Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc cấm nhập khẩu 107 thương hiệu của Đài Loan 

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc dừng nhập khẩu hàng loạt mặt thực phẩm, trái cây và hải sản của Đài Loan đồng thời cấm xuất khẩu cát tới nền kinh tế này để phản ứng chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi đến Đài Loan, lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Bất chấp các cảnh báo răn đe của Trung Quốc, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ vẫn đến Đài Loan vào tối 2-8 và có cuộc gặp với bà Thái Anh Văn, người đứng đầu lãnh thổ này, vào hôm 3-8 để “bày tỏ cam kết ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan”.

Hơn 2.000 mặt hàng thực phẩm của Đài Loan bị ảnh hưởng

Ngay trước thềm chuyến thăm của bà Pelosi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo dừng nhập khẩu các sản phẩm thuộc 107 thương hiệu của 35 công ty thực phẩm của Đài Loan kể từ ngày 1-8 do không gia hạn giấy phép đăng ký xuất khẩu.

Trang web của GACC liệt kê một danh sách dài các mặt hàng bị cấm nhập khẩu thuộc 50 hạng mục thực phẩm liên quan, từ bánh qui, kẹo, đồ uống, trái cây sấy khô, cà phê, trà, mật ong cho đến dầu thực vật, hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến từ ngũ cốc, thực phẩm cho trẻ em...

Theo kiểm đến của Nikkei Asia, có hơn 2.000 mặt hàng cụ thể trong tổng số 3.228 mặt hàng được đăng ký là hàng thực phẩm nhập khẩu từ Đài Loan bị cấm nhập khẩu.

Hôm nay (3-8),  GACC tiếp tục thông báo dừng nhập khẩu bưởi, cam quýt, chanh, cá hố và cá thu ngựa đông lạnh từ Đài Loan do dư lượng thuốc trừ sâu được tìm thấy trên trái cây họ cam quýt và dấu vết của virus SAR-CoV được phát hiện trên bao bì của một số sản phẩm cá đông lạnh từ Đài Loan hồi tháng 6.

Một số sản phẩm nằm trong danh sách các mặt hàng thực phẩm của Đài Loan bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc kể từ ngày 1-8. Ảnh: CNACùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố cấm xuất khẩu cát tự nhiên, loại cát được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và bê tông, sang Đài Loan. Bộ này nói rằng quyết định này dựa trên các quy định luật pháp và không giải thích thêm.

Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng nhận định việc dừng nhập khẩu trái cây và cá không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Đài Loan nhưng lệnh cấm xuất khẩu cát có thể gây tác động lớn vì hoạt động xây dựng là một động lực tăng trưởng quan trọng của Đài Loan.

Tuy nhiên, các quan chức Đài Loan cho biết động thái ngừng xuất khẩu cát của Trung Quốc sẽ chỉ gây tác động “hạn chế” vì cát từ Trung Quốc chỉ chiếm “ít hơn 1%” tổng nhu cầu của nước này.

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ trừng phạt đối với Quỹ Dân chủ Đài Loan và Quỹ Hợp tác và phát triển quốc tế thuộc Cơ quan ngoại giao Đài Loan với cáo buộc tích cực tham gia “các hoạt động ly khai ủng hộ độc lập” của Đài Loan.

Hai tổ chức này sẽ bị cấm hợp tác với bất kỳ tổ chức, công ty và cá nhân nào ở đại lục, Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc cũng sẽ trừng phạt bất kỳ tổ chức, công ty và cá nhân nào ở đại lục cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoặc phục vụ hai tổ chức này.

Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố trừng phạt 4 công ty Đài Loan gồm: Công ty sản xuất tấm năng lượng mặt trời Speedtech Energy, Công ty phần mềm Hyweb Technology Công ty sản xuất thiết bị y tế Skyla và Công ty quản lý đội xe đông lạnh SkyEyes vì họ có đóng góp tiền ủng hộ hai tổ chức nói trên. Trung Quốc cho biết sẽ cấm bất kỳ thỏa thuận hoặc hợp tác nào giữa 4 công ty Đài Loan này với các công ty ở đại lục. Lãnh đạo của 4 công ty này cũng bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc.

Lo ngại tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, với thương mại song phương đạt 273 tỉ đô la vào năm ngoái, chiếm 33% tổng kim ngạch thương mại của hòn đảo với phần còn lại của thế giới, theo dữ liệu của chính quyền Đài Loan.

Các chuyên gia lo ngại về tác động leo thang căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh có thể lan sang ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, vốn đang dẫn đầu toàn cầu về nguồn cung chip, một thành phần quan trọng đối với hầu như tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, từ ô tô, tủ lạnh cho đến điện thoại di động.

Các chuyên gia cảnh báo nếu căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan leo thang, điều này sẽ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng lạm phát. Edward Moya, nhà chiến lược cấp cao ở Công ty môi giới ngoại hối Oanda, cho biết: “Phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan có thể tác động đến chuỗi cung ứng và nhu cầu, điều này có thể tiếp tục làm gia tăng áp lực lạm phát”.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19  và cuộc chiến Nga-Ukraine. Bất kỳ xung đột nào ở Đài Loan có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip toàn cầu vốn đã căng thẳng cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Eo biển Đài Loan cũng là một tuyến đường vận chuyển quan trọng đối với các tàu chở hàng hóa di chuyển giữa châu Á và phương Tây.

Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, là nhà cung cấp quan trọng của các hãng công nghệ và chip như Apple, Qualcomm và Nvidia.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN tuần này, Chủ tịch TSMC, Mark Liu cảnh báo một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ khiến tất cả các bên đều thua cuộc.

Trong một báo cáo hôm thứ 3-8,  các nhà phân tích của Công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group dự báo Bắc Kinh sẽ tiến hành một cuộc phô trương lực lượng quân sự "chưa từng có" ở eo biển Đài Loan, cùng với các cuộc tấn công mạng, trừng phạt kinh tế và phản đối ngoại giao.

Ho cho rằng có thể xảy ra sự gián đoạn tạm thời đối với chuỗi cung ứng đi qua vùng biển xung quanh Đài Loan, khi máy bay và tàu hàng thương mại chuyển hướng để tránh các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc.

Họ cảnh báo Trung Quốc có thể đưa ra các phản ứng tiếp theo trong những ngày và những tuần tới, thậm chí vài tháng tới khi Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đến gần.

Henry Gao, chuyên gia về thương mại Trung Quốc tại Đại học Quản lý Singapore, nhận định Bắc Kinh có thể tung ra thêm các biện pháp kinh tế đối với Đài Loan.

Ông nói: “Có khả năng Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế khác, nhưng khó gây tác động lớn trừ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu linh kiện bán dẫn từ Đài Loan. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ gây tổn hại cho chính Trung Quốc, vì rất nhiều công ty Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung bán dẫn từ Đài Loan”.

Theo Reuters, CNN, Al Jazeera

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới