VCTV không ngại Viettel
Vân Oanh
![]() |
Thương hiệu truyền hình VTV cab thay thế cho VCTV. Ảnh: Vân Oanh |
(TBKTSG Online) – Hiệp hội Truyền hình trả tiền trước từng cố gắng cản các cơ quan chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, nhưng không thành công, nay Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) lại cho biết không ngại khi Viettel tham gia “sân chơi” này.
Viettel được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp
Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về việc liệu VCTV có lo ngại nếu một doanh nghiệp có tiềm lực mạnh và hạ tầng cáp quang rộng khắp như Viettel được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, ông Phạm Thái Hùng, Chủ tịch VCTV trả lời “Không”. Ông cho rằng thế mạnh trong kinh doanh truyền hình trả tiền là ở nội dung, mà về nội dung chương trình truyền hình lại là thế mạnh của Đài Truyền hình Việt Nam (đơn vị chủ quản của VCTV). Còn về hạ tầng mạng cáp, nếu VCTV muốn phát triển thì hoàn toàn có thể kêu gọi đối tác vào đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã mang câu hỏi trên đi hỏi một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Truyền hình trả tiền, song các doanh nghiệp từ chối trả lời.
Theo số liệu của Bộ Thông tin Truyền thông, tính đến cuối năm 2012, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam có khoảng 4,5 triệu thuê bao. Trong đó có tới 2,5 triệu thuê bao truyền hình cáp. VCTV là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường truyền hình cáp. “Hiện VCTV đang có khoảng hơn một triệu thuê bao truyền hình cáp và phủ sóng 43 tỉnh thành trên cả nước,” ông Hùng cho biết.
Có thể VCTV không lo ngại, song thực tế cho thấy, sự xuất hiện của Viettel đã làm cho các doanh nghiệp trên thị trường truyền hình trả tiền năng động hơn, trong đó có VCTV.
Cụ thể, từ ngày 8-5, VCTV đã ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới là VTV Cab thay cho VCTV, để nhấn mạnh vào nhân tố quan trọng của thương hiệu này là Đài Truyền hình Việt Nam VTV. Bên cạnh đó VCTV cũng muốn chuyển tải thông điệp, kèm theo sự thay đổi hình ảnh, thương hiệu VTV Cab sẽ có phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phạm vi phủ sóng, chú trọng dịch vụ sau bán hàng...
Cùng với ra mắt thương hiệu mới, VTV Cab còn ra mắt kênh giải trí VTVcab 1, được phát triển trên cơ sở nâng cấp toàn diện nội dung và hình thức của kênh truyền hình giải trí tổng hợp VTVcab 1. Không chỉ là kênh giải trí với nhiều phim truyện, chương trình truyền hình thực tế, ca nhạc, thời trang… VTV Cab cho biết đây là kênh duy nhất phát sóng những sự kiện nóng của làng giải trí Việt Nam, như show diễn thời trang Đẹp Fashion, Đẹp Fashion Runway, talkshow Nói ra đừng sợ (phiên bản mới nhất)...
Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua VCTV cũng đã hợp tác với truyền hình cáp TPHCM về truyền hình trả tiền trên toàn quốc. Hai đơn vị này sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, nội dung truyền hình trả tiền sẵn có của nhau nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và các nguồn lực khác…
Không chỉ VTV Cab, một thương hiệu truyền hình trả tiền khác là truyền hình số vệ tinh K+ (liên doanh của VTV với tập đoàn Canal của Pháp) gần đây cũng nỗ lực hơn nhằm thu hút khách hàng. Thương hiệu này đã giảm giá bán gần nửa tiền thiết bị sử dụng dịch vụ truyền hình số vệ tinh độ phân giải cao từ tháng 3 vừa qua. Theo đó, mức giá bán thiết bị còn 2.000.000 đồng một bộ (gồm đầu thu giải mã, chảo thu, thẻ cào…), trong khi mức giá cũ là 3.550.000 đồng. Trước đó, K+ cũng đã giảm giá nửa tiền mua thiết bị cho khách hàng dịp đầu năm nay khi đăng ký mới trọn gói bộ thiết bị và thuê bao Access+ (58 kênh, giá thuê bao 65.000 đồng mỗi tháng) của K+. Giá bộ thiết bị chỉ còn 750.000 đồng, thay vì 1.500.000 đồng như trước...