Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Uniqlo đang là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thương hiệu thời trang Uniqlo (Nhật Bản) hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của tập đoàn này.

Uniqlo đang đẩy mạnh phát triển cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam. Trong ảnh là một cửa hàng của Uniqlo tại TPHCM. Ảnh: Hùng Lê

Trong cuộc viếng thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22 đến 25-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ với ông Tadashi Yanai, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing, một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia lớn của Nhật Bản, sở hữu nhãn hiệu thời trang Uniqlo, với doanh thu năm 2020 đạt khoảng 20 tỉ đô la Mỹ.

Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Tadashi Yanai cũng đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử.

Từ khi chính thức mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 12-2019, đến nay Uniqlo đã phát triển được 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TPHCM, cũng như vừa cho ra mắt cửa hàng Uniqlo online.

Đáng chú ý, bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2018, Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của tập đoàn. Lãnh đạo tập đoàn này cũng đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện của Việt Nam.

Ghi nhận ý kiến của Fast Retailing về nguồn nhân lực, Thủ tướng đề nghị Fast Retailing có chiến lược, kế hoạch dài hạn để đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất; đóng góp vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để tập đoàn này nói riêng và các nhà đầu tư nói chung phát triển bền vững, lâu dài, ổn định tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn đến tập đoàn Fast Retailing, thương hiệu Uniqlo cũng như các doanh nghiệp đã có đóng góp, hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch, sát cánh cùng Việt Nam vượt qua các khó khăn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng cũng hoan nghênh các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Uniqlo là một thương hiệu của Fast Retailing – công ty cổ phần bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, có trụ sở chính tại Tokyo. Uniqlo là thương hiệu lớn nhất trong sáu thương hiệu chính của Fast Retailing. Các thương hiệu khác bao gồm GU, Theory, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam, J Brand và Helmut Lang.

3 BÌNH LUẬN

  1. Có hai vấn đề đặt ra 1. Chúng ta cứ mãi làm phận gia công bán sức lao động giá rẻ cho thương hiệu nước ngoài, 2. Tại sao nước ngoài vẫn có thể kinh doanh hàng may mặc một cách hiệu quả mặc dù họ không phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” như chúng ta ? Cách thức kinh doanh quả thực rất quan trọng hơn là hàng hóa được sản xuất ở đâu ? Nếu không vượt qua “bẫy kèo dưới” này thì chúng ta khó thoát khỏi kiếp nghèo ?

    • Trả lời tới Vũ Hùng: Tham vọng lớn đấy, nhưng nó chẳng đúng với thị trường Việt Nam gì. Bác cũng nên tự hỏi vì sao một hãng thời trang lại dám đầu tư vào Việt Nam – chỗ xuất khẩu may mặc lớn thứ 2 thế giới. Bác có thể tìm hiểu về thị trường để hiểu hơn.

  2. Nhìn Hàn quốc thì thấy rõ. Từ chỗ đi theo mô hình và phong cách Nhật. Bây giờ họ đã vượt qua Nhật bản về sản phẩm điện tử tiêu dùng, tiếp tục đe dọa vị thế số một của Nhật về sản xuất xe hơi. Ở Đông Nam Á này, có lẽ chỉ còn VN là có khả năng này (theo lời ngài Lý Quang Diệu) ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới