(KTSG Online) - Việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục chậm trễ so với tiến độ đề ra. Theo Bộ Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mới thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỉ đồng, thu về hơn 2.289 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm 2022.
- Bộ trưởng Tài chính: Lỗ hổng đất đai gây thất thoát ngân sách hậu cổ phần hoá
- Đề xuất cổ phần hóa hàng chục doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng
Chia sẻ tình hình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 9 này, các đơn vị ghi nhận bổ sung Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỉ đồng.
Cũng trong tháng 9, các tập đoàn, tổng công ty và DNNN đã thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 48,3 tỉ đồng thu về 109,1 tỉ đồng. Đó là thương vụ SCIC thoái vốn tại Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long và Công ty cổ phần thuốc ung thư Benovas.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỉ đồng, thu về 2.289,5 tỉ đồng. Cụ thể, SCIC thực hiện bán vốn tại 19 doanh nghiệp với giá trị là 211,6 tỉ đồng, thu về 796,5 tỉ đồng.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỉ đồng, thu về 1.409 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỉ đồng, thu về 83 tỉ đồng. Tổng công ty Viễn thông MobiFone thoái vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần cổ phần Đông Nam Á (SeABank) với giá trị là 60 triệu đồng, thu về 350 triệu đồng.
Với kết quả trên, Bộ Tài chính đánh giá tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm do một số nguyên nhân.
Về nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian.
Thêm vào đó, một số doanh nghiệp thuộc nhóm này còn có nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vốn là các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương, Bộ Tài chính cho biết các đơn vị có doanh thu và lợi nhuận thấp nên không thu hút nhà đầu tư.
Ngoài ra, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và xung đột chính trị - quân sự trên thế giới tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước cũng ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, đấu giá phần vốn nhà nước.
“Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi”, theo Bộ Tài chính.
Về nguyên nhân chủ quan, cơ quan này cho rằng, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.
Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn cũng chưa tốt. Theo đó, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.
Thêm vào đó, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn kéo dài.