Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao chậm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao chậm?

TS. Vũ Đình Ánh (*)

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Bắt đầu từ năm 1991, Việt Nam đặt vấn đề cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành một trọng tâm trong tiến trình đổi mới kinh tế – xã hội toàn diện được khởi động từ cuối năm 1986 (Đại hội Đảng lần thứ VI).

Việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), vận hành theo cơ chế thị trường song khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, là quá trình chưa có tiền lệ trên thế giới, nên Việt Nam vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh từng bước.

Khởi động

Bắt đầu từ Quyết định 315/HĐBT ngày 1-9-1990 và Nghị định 388/HĐBT ngày 20-11-1991 về sắp xếp lại các DNNN, Nghị quyết trung ương 2 khóa VII tháng 11-1991 chính thức chủ trương cổ phần hóa (CPH) DNNN như một bước nhảy vọt về tư duy quản lý kinh tế và thay đổi cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, do tính thận trọng nên chỉ thực hiện thí điểm CPH được vỏn vẹn năm DNNN trong suốt bốn năm từ 1992-1996. Mở rộng thí điểm được thực hiện theo Nghị định số 28/CP ngày 7-5-1996 với việc CPH thêm 25 DNNN.

Tuy tỷ lệ đóng góp của các DNNN vào ngân sách nhà nước (NSNN) giảm từ xấp xỉ 60% năm 1991 xuống 40,4% năm 1996 song tổng số DNNN không những không giảm mà lại tăng từ 4.500 năm 1991 lên 5.300 năm 1996 và tỷ trọng trong GDP tăng từ hơn 30% năm 1991 lên 36% năm 1996. Tổng vốn nhà nước tại các DNNN cũng tăng từ 31.500 tỉ đồng năm 1991 lên 98.100 tỉ đồng năm 1996.

Xuất phát

Việc CPH DNNN chỉ thật sự được đẩy mạnh sau khi có Nghị định số 44/1998/NĐ-CP bổ sung các quy định về cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp và người lao động trong DNNN thực hiện CPH, đồng thời đẩy mạnh phân cấp trong triển khai CPH.

Tuy vậy, tốc độ CPH chỉ tăng nhanh từ giữa năm 1998-2000 sau đó chậm lại đến tận 2002.

Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19-6-2002 có tác dụng đẩy số DNNN CPH các năm 2002-2003 lên tương đương giai đoạn 1998-2001. Tuy vậy, sau 10 năm (1992-2002) cũng chỉ CPH được 3% tổng số vốn nhà nước tại các DNNN.

Tổng vốn nhà nước tại các DNNN tiếp tục gia tăng từ 105.400 tỉ đồng năm 1997 lên đến 161.700 tỉ đồng năm 2000 và tỷ trọng của khu vực DNNN trong GDP cũng tăng tương ứng từ 34,3% lên xấp xỉ 40% trong khi đóng góp vào NSNN duy trì trên dưới 40%.

Tăng tốc

Nghị quyết trung ương 3 và Nghị quyết trung ương 9 khóa IX chủ trương thay đổi căn bản quan điểm về CPH DNNN nhằm đẩy nhanh tiến trình này. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2002-2005 phải thực hiện CPH, sắp xếp lại 2.053 DNNN nhưng thực tế đến cuối năm 2004 mới có 1.748 DNNN chuyển thành công ty cổ phần, chỉ chiếm 6% tổng vốn nhà nước tại DNNN.

Từ năm 2001 đến tháng 10-2004 có 2.224 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại. Tiến độ sắp xếp lại các DNNN có xu hướng chững lại và không hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Nếu năm 2002 đã sắp xếp lại 435 doanh nghiệp trong khi kế hoạch chỉ có 135 doanh nghiệp, thì đến năm 2003 chỉ thực hiện được 928 doanh nghiệp (đạt gần 61% so với kế hoạch là 1.524 doanh nghiệp) và năm 2004 chỉ thực hiện được 596 doanh nghiệp trong tổng số 893 doanh nghiệp, đạt hai phần ba kế hoạch.

Nghị định 187/2004/NĐ-CP quyết định CPH cả các DNNN lớn và có lãi, mở rộng lĩnh vực được CPH, chống CPH khép kín trong nội bộ và quy định DNNN có vốn trên 10 tỉ đồng khi CPH phải đấu giá trên thị trường chứng khoán.

Đến 30-6-2006 đã sắp xếp được 4.760 DNNN và bộ phận DNNN. Tỷ trọng DNNN đóng góp vào tổng thu NSNN giảm xuống dưới 30% từ năm 2004 đến nay trong khi tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm chút ít từ 38,4% GDP năm 2002 xuống còn 37,3% GDP năm 2006.

Vượt rào cản

Kế hoạch CPH 1.460 DNNN trong hai năm 2006-2007 không thực hiện được do xuất hiện nhiều rào cản mới, cả trong tư duy và cơ chế thực hiện.

Nghị định 109/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP để khắc phục tình trạng cả năm 2007 chỉ sắp xếp CPH được 116 doanh nghiệp, đạt 21% kế hoạch.

Tính chung đến cuối năm 2007, đã sắp xếp CPH được trên 3.800 DNNN, chiến 70% số DNNN cần sắp xếp và chiếm 25% vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về đích?

Theo kế hoạch, từ sau năm 2010 chỉ giữ lại khoảng 400 DNNN, tất cả các DNNN còn lại phải sắp xếp CPH trong giai đoạn 2008-2010.

Như vậy, quá trình sắp xếp CPH DNNN ở Việt Nam đã trải qua gần 20 năm nhưng vẫn chưa kết thúc mà đang trong quá trình vận động đổi mới cả tư duy và phương thức tiến hành cải cách DNNN.

Trước năm 1991, Việt Nam có tới 12.300 DNNN, đến năm 2001 chỉ còn 5.600 DNNN.

Tính đến hết năm 2009, đã có gần 4.500 doanh nghiệp hoàn tất CPH nhưng phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa, có quy mô vốn, giá trị tài sản chưa đầy 30% trong tổng giá trị vốn, tài sản của khối DNNN. Năm 2009 chỉ vỏn vẹn 60 doanh nghiệp được CPH.

Tính đến hết năm 2009, đã có gần 4.500 doanh nghiệp hoàn tất CPH nhưng phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa, có quy mô vốn, giá trị tài sản chưa đầy 30% trong tổng giá trị vốn, tài sản của khối DNNN.

Đến tháng 7-2010, với khoảng 1.500 doanh nghiệp trong đó, có tới 8 tập đoàn, 70-80 tổng công ty nhà nước (**) và hàng trăm công ty lớn thì việc CPH chắc chắn không thể hoàn thành được và phần lớn trong số đó đơn thuần chuyển tên thành công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước.

Từ 1-7-2010, tất cả các doanh nghiệp phải tuân theo Luật Doanh nghiệp thống nhất song vẫn còn khoảng 50 DNNN vẫn chưa kịp “thay tên đổi họ”.

Nguyên nhân CPH chậm

Tóm lại, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng tiến trình đổi mới và CPH các DNNN còn chậm, theo đó, kế hoạch cải cách khu vực DNNN đến 1-7-2010 gần như không thể đạt được và việc hoàn thành kế hoạch cơ bản chỉ là hình thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, nổi lên các nguyên nhân chủ yếu sau:

1. Tiến trình CPH không được kiên quyết thực hiện do những vướng mắc trong tư duy, cả cấp quản lý nhà nước và cấp doanh nghiệp;

2. Mục tiêu CPH thiếu nhất quán, chưa phân định rõ CPH để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, thu hút thêm vốn đầu tư cho doanh nghiệp hay tạo nguồn thu cho NSNN;

3. Thị trường chứng khoán Việt Nam không ổn định đã cản trở tiến trình CPH;

4. Chưa tách bạch được quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn nhà nước nói chung, vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng nên hiệu quả sử dụng vốn nhà nước không cao, bắt nguồn ngay từ việc lựa chọn người/định chế đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện này đến xác lập quyền của người chủ sở hữu vốn vừa đảm bảo không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa ngăn chặn việc sử dụng vốn nhà nước tùy tiện, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp có vốn nhà nước và đầu tư vào các lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính;

5. Các điều kiện kinh tế vĩ mô không tạo điều kiện thuận lợi cho CPH DNNN nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung. Lạm phát cao những năm 2007-2008 và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã làm chậm tiến độ cải cách các DNNN, thậm chí có dấu hiệu ngừng lại và xu hướng quay trở lại củng cố vị thế của khu vực này trong nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn;

6. Hội nhập và khủng hoảng toàn cầu tạo sức ép đẩy nhanh tiến độ CPH các DNNN, song ngược lại, những hệ lụy tiêu cực từ hội nhập và khủng hoảng toàn cầu lại hỗ trợ cho tư tưởng, chính sách dựa vào khu vực DNNN, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty lớn của Nhà nước để khắc phục những vấn đề mới nảy sinh trong tiến trình hội nhập và vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do vậy, tiến độ CPH không được coi là trọng tâm ưu tiên nữa.

_____________________________

(*) Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả.

(**) Xem danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2007-2010

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới