉ giới hạn ở các quy tắc chống rửa tiền hay định danh xác thực khách hàng điện tử (KYC), mà cần tập trung nhiều hơn vào các hoạt động, mô hình kinh doanh và lưu trữ của các sàn giao dịch như FTX.

“Ngành công nghiệp này cần sự trưởng thành cao hơn và các cơ quan quản lý sẽ tham gia vào quá trình đó. Tương lai của ngành là các tài sản số được đăng ký và giao dịch trên các sàn giao dịch được điều hành và quản lý, nơi mọi người đều nhận được các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư cần thiết”, ông Michael Saylor, chủ tịch MicroStrategy, một công ty đang nắm giữa 130.000 bitcoin kỳ vọng.

Nguồn: Washington Post, CNN Business, Financial Times, Bloomberg, Business Insider, Coin Telegraph, The Block

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới