Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Úc thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với trữ lượng đất hiếm dồi dào, Úc đang nổi lên như là một đối thủ đáng gờm để xóa bỏ vị thế thống trị của Trung Quốc về nguồn cung các khoáng sản kim loại hiếm, rất cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử và năng lượng tái tạo.

Nhà máy chế biến đất hiếm Mt Weld của Công ty Lynas Rare Earths ở Tây Úc. Ảnh: Australian Resources and Investment

Dự án Nolans của Công ty Arafura Resources nằm ở một trong những khu vực khô hạn và nóng nhất của nước Úc, cách thị trấn Alice Springs của lãnh thổ Bắc Úc 80 dặm về phía bắc. Dự án khai thác và chế biến đất hiếm này có thể đáp ứng tới 5% nhu cầu toàn cầu về neodymium và praseodymium (NdPr), được sử dụng trong nam châm hiệu suất cao. Chúng là hai trong một nhóm các nguyên tố đất hiếm rất cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử.

NdPr, europium, terbi và các kim loại hiếm khác, mà trước đây hầu như không được nghe nói đến, đang được sử dụng rộng rãi để sản xuất màn hình cảm ứng điện thoại, tuốc-bin gió và các công nghệ hiện đại khác.

Trung Quốc đang thống trị ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đất hiếm, nhưng Mỹ và các nước đồng minh đang nỗ lực định hình lại thị trường quốc tế.

Úc, cường quốc xuất khẩu quặng sắt và than đá, tin rằng họ có đủ khả năng để tham gia cuộc đua khai thác khoáng sản cung cấp cho các bộ phận quan trọng của xe điện và tuốc-bin gió.

Gavin Lockyer, Giám đốc điều hành Arafura Resources, nói: “Đây chắc chắn có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với Úc. Chúng tôi có trữ lượng nguyên tố đất hiếm tương đối dồi dào, có thể đưa Úc lên vị trí hàng đầu và là trung tâm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Lockyer cho biết việc phát hiện ra một mỏ đất hiếm tương đối dễ dàng nhưng điều khó khăn là xác định được một mỏ đất có trữ lượng kinh tế đáng kể nhờ chứa nhiều vật liệu có giá trị.

Đất hiếm là tập hợp của hơn một chục nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Dù được gọi là đất hiếm, nhưng chúng không đặc biệt hiếm và thực sự khá dồi dào trong lớp vỏ của Trái đất.

Các kim loại hiếm rất cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử và năng lượng tái tạo. Ảnh: Getty

Geoscience Australia, cơ quan nghiên cứu khoa học địa chất của chính phủ Úc, cho biết các nguyên tố đất hiếm có thể ứng dụng cho công nghiệp, y tế mang tính chiến lược nhờ các đặc tính xúc tác, hạt nhân, điện, từ tính và phát quang độc đáo của chúng.

Chúng được sử dụng trong nam châm và siêu nam châm, động cơ, hợp kim, thiết bị điện tử, máy tính, pin, bộ chuyển đổi xúc tác, chế biến dầu mỏ, hình ảnh y khoa và laser.

Chẳng hạn, nguyên tố europium được sử dụng làm chất bột phủ trong bóng đèn huỳnh quang, gadolinium hiện diện trong thanh nhiên liệu hạt nhân và ytterbium có mặt trong các tấm pin mặt trời.

“Điều quan trọng cần lưu ý là một chiếc xe điện có thể chỉ chứa lượng NdPr có giá trị khoảng 200 đô la Úc, nhưng nếu không có nó, xe điện sẽ không hoạt động hiệu quả. Tương tự, các tuốc-bin gió cũng như vậy”, Lockyer nói thêm.

NdPr được sử dụng để sản xuất siêu nam châm. Khi có gió, tuốc bin quay và làm các siêu nam châm quay xung quanh các cuộn dây để tạo ra điện theo nguyên lý cảm ứng điện từ.

Trong thời kỳ chiến tranh, các loại đất hiếm có giá trị chiến lược vì chúng được sử dụng trong máy bay chiến đấu, tên lửa dẫn đường và máy bay không người lái cùng với các thiết bị công nghệ cao khác để thăm dò không gian.

Công ty Lynas Rare Earths của Úc đã được Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng xây dựng một cơ sở chế biến đất hiếm trị giá hàng triệu đô la ở Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các loại khoáng sản chiến lược của Trung Quốc.

Lynas là một trong số ít nhà sản xuất đất hiếm lớn bên ngoài Trung Quốc và đang điều hành mỏ đất hiếm Mt Weld ở Tây Úc.

Giám đốc điều hành Lynas Amanda Lacaze nói: “Chúng tôi không chỉ kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đất hiếm của chính phủ Mỹ mà còn hồi sinh thị trường đất hiếm trong nước”.

Tại hội nghị mới đây ở Sydney, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cảnh báo Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát lớn trong các công nghệ năng lượng tái tạo và các chuỗi cung ứng.

Viện Chính sách chiến lược Úc (Aspi), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Canberra, lưu ý rằng Trung Quốc từng sử dụng đất hiếm như là vũ khí ngoại giao sau vụ va chạm vào năm 2010 giữa một tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản ở khu vực đảo đang tranh chấp giữa hai bên. Lúc đó, Bắc Kinh đã phàn nàn về hành vi cản trở bất hợp pháp các tàu đánh cá của họ và đã trả đũa.

Nhà phân tích Albert Zhang của Aspi cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến việc chính phủ Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản như một phần của hành động áp bức kinh tế chống lại chính phủ Nhật Bản”.

Kể từ đó, các nước nhận thấy rủi ro nếu chỉ dựa vào một nhà cung cấp đất hiếm lớn. Theo Albert Zhan, Úc có trữ lượng đất hiếm lớn, các công ty liên quan cũng như vốn đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm của thế giới.

Các chuyên gia Úc cho biết gần đây Trung Quốc đã đe dọa hạn chế cung cấp đất hiếm cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Hai kim loại hiếm neodymium và praseodymium (NdPr), được sử dụng để sản xuất các siêu nam châm bên trong các tuốc-bin gió khổng lồ. Ảnh: Getty

John Coyne, người phụ trách Trung tâm chính sách chiến lược Bắc Úc của Aspi, cảnh báo Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ sự thống trị trong lĩnh vực đất hiếm quốc tế. Ông cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chiến thuật bóp méo thị trường” để ồ ạt cung cấp đất hiếm ra thị trường khi muốn loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và ngăn cản những người tham gia thị trường mới.

Ông nói: “Úc có trữ lượng khoáng sản đất hiếm lớn thứ 6 thế giới. Tuy nhiên, chúng phần lớn vẫn chưa được khai thác ngoài hai mỏ đang hoạt động. Có tiềm năng lớn để thành lập các trung tâm chế biến khoáng sản đa quặng ở Úc. Xét cho cùng, không có ích lợi gì trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho quặng đất hiếm nếu các nhà khai thác vẫn phải gửi chúng đến Trung Quốc để chế biến”.

Đầu năm nay, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai đã ký một biên bản ghi nhớ với Arafura Resources để đảm bảo nguồn cung đất hiếm trong một môi trường địa chính trị ổn định.

Hồi tháng 7, Arafura Resources cũng đã ký kết một thỏa thuận tương tự để cung cấp NdPr cho GE Renewable Energy, nhà sản xuất tuốc-bin gió của Pháp.

Sam Maresh, Giám đốc quốc gia tại Úc của GE Renewable Energy, nói: “Những gì chúng ta đã thấy trong đại dịch Covid-19 là tầm quan trọng của việc có nhiều chuỗi cung ứng. Chúng tôi cần đất hiếm để tạo ra các nam châm mạnh, được sử dụng trong các tuốc-bin gió ngoài khơi của chúng tôi. NdPr giúp sản xuất các nam châm siêu mạnh. Quá trình chuyển đổi năng lượng cần rất nhiều đất hiếm. Chúng tôi sử dụng khoảng 600 kg siêu nam châm cho mỗi tuốc-bin gió ngoài khơi”.

Theo BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới