Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán xử lý nợ xấu?

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khách hàng, chủ tài sản không phối hợp xử lý tài sản bảo đảm, cùng sự chậm trễ của cơ quan pháp luật tại một số địa phương khiến các ngân hàng thương mại tiếp tục gặp khó khăn khi xử lý nợ xấu.

Thông tin này được đại diện một số ngân hàng thương mại phản ánh tại hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 24-11.

Dịch Covid-19 khiến nợ xấu gia tăng, đồng thời, làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ. Ảnh minh hoạ: Hoàng Thắng.

Về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB), ông Vũ Minh Phương - Phó trưởng phòng công nợ thuộc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – cho biết, ngân hàng mới chỉ áp dụng biện pháp thu giữ TSĐB là khu đất trống hoặc động sản để xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42.

Với bất động sản nhà là ở mà chủ tài sản đang sinh sống, ngân hàng chưa thể áp biện pháp này do khách hàng, chủ tài sản bất hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Trước đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu là thu giữ và phát mại tài sản thế chấp là bất động sản.

Lý giải điều này, ông Đức cho biết việc thu giữ được tài sản thế chấp chỉ có thể thực hiện khi người đang giữ tài sản đồng ý giao do Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý” của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng (TCTD) có thể vi phạm nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của “tổ chức, cá nhân có liên quan”, gồm cả bên có tài sản thế chấp, theo quy định tại khoản 1, điều 3 về “Nguyên tắc xử lý nợ xấu” của Nghị quyết số 42 nếu tận dụng quyền thu giữ, theo ông Đức.

Cũng theo chuyên gia này, một trong năm điều kiện để thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm là “tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 7 về “Quyền thu giữ tài sản bảo đảm” của Nghị quyết số 42.

Nhưng hầu hết các hợp đồng bảo đảm được xử lý theo nghị quyết trên (phải ký trước ngày nghị quyết có hiệu lực vào ngày 15-8-2017) không có thỏa thuận này.

Về giải quyết tranh chấp trong việc xử lý nợ xấu theo thủ tục rút gọn, bà Nguyễn Thị Phương – Giám đốc Ban Pháp chế thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – cho biết, hiện chưa có vụ việc nào của ngân hàng được Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn quy định tại Nghị quyết này.

Lý giải thực trạng này, bà cho biết hiện Điều 8 của Nghị quyết chưa quy định cơ chế bắt buộc/đương nhiên áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại Toà án khi đủ điều kiện. Ngoài ra, Tòa án có tâm lý e ngại, sợ áp dụng quy trình rút gọn sẽ bị khởi kiện, bản án bị tuyên vô hiệu.

Bên cạnh đó, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 chỉ áp dụng với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSĐB và quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD mà chưa quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn với các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các TCTD với khách hàng vay, dù bản chất của mọi tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng xuất phát từ hợp đồng tín dụng.

Những yếu tố này, theo bà Phương, khiến các Toà án lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục tố tụng thông thường, dù vụ việc tranh chấp đáp ứng điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Về hoạt động mua bán nợ, ông Vũ Minh Phương cho biết các quy định liên quan tới bảo mật thông tin không cho phép công khai nhiều thông tin về khoản nợ, dù các TCTD phải thực hiện việc này khi bán nợ qua sàn giao dịch mua bán nợ.

Ngoài ra, tại Nghị quyết 42 có quy định về bán nợ theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc. Nhưng việc bán nợ dưới giá trị sổ sách gặp phải những đánh giá không mấy tích cực từ phía các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong thời gian qua.

Thực tế này, theo ông Phương, khiến các TCTD chưa thực sự quyết liệt trong việc áp dụng biện pháp bán nợ để thực hiện xử lý nợ, đặc biệt là các khoản nợ có giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ.

Đáng lưu ý, hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá bán. “Riêng với trường hợp khoản nợ có vốn nhà nước, nếu bán nợ mà không định giá chính xác sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn khả năng bán nợ của các TCTD và hoạt động của sàn giao dịch nợ”, ông Phương phân tích.

Bên cạnh đó, đối tượng mà Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được giao dịch mua bán nợ là chỉ là nợ xấu nội bảng theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 42, trong khi nợ xấu ngoại bảng có nhu cầu mua bán nợ rất lớn.

“Quy định này vô hình trung đã hạn chế sự tham gia của VAMC với nợ xấu ngoại bảng”, ông Phương chia sẻ.

Bên cạnh các vướng mắc trên, đại diện các ngân hàng và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết dịch Covid-19 khiến nợ xấu gia tăng nợ. Đồng thời, làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ.

Cụ thể, khả năng tài chính của khách hàng, nhu cầu và năng lực của đối tác mua tài sản bảo đảm/khoản nợ suy giảm do chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế di chuyển, cách ly xã hội và cách ly y tế khiến các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ và các dịch vụ công hỗ trợ cho công tác xử lý nợ phải tạm dừng. Đặc biệt, công tác khởi kiện, thi hành án để quyết tranh chấp về việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo cũng tạm dừng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đã đạt mức 1,69% vào cuối 2020 và tăng lên mức 1,9% cuối tháng 9-2021, theo đại diện Cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Nợ xấu là câu chuyện muôn đời của xã hội và ngân hàng. Giai đoạn Covid này nợ xấu càng phát sinh nhiều hơn. Nên không có gì lạ khi ngân hàng phải “loay hoay” với nợ xấu và tất nhiên phải dành một nguồn lực lớn để xử lý câu chuyện kinh niên này. Một thể chế quản lý nhà nước hữu hiệu luôn có nhiều phương thức hỗ trợ hiệu quả cho ngân hàng giảm thiểu nguy cơ rủi ro vì nợ xấu, bởi lẽ nếu ngân hàng gặp khó khăn lớn thì nền kinh tế nói chung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Giai đoạn Covid vừa qua cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn vượt qua và đồng hành với doanh nghiệp nhờ vào năng lực tài chính vững vàng, đây là sự yểm trợ rất kịp thời cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nếu không tình hình sẽ càng nguy ngập hơn nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới