Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

VAFI đề xuất phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải đã trao đổi với KTSG Online hôm 11-1 xoay quanh đề xuất phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC.

Theo ông Hải, sở dĩ ông đề xuất Bộ Tài chính, UB chứng khoán nhà nước (SSC) và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, người bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch hôm 10-1 mà không công bố thông tin là có cơ sở.

Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua lại toàn bộ số cổ phiếu FLC đã bán ra hôm 10-1

Ông Hải đề nghị cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã bán ra hôm 10-1 và nộp phần thu lợi bất hợp pháp vào ngân sách. Ước tính số cổ phiếu này theo giá thị trường phiên 10-1 có thể mang về cho ông Quyết khoảng hơn 1.500 tỉ đồng. Trường hợp ông Quyết không chấp hành, công ty chứng khoán nơi ông Quyết thực hiện giao dịch, mở tài khoản sẽ phải thực hiện lệnh mua.

Theo Tổng thư ký (TTK) VAFI, SSC cũng đã khẳng định việc ông Quyết không báo cáo, không công bố thông tin khi thực hiện giao dịch theo khoản 1, điều 33, Thông tư số 96/2020- BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chính là hành vi bán "chui".

“Việc bán chui không có hiệu lực pháp lý, do vậy phải tiến hành thu hồi và xử lý theo đúng pháp luật chứng khoán và luật hình sự (nếu cố ý thu lợi bất chính)”, ông Hải nói.

Vẫn theo TTK Nguyễn Hoàng Hải, năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bán "chui" 57 triệu cổ phiếu FLC cũng không công bố thông tin, khi đó, VAFI đã gửi văn bản đến SSC đề nghị xử phạt nghiêm minh, tạm khóa tài khoản của ông này và chỉ được mở lại cho đến khi thực hiện các giao dịch theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đề xuất đó không được hồi âm và ông Quyết chỉ bị phạt 65 triệu đồng.

“Ông Quyết không thể một mình thực hiện hành vi bán chui . Nếu ông Quyết có “quên” thì Công ty chứng khoán thực hiện giao dịch đó phải nắm được và phải có động tác báo cáo lên HOSE cũng như SSC”, vẫn theo ông Hải.

Tuy nhiên, lộ trình để xử lý việc này không phải là dễ. Theo luật sư Nguyễn Minh Đức, điều 209 Bộ Luật hình sự có quy định: Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán…, thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…”, tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, vấn đề là phải chứng minh, ông Quyết cố tình vi phạm việc này ra sao hay vô tình như văn bản tường trình ông gửi SSC tối 10-1. Ngoài ra, Bộ Luật dân sự cũng có điều khoản có thể tuyên vô hiệu giao dịch. Tuy nhiên, để áp dụng được điều khoản tuyên vô hiệu cần có đơn khởi kiện của người tham gia giao dịch và chứng minh mức độ thiệt hại do giao dịch bất hợp pháp gây ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới