Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá tăng, chứng khoán giảm

D. Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bất chấp thị trường tài sản toàn cầu phục hồi nhẹ trong tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giảm mạnh trong bối cảnh tỷ giá tiếp tục tăng mạnh.

Thị trường tài chính toàn cầu vừa dấy lên hy vọng Fed “nhẹ tay” tăng lãi suất – Ảnh: L.V.

Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng điểm mạnh, dù thông tin về kết quả kinh doanh không tích cực như kỳ vọng. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng 2,47%, chỉ số S&P 500 tăng 2,37%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,31%. Nếu tính theo tuần, thị trường cũng tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 6-2022, với mức tăng của ba chỉ số trên lần lượt là 4,9%, 4,7% và 5,2%.

Tuy nhiên, không phải thị trường chứng khoán nào cũng tăng mạnh. Chỉ số MSCI All Country-World Index đo lường chứng khoán toàn cầu tăng 1,52%, nhưng chủ yếu là nhờ chứng khoán Mỹ. Ngược lại, chứng khoán ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu lại giảm.

Một điểm đáng chú ý trong tuần qua là lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu tiếp tục tăng vọt. Theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh, lên thêm 1,82 điểm phần trăm, trở về vùng lợi suất hồi năm 2007 là quanh 4,2-4,5%. Xu hướng này lan rộng khắp thị trường trái phiếu thế giới khi lợi suất trái phiếu nhiều chính phủ ở châu Âu, hay Nhật Bản, Anh đều tăng lên.

Trên thị trường hàng hóa, dầu mỏ tăng trở lại. Giá dầu thô WTI giao sau (Mỹ) tăng 0,64%, đạt mức 85,05 đô la/thùng, còn dầu thô Brent (châu Âu) tăng 1,21%, ở mức 93,5 đô la/thùng.

Tương tự, giá vàng bất ngờ tăng mạnh vào hôm cuối tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng hơn 20 đô la trong ngày và giao dịch lần cuối ở mức 1.657,80 đô la/ounce, sau khi chạm mức thấp mới trong hai năm. Tương tự, giá vàng giao ngay tăng 1,64%, lên mức 1.654,4 đô la/ounce.

Giá vàng phục hồi mạnh được cho là nhờ sức mạnh đồng đô la giảm. Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với rổ ngoại tệ mạnh khác, giảm 0,89%. Trong đó, đáng chú ý đồng yen Nhật tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ (1,64%) trong khi đồng bảng Anh tăng 0,58%.

Đồng yen trong tuần qua tiếp tục rớt kỷ lục, phá ngưỡng tâm lý quan trọng 150 đổi 1 đô la, mức thấp nhất kể từ tháng 8-1990. Lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã vượt lên trên mức 0,25% (ngưỡng được cho là cơ quan điều hành sẽ giữ vững). Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm cũng tăng lên cao nhất kể từ tháng 9-2015.

Trong tuần này, thị trường chờ đợi dữ liệu GDP quí 3 của Mỹ và các báo cáo về thu nhập, cũng như động thái điều hành lãi suất của khu vực châu Âu và Nhật Bản. Hiện nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất, với hơn 90% khả năng sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm, nhưng với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thì khả năng nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ là bị bỏ ngỏ, dù vẫn có những cam kết bảo vệ lợi suất trái phiếu chính phủ.

Nguồn: Maybank IB, Bloomberg.

Việt Nam chịu sức ép tỷ giá

Tại Việt Nam, tình hình thị trường tài chính trong tuần trước có những sự thay đổi lớn, đặc biệt là khi chứng khoán vẫn tiếp tục giảm mạnh trong tuần vừa qua, dù cho thị trường chứng khoán quốc tế đã có những dấu hiệu phục hồi.

Trong báo cáo cuối tuần, Công ty chứng khoán Maybank IB cho rằng lý do VN-Index giảm mạnh có thể liên quan đến cuộc điều tra về những sai phạm, cùng với sự căng thẳng tỷ giá và khả năng tăng lãi suất.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá đã bật tăng mạnh từ đầu tuần sau thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5%, đồng thời tăng giá bán đô la tại Sở giao dịch lên mức 24.380 đồng/đô la.

Tỷ giá sau đó bật tăng mạnh trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do, với tốc độ tăng giảm dần vào cuối tuần. Cuối tuần trước, giá đô la trên thị trường tự do cũng tăng mạnh, lên đến mốc gần 25.000 đồng/đô la ở chiều mua vào và lên 25.120 đồng/đô la ở chiều bán ra.

Trong sáng ngày 24-10, Vietcombank niêm yết giá đô la chiều bán ra là 24.870 đồng/đô la, gần như giữ nguyên so với cuối tuần trước, nhưng tăng 430 đồng so với hồi đầu tuần. Còn NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.700 đồng/đô la, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước.

Thị trường vàng trong nước cuối tuần không có nhiều biến động đáng chú ý dù giá vàng thế giới tăng hay giảm mạnh. Giá vàng miếng SJC niêm yết giá khoảng 66,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 67,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, ước tăng khoảng 500.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó, đồng thời vẫn duy trì mức chênh lệch giá mua và bán ở mức 1 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng rất mạnh trong tuần qua, đặc biệt là phiên giao dịch hôm thứ Sáu đã giảm mạnh 3,65%, “xóa sạch” những thành quả của những phiên giao dịch trước đó.

Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tới 4%, lùi về mức 1.019,8 điểm; tương tự chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 4,6% và 2% tính theo tuần.

Thanh khoản cũng sụt giảm mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư duy trì sự thận trọng. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm mạnh 31% so với tuần trước đó. Đáng chú ý nữa là nhà đầu tư ngoại trở lại bán ròng 128 tỉ đồng trên HOSE, sau khi mua ròng 2.642 tỉ đồng trong tuần giao dịch trước đó.

Đà giảm điểm thị trường tuần qua chịu tác động từ sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu tài chính, bao gồm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, tâm lý nhà đầu tư chuyển biến tiêu cực trong phiên thứ Sáu, do ảnh hưởng từ việc khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh tại một số cổ phiếu trụ và những tin đồn lan truyền trên các hội nhóm đầu tư.

“Áp lực bán ra có thể tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số VN-Index có thể thử thách lại vùng hỗ trợ 990-1.000 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường và chúng tôi kỳ vọng dòng tiền bắt đáy được kích hoạt sẽ giúp thị trường giữ được hỗ trợ quan trọng này”, báo cáo của VNDirect nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới