Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn chậm và dàn trải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn chậm và dàn trải

(TBKTSG) – Báo cáo tổng hợp về giám sát và đánh giá đầu tư năm 2009, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất và trình lên Chính phủ, cho thấy tình trạng chậm tiến độ và đầu tư dàn trải của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chẳng những vẫn còn tồn tại, mà còn có chiều hướng tăng mạnh hơn. Đây rõ ràng là tín hiệu không tốt và nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Trong 19.956 dự án sử dụng ngân sách có báo cáo giám sát đầu tư, có đến 5.021 dự án bị chậm tiến độ. Tỷ lệ các dự án chậm tiến độ của năm ngoái so với tổng số dự án đang đầu tư cao hơn hẳn so với các năm 2006-2008. Đáng quan tâm là chiều hướng này đang ngày một tăng trong bốn năm gần đây. Bên cạnh nguyên nhân ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng, thiếu vốn cũng là yếu tố quan trọng làm chậm tiến độ, mà một trong những lý do quan trọng dẫn tới thiếu vốn lại là tình trạng đầu tư dàn trải.

Vào nửa cuối năm 2008, trước yêu cầu cấp bách về chống lạm phát, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước phải cắt giảm những dự án đầu tư chưa cần thiết, chỉ ưu tiên tập trung vốn cho những dự án quan trọng và sắp hoàn thành. Thế nhưng, số dự án đầu tư mới tăng thêm trong năm ngoái vẫn lên đến 11.420, nhiều hơn gần 18% so với số dự án dự kiến kết thúc và đưa vào hoạt động trong kỳ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Số liệu trên cho thấy tình hình đầu tư vẫn còn phân tán”.

Tình trạng chậm tiến độ, đầu tư dàn trải ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đầu tư của mỗi dự án, do tăng chi phí lãi vay tín dụng trong thời gian xây dựng, chi phí trả cho ban quản lý dự án và chuyên gia nước ngoài (đối với dự án sử dụng vốn ODA), tăng rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Đặc biệt là nó làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, do không huy động được năng lực sản xuất theo kế hoạch. Tất cả những hệ lụy trên đều là những mầm mống nguy hại cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Nó đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng lạm phát cao, đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Việt Nam mới trải qua thời kỳ lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng suy giảm. Hiện kinh tế đang phục hồi khá mạnh, tuy nhiên, lạm phát vẫn còn là mối đe dọa trước mắt. Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Ông yêu cầu phải huy động các nguồn lực của xã hội để ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao quay trở lại.

Đây rõ ràng là một thách thức không dễ vượt qua. Bởi chừng nào Việt Nam chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, vốn là một trong những nguyên nhân chính của việc sử dụng vốn kém hiệu quả, thì lạm phát cao, dẫn đến bất ổn vĩ mô, sẽ vẫn còn là mối lo thường trực.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới