(KTSG Online) - Theo số liệu cập nhật của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực đến ngày 5-12, tuần qua, khối ngoại đã tăng mua vào để nâng tỷ lệ sở hữu các mã CTG, VCB và BID do các nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng vào sự bứt phá trong xử lý nợ xấu khá hiệu quả của các ngân hàng này đối với các dự án bất động sản.
- Chứng khoán – cửa phục hồi đang mở?
- UBCKNN và Công an Hà Nội cảnh báo về giao dịch chứng khoán trái phép
Trong đó, ngân hàng BIDV, mã chứng khoán BID, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,18% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa; tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã BID đã tăng 0,06% so với mức 17,12% của 1 tuần trước. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiểu BID đã tăng 5,64% và đóng cửa ở mức 41.200 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng Vietinbank, mã chứng khoán CTG, hiện nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 27,51% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa; tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG đã tăng 0,3% so với mức 27,21% của 1 tuần trước. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 2-12, cổ phiểu CTG đã tăng trần 6,88% và đóng cửa ở mức 27.950 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng Vietcombank, mã chứng khoán VCB, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 23,61% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa; tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB đã tăng 0,04% so với mức 23,57% của 1 tuần trước. Chốt phiên giao dịch, cổ phiểu VCB tăng 6,25% và đóng cửa ở mức 85.000 đồng/cổ phiếu.
TTXVN dẫn thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết việc cổ phiếu 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam duy trì sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại ngoài kết quả kinh doanh tốt trong quí 3-2022, sức tăng trưởng ổn định, còn bởi khối ngoại đang kỳ vọng vào việc xử lý nợ xấu khá hiệu quả của các ngân hàng này đối với các dự án bất động sản. Các ngân hàng đã thực hiện giãn nợ, đáo hạn đối với các dự án thanh khoản tốt, kiên quyết khoanh vùng và kiểm soát đối với chủ đầu tư dây dưa, nợ đọng kéo dài, đề xuất các ban ngành thanh lý, thu hồi, chuyển đổi các nhà đầu tư có năng lực và minh bạch tài chính hơn...