Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Unicef: Nỗ lực giảm thiểu số trẻ em tử vong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Unicef: Nỗ lực giảm thiểu số trẻ em tử vong

Uyên Viễn thực hiện

Bà Lotta Sylwander. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 100 trẻ em tử vong vì các nguyên nhân có thể phòng tránh được như viêm phổi và tiêu chảy; mỗi giờ có một trẻ em chết đuối hoặc bị tử vong do tai nạn giao thông; hơn 3 triệu trẻ em chưa được tiếp cận với nước sạch và hơn 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chịu ảnh hưởng lâu dài về thể chất và trí tuệ do suy dinh dưỡng.

Thông tin trên được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (Unicef Việt Nam) công bố vào chiều 8-10 tại TPHCM.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện của Unicef Việt Nam, về các chương trình mà tổ chức này đã đóng góp suốt 50 năm qua tại Việt Nam vì mục tiêu giảm thiểu số trẻ em bị tử vong hoặc tổn thương vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được.

TBKTSG Online: 2013 là năm mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì sao Unicef lại mở đầu cho việc kết nối với lực lượng này bằng chương trình đêm hội ZEROawards sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại TPHCM vào ngày 5-12 tới?

– Bà Lotta Sylwander: Đây là lần đầu Unicef Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với khối doanh nghiệp sau hàng chục năm hiện diện tại đây.

Tôi rất vui vì có nhiều doanh nghiệp đồng lòng tham gia cùng với chúng tôi thực hiện mục tiêu giảm thiểu số trẻ em bị tử vong hoặc tổn thương vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được xuống thành con số 0.

Đơn cử là Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ; Công ty cổ phần Điện lạnh Ree với bà Nguyễn Thị Mai Thanh; Công ty Chu Thị với chương trình Sức sống mới của bà Chu Thị Hồng Anh và một số quỹ đầu tư khác.

Lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ rằng việc hỗ trợ trẻ em thoát khỏi cảnh tử vong mỗi ngày là điều cần làm với nhiều phương thức, từ giáo dục ý thức cho đến hỗ trợ phương tiện phòng chống rủi ro dẫn đến tử vong, trong khi khả năng khắc phục việc này là hoàn toàn có thể.

Khó khăn là tình hình chung của doanh nghiệp nhưng không vì thế mà họ chùng lòng trước những việc làm rất có ý nghĩa, đậm chất nhân văn và tình người.

Liệu có phải là viển vông khi Unicef Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm số trẻ em tử vong vì chết đuối, tai nạn giao thông hoặc bị tổn thương vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được xuống thành con số 0. Đâu là mốc thời gian để đạt được?

Nếu tính luôn cả đất nước các bạn, Unicef đang hiện diện tại 190 quốc gia, chúng tôi được biết đến như một tổ chức tiên phong trên thế giới về bảo vệ và cải thiện cuộc sống trẻ em.

Unicef đã hỗ trợ Việt Nam hơn 50 năm qua và chính thức có mặt tại đây trên 30 năm. Trong thời gian qua, chúng tôi đã vận động các tổ chức nhân đạo quốc tế, các nhà hảo tâm… hỗ trợ cho Việt Nam với tổng số tiền là 500 triệu đô la Mỹ phục vụ cho các hoạt động thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất (không nơi nương tựa, xâm hại tình dục, suy dinh dưỡng, bệnh tật).

Muốn đạt đến đích là con số 0 với tất cả các loại bệnh tật, tai nạn ở trẻ em, Unicef có những mục tiêu rõ ràng và kết quả đạt được ở từng chặng.Tôi có thể thí dụ là Unicef đã từng hợp tác với Chính phủ Việt Nam cùng với các ban ngành, đoàn thể xóa bệnh bại liệt ở trẻ em thành con số 0 phải mất tới 30 năm (1970-2000). Năm 2005, xóa bệnh sởi và bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống còn 1/3. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 1/3.

Unicef Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tỷ lệ trẻ tử vong do chết đuối hoặc tai nạn giao thông trên cả nước xuống còn 50%. Số liệu thống kê từ các bộ ngành cung cấp cho chúng tôi là mỗi ngày có ít nhất một trẻ em chết đuối hoặc vì tai nạn giao thông. Cụ thể chúng tôi sẽ phối hợp cùng với chính quyền các cấp, các địa phương nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái, dạy các cháu tập bơi, xây hồ bơi ở các vùng nông thôn v.v.

"Từ năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Điều đó cho thấy các bạn có thể tự mình sẵn sàng đảm nhiệm vai trò đầu tư cho trẻ em. Với sự đầu tư to lớn và bền vững dành cho trẻ em, Việt Nam có thể thúc đẩy những tiềm năng vô hạn của quốc gia, ngay cả với từng trẻ em", bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện của Unicef Việt Nam.

Cụ thể trong giai đoạn 5 năm (2012-2016), Unicef đã và đang triển khai những hoạt động nào ở Việt Nam?

Một trong những tín hiệu vui đối với hàng chục triệu người dân Việt Nam đó là hồi cuối năm ngoái (2012), Quốc hội đã thông qua hai luật: cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa và chế độ nghỉ thai sản từ ba lên thành sáu tháng.

Theo số liệu mà chúng tôi có, chỉ có 16% phụ nữ Việt Nam cho con bú bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu. Tôi không hiểu vì sao các bà mẹ Việt Nam không thích cho con bú tự nhiên mà lại thay thế bằng sản phẩm khác, hay là vì thời gian nghỉ sanh quá ít, thời gian trước năm 2012? 16% là tỷ lệ thấp nhất trong khu vực châu Á!

Bây giờ, với sáu tháng được nghỉ làm việc theo chế độ thai sản, các bà mẹ Việt Nam sẽ có nhiều thời gian để cho con bú, chăm sóc trẻ phát triển một cách toàn diện.

Một số kết quả vừa nêu là một trong những nỗ lực mà Unicef cố gắng tác động với nhiều hình thức nhằm thực thi quyền trẻ em.

Kế tiếp, chúng tôi đã liên kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng H'Mông, Gia Rai và Khmer. Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số được dạy tiếng mẹ đẻ từ lớp mầm non cho đến lớp ba. Từ lớp ba đến lớp năm, các em học song song tiếng mẹ đẻ và tiếng Kinh. Kết quả đạt được là các em rất tự tin và thoải mái trong việc giao tiếp, giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Từ năm 2012-2016, Unicef đã khảo sát và chọn ra tám tỉnh, thành, cần sự hỗ trợ nhất đó là Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Tháp, An Giang và TPHCM. Tám địa phương này qua khảo sát cho thấy có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao, mất vệ sinh, thiếu nước sạch, trẻ suy dinh dưỡng, lang thang, khuyết tật và bị xâm hại tình dục. Chẳng hạn, TPHCM là địa bàn tập trung khá nhiều trẻ lang thang, cơ nhỡ và bị xâm hại tình dục. Đây là tình trạng chung ở các đô thị lớn và cần có sự can thiệp, giải quyết triệt để.

Xin cảm ơn bà!

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới