Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vật chất đi trước ý thức

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Buổi sáng đầu tuần, con đường ở khu trung tâm Sài Gòn đông đúc người và xe. Anh tài xế tắc xi trạc tứ tuần, tấp chiếc xe vào lề đường. Anh rời khỏi xe, mở cốp sau để lấy ra ổ bánh mì thịt gói giấy quấn trong cái bao ny lông cột bằng sợi dây thun. Đứng trên lề, anh ăn vội bữa sáng nhân giờ nghỉ ngắn ngủi giữa hai cuốc xe.

Ăn xong, anh tài xế vo tờ giấy, bỏ nó vào cái bao, cột tất cả thành một khối tròn bằng sợi thun anh vẫn đang giữ trong tay. Kế đến, anh làm một chuyện lẽ ra ai cũng nên làm, nhưng không mấy người làm như anh. Anh tài xế mở cửa xe của mình, cho khối ny lông và giấy vừa cột lại vào cái hộc trên táp lô xe.

Thông thường, cảnh kế tiếp sau một bữa sáng vội vàng như vậy sẽ là cục giấy và ny lông vừa vo tròn rời khỏi tay anh để nằm đâu đó trên lề đường theo một thói quen vẫn còn rất phổ biến ở thành phố này và cả xứ mình. Đó là thói quen (xấu) vất rác ra đường.

Chắc cũng không nên hà tiện lời khen với người tài xế tắc xi này và mong rằng sẽ gặp nhiều người khác hành xử giống như anh để giữ cho thành phố nơi mình ở sạch hơn, đáng sống hơn.

Lâu nay, chúng ta vẫn kêu gọi ý thức của người dân trong việc biến khẩu hiệu “thành phố xanh, sạch, đẹp” thành hiện thực. Trên thực tế, rất cần những hành động thiết thực. Ý thức trong dân là rất cần thiết, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa đủ để hiện thực hóa những ý tưởng hay ho hay loại bỏ các thói quen xấu. Thêm vào đó, cần có một số điều kiện cụ thể được chính quyền thực hiện để thúc đẩy người dân cụ thể hóa ý thức của mình.

Còn nhớ cách đây không lâu, chính quyền TPHCM vừa thực hiện một nỗ lực nhằm tăng cường vẻ mỹ quan đô thị bằng cách xây thêm năm nhà vệ sinh công cộng ở quận 1, nơi có số lượng du khách và khách vãng lai cao. 

Vệ sinh cá nhân là một “nhu cầu bức xúc” cần giải quyết ngay, trong khi người cần (là du khách, khách vãng lai) không thể tự thân giải quyết. Đây là chỗ chính quyền cần can thiệp. Nhà vệ sinh công cộng sẽ giúp nhiều người không… làm bậy không đúng chỗ.

Tương tự, thùng rác công cộng sẽ giúp nhiều người không vất rác ra đường. Nếu trước mặt là một thùng rác công cộng, xác suất rất cao là nhiều người đi trên đường sẽ bỏ rác vào đó thay vì thản nhiên quăng xuống đất. Có điều, vấn đề là hiện nay, những thùng rác công cộng dường như ngày càng ít đi không rõ vì lý do gì.

Đặt ra vấn đề trên nhằm lưu ý rằng bên cạnh việc kêu gọi ý thức của người dân, chính quyền cũng cần đi một bước để tạo tiền đề thực hiện ý thức đó. Nói một cách ví von, trong trường hợp này, vật chất cần “đi trước”, hay chí ít, “đi song song” với ý thức. Nhà vệ sinh công cộng giúp ngăn tình trạng “tè bậy ra đường”. Thùng rác công cộng giúp ngăn du khách vất rác ra đường. Tương tự, muốn người đi đường dừng xe đúng vạch, phải có vạch kẻ rõ ràng. Hay để yêu cầu người dân hạn chế xe cá nhân, cần cung cấp cho họ đủ phương tiên giao thông công cộng thay thế.

Làm sao chính quyền có đủ nguồn lực để thực hiện các điều kiện cần thiết trong vấn đề này? Cũng đừng quá lo. Đúng là không thể đủ nguồn lực để làm tất cả mọi chuyện cùng một lúc. Do vậy, nên chọn những vấn đề bức xúc để làm trước. Sau đó lần lượt đến các vấn đề khác.

Trong nhiều trường hợp, chính quyền cũng không nên chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước mà hãy dựa vào chính người dân. Ví dụ, năm nhà vệ sinh công cộng ở quận 1 có thể là không đủ. Nhưng bên cạnh đó, những người có trách nhiệm đã bước một bước khôn ngoan bằng cách vận động 100 nhà hàng, quán cà phê ở quận này có nhà vệ sinh miễn phí cho người dân và du khách.

Báo chí đã đăng danh sách cụ thể 100 địa điểm này. Báo Tuổi Trẻ còn đăng cả ảnh logo màu xanh báo cho người dân biết có thể dùng nhà vệ sinh ở đó(1). Có điều, logo chỉ có tiếng Anh, nếu có được thêm tiếng Việt thì càng tốt để thêm nhiều người Việt đọc được!

Vấn đề là làm sao duy trì và mở rộng danh sách này.

Vậy mới thấy, có nhiều chuyện tưởng bí, nhưng vẫn gỡ được từ từ nếu biết cách.

——————

(1)https://tuoitre.vn/quan-1-co-100-nha-hang-quan-ca-phe-ho-tro-ve-sinh-cong-cong-mien-phi-20230319115101245.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Thực ra giải quyết các nhà vệ sinh công cộng không khó, nếu các cơ quan chính quyền , công ty nhà nước hợp tác trong việc này. Có thể tận dụng vài chục mét vuông hàng rào các công viên để làm nhà vệ sinh như công viên Tao Đàn, công viên 23/9, Sở thú ; vài chục mét vuông hàng rào của các cơ quan nhà nước, UBND như UBND quận 1, vài chục mét vuông hàng rào của các trường Tiểu học, Trung hoc, Đại học .Rất nhiều chỗ để thực hiện; nhiều hàng rào, vách tường hiện nay cũng là nhà vệ sinh công cộng nhưng là nhà vệ sinh lộ thiên. Nhân sự của các nhà vệ sinh này có ba hướng giải quyết, một là nhà nước quản lý và trả lương; hai là cho các đơn vị như hội phụ nữ, thanh niên ,dân quân quản lý; ba là cho các công ty kinh doanh quản lý, các công ty này được quyền quảng cáo trang trí các nhà vệ sinh này theo ý họ.

  2. Ý thức, suy cho cùng chỉ là thói quen. Tốt hay xấu, cũng qua rèn luyện, nhất là ngay từ thuở ấu thơ mà thôi. Rác là vật chất. Vứt rác là ý thức. Vứt rác đúng chỗ. Khác với vứt rác bừa bãi. Hơn nhau một chút ở ý thức mà thôi. Cũng hoàn toàn không có tốn kém gì. Khi sang Nhật, tôi để ý hầu như không có thùng rác nào đặt sẵn ngoài đường, trừ một số nơi công cộng. Nhưng chỗ đi vệ sinh thì khác, rất dễ tìm thấy, sạch sẽ và văn minh. Họ dạy dỗ như thế nào không rõ, nhưng người Nhật vô cùng ý thức về câu chuyện này. Hoặc là giữ lấy rác, cho đến khi tìm được nơi bỏ rác. Hoặc tốt nhất là làm sao đừng để rác phát sinh nhiều. Quan trọng hơn, rác cũng là vật chất, là tài nguyên quý giá, chứ không chỉ là thứ vứt đi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới