Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VAMA xin chậm nộp thuế, xin luôn… phí trước bạ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VAMA xin chậm nộp thuế, xin luôn… phí trước bạ

Nam Hưng

(TBKTSG Online) – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita vừa ký văn bản trình Chính phủ về những khó khăn mà doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam đang gặp phải. Đáng nói là trong bản kiến nghị này, ngoài việc xin giãn thuế, gia hạn nộp thuế, VAMA còn xin giảm luôn… phí trước bạ cho khách mua xe. Đề xuất này của VAMA đã đẩy cái khó của doanh nghiệp sang cho Chính phủ.

 

VAMA xin chậm nộp thuế, xin luôn... phí trước bạ
VAMA muốn chính phủ giảm 50% phí trước bạ cho người mua xe. Ảnh minh họa: Trần Linh

Công văn của VAMA trình Chính phủ đề xuất việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo VAMA, những tác động của đại dịch lần này là hết sức nghiêm trọng và đẩy nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành vào khó khăn, thị trường giảm sút.

VAMA cho biết, ở thời điểm hiện tại, nguồn cung cho các vật tư linh/phụ kiện vẫn đang được duy trì ở mức tạm ổn định. Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều quốc gia sẽ ban bố tình trạng báo động, phong toả các khu vực hoặc toàn quốc, dẫn tới việc nhập khẩu linh/phụ kiện và hàng hoá sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Hơn nữa, lệnh tạm thời ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Việt Nam đã chính thức được áp dụng. Điều này khiến các kỹ sư, cán bộ, chuyên gia nước ngoài chưa thể vào Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp lãnh đạo, cán bộ của doanh nghiệp mang quốc tịch Việt Nam chưa thể làm việc bởi lệnh cách ly tập trung có thời hạn của Chính phủ quy định đối với công dân từ nước ngoài trở về nước.

Trong nhiều đề xuất của VAMA trình Chính phủ, hiệp hội có kiến nghị nhà nước giãn thời gian nộp thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng cho doanh nghiệp trong các tháng từ tháng 3 đến tháng 9-2020; giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu theo quý trong năm 2020; giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…

 

Hiện nhiều thành viên VAMA kinh doanh cả xe sản xuất tại Việt Nam và xe nhập khẩu. Ảnh minh họa: Trần Linh

Trên bình diện chung, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Chính phủ cũng đang dần có nhiều chính sách điều chỉnh liên quan đến thuế, tài chính để doanh nghiệp ổn định, vượt qua khó khăn. Như vậy, các đề xuất của VAMA nêu trên là có thể hiểu được, trong bối cảnh thị trường giảm sút.

Tổ chức này chỉ ra rằng, hiện dự báo cho thấy lượng xe bán ra cả năm 2020 có thể giảm hơn năm trước đến 15%. Song song đó, hoạt động dịch vụ sau bán hàng cũng đang giảm gần 40%, nhiều khả năng còn giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, trong các điểm đề xuất của mình, VAMA lại muốn Chính phủ cân nhắc giảm 50% phí trước bạ, 50% thuế suất thuế Giá trị gia tăng cho khách hàng mua xe để "kích cầu tiêu dùng".

Phí trước bạ áp dụng lần đầu với ô tô cá nhân hiện nay từ 10-12%, tùy địa phương. Theo quy định, lệ phí trước bạ được tính khi khách hàng mua xe và đăng ký lưu hành xe. Với xe đã qua sử dụng, mức lệ phí trước bạ sẽ được tính dựa trên các khấu hao, "đời" xe, giá bán thực tế…

Việc "xin" giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua xe của VAMA có vẻ như hơi… quá đà. Chuyện kích cầu tiêu dùng ô tô là chuyện của các hãng xe. Nhà nước thậm chí chưa có chính sách khuyến khích người dân mua nhiều xe hơi.

Lâu nay, nhiều hãng xe thường tổ chức khuyến mại cho khách mua xe, trong đó có hỗ trợ phí trước bạ, tức là chia sẻ phần phải đóng này cùng khách mua xe. Khoản chi phí này phát sinh khi một chiếc xe được bán ra cụ thể, tỷ lệ đã được định rõ ràng. Doanh nghiệp chia sẻ phần này tức là giúp người mua giảm chi phí ban đầu khi mua xe. Có thể nói, thông qua việc này, doanh nghiệp gián tiếp giảm giá bán xe và qua đó, phần nào tăng tính hấp dẫn khách mua xe.

Liệu pháp này, rõ ràng là chính sách bán hàng của doanh nghiệp. Vậy mà giờ đây, VAMA lại "khôn ngoan" đ á quả bóng này luôn sang sân Chính phủ.

Trong thời điểm nhạy cảm do dịch bệnh gây ra, cơ quan quản lý Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh nhiều loại thuế, phí; bình ổn nhiều mặt hàng nhằm giảm áp lực lên hệ thống doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xe cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các đề xuất về hoạt động sản xuất, kinh doanh là đúng nhưng không phải vì thế mà dồn tất cả khó khăn về phía Nhà nước.

Công bố của VAMA cho biết, hiện tổ chức này có 18 thành viên tại Việt Nam gồm: Ford, Hino Motors, Isuzu, Đô Thành Auto, Mercedes-Benz, Toyota, TCIE Việt Nam (Nissan), Suzuki (mảng ô tô), Mitsubishi, Samco, Trưởng Hải (Thaco), Tổng công ty máy động lực & máy nông nghiệp Việt Nam (Veam), Mekong Auto, Sanyan, Honda, Daewoo Bus và mới đây nhất là VinFast.

Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu khác đa phần thuộc Hiệp hội các nhà Nhập khẩu ô tô chính thức tại Việt Nam là VIVA.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới