Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì nghĩa đồng bào

Đoàn Khắc Xuyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hàng chục ngàn công nhân lao động ở các nhà máy, khu công nghiệp tại TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bỗng chốc bỏ chốn đang mưu sinh để ùn ùn đổ về quê nhà khi các địa phương nói trên vừa nới lỏng giãn cách là một hiện tượng đáng buồn.

Buồn cho các nhà máy, doanh nghiệp đang chuẩn bị khôi phục sản xuất thì công nhân bỏ đi. Và buồn cho công nhân lao động không còn cách nào khác là tháo chạy về quê ngay khi có thể, sau ba bốn tháng buộc phải “ở đâu ở yên đấy” để chống dịch mà không thể xoay xở sống được.

Cần thấy rằng những công nhân lao động từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vì không sống được ở quê nhà, đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tới TPHCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đi (cũng có thể nói là tha hương) để tìm kiếm việc làm, thu nhập, kế sinh nhai. Nếu bây giờ họ vẫn có việc làm, mưu sinh được thì không có lý do gì để họ phải lếch thếch chạy khỏi nơi đang mang lại thu nhập mà quay về chốn cũ. Họ phải chạy về quê là do chẳng đặng đừng, do lâm vào đường cùng vì không thể tiếp tục kiếm được thu nhập ở nơi mà họ đã từng đặt hy vọng.

Vậy thì phải đối xử với những con người cùng quê, đang lâm vào đường cùng ra sao cho vừa hợp lẽ phải, hợp đạo lý, “vì nghĩa đồng bào”, mà cũng vừa phù hợp với luật pháp?

Báo Tuổi Trẻ online ngày 3-10 đưa tin: Sáng sớm 1-10, những chiếc xe khách của hãng Phương Trang nối đuôi nhau vào sân vận động Tuy Hòa (Phú Yên), điểm tập kết cuối cùng của hành trình xuyên đêm từ TPHCM về quê nhà. Theo dự định chuyến xe thứ 21 này cũng là chuyến cuối cùng, nhưng vì “nghĩa đồng bào”, sẽ còn thêm “chuyến vét” ở Bình Dương, Đồng Nai.

Vừa xuống xe, chị Nguyễn Thị Bích Trâm, một người ở phường Hòa Hiệp Trung (thị xã Đông Hòa), và những người đi cùng xe được các nhân viên y tế lấy mẫu để xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng phương pháp PCR trước khi được chở về quê để cách ly tập trung trong vòng bảy ngày.

Chị Trâm bộc bạch: “Tôi đăng ký về quê thông qua tổng đài của tỉnh Phú Yên và được nhanh chóng hồi âm, hướng dẫn tỉ mỉ cách đi lại, các điều kiện như test nhanh âm tính, mang đồ bảo hộ đầy đủ và được đón tận tình, cung cấp suất ăn tối ngay tại Bến xe Miền Đông. Vậy là bao ngày mong chờ, cuối cùng tôi cũng được đón về quê nhà, cảm giác thật ấm áp, xúc động. Thật khó để nói hết được lời cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã giúp đỡ những người dân tha hương thắt ngặt như chúng tôi”.

Trước đó, từ ngày 27-7, tỉnh Phú Yên cũng đã đưa về từ TPHCM đầu tiên là 344 người hầu hết là người già, bà bầu, phụ nữ mới sinh, lao động tự do và sau đó là nhiều đợt khác, tổng cộng khoảng 16.000 người quê Phú Yên.

Trong khi đó thì ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, một tỉnh không xa TPHCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là mấy – cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê. “Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp”, ông Lâu nói.

“Tạm ngưng 15 ngày rồi xin ý kiến tiếp”! Liệu những người lao động đã trả phòng trọ vì không còn tiền đóng tiền trọ, tiền điện nước, tiền ăn và không thể quay lại, có gia đình 5-7 người gồm cả trẻ nhỏ phải lếch thếch đi bộ về quê trong mưa gió, đói khát, liệu những con người đáng thương đó có thể đợi 15 ngày và hơn nữa?

Dịch bệnh, ai cũng hiểu tác động và những nguy cơ của nó. Nhưng vẫn có cách, như Phú Yên và một số địa phương đã làm thành công chứ đâu phải bằng cách đóng cửa, bỏ mặc đồng bào mình trong cơn quẫn bách? Chống dịch là vì cuộc sống, vì đồng bào, cho đồng bào, chứ đâu phải để chạy theo thành tích?

Ngay Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương: “Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc, thực hiện đồng bộ giải pháp, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở, tăng cường y tế lưu động, để người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa…”.

Quả là một tình huống khẩn cấp đặt ra cho những người nắm chức trách nhiều suy nghĩ, nhiều lựa chọn, nhiều cách ứng xử. Cái cuối cùng phải suy nghĩ: ứng xử sao cho vẹn “nghĩa đồng bào”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới