Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất cổ phần hóa hàng chục doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Quốc phòng dự kiến cổ phần hóa và bán hết phần vốn nhà nước tại hàng chục doanh nghiệp theo đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2025.

Thông tin này được nêu tại dự thảo Nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng an ninh, doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) công bố.

Hoạt động tại một nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Bộ KHĐT cho biết việc xây dựng dự thảo diễn ra trong bối cảnh việc thực quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng an ninh theo Nghị định 47/2021 vẫn tồn tại một số vướng mắc.

Cụ thể, hiện có 56 doanh nghiệp được Thủ tướng công nhận là doanh nghiệp quốc phòng an ninh. Ngoài ra, một số công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên và công ty TNHH hai thành viên là công ty con của tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hiện vẫn được Bộ Quốc phòng giao thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thông qua công ty mẹ, nhưng chưa được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng.

Các công ty con này đang được giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tuy nhiên không đáp ứng điều kiện về loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 47 nên được xem xét công nhận là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, theo Bộ KHĐT.

Về doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, Bộ KHĐT cho biết Bộ Quốc phòng đang xây dựng đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2025 để trình Thủ tướng phê duyệt trong quí 1-2022. Dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện sắp xếp với 83 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 20 công ty cổ phần để giảm khoảng 50% về số lượng doanh nghiệp

Theo đó, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì quản lý khoảng 40 doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 10 doanh nghiệp kinh tế kết hợp quốc phòng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (đáp ứng tiêu chí Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối khi thực hiện cổ phần hóa – PV) sau năm 2025.

Với các doanh nghiệp còn lại, Bộ Quốc phòng phải thực hiện cổ phần hóa và bán hết phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Hiện các quy định tại Nghị định 47 chưa quy định về đối tượng doanh nghiệp kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh. Nhưng thực tiễn quản lý doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng cho thấy, trong thời gian tới sẽ có một nhóm đối tượng doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng cần phải nghiên cứu xây dựng chính sách để điều chỉnh việc tổ chức hoạt động và quản lý.

Số này sẽ bao gồm doanh nghiệp hiện do Bộ Quốc phòng nắm giữ 100% vốn nhà nước không được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng và cần cổ phần hóa, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn nắm cổ phần chi phối trong giai đoạn 2021 – 2025 như Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Thái Sơn, Tổng công ty Lũng Lô. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hiện do Bộ Quổc phòng nắm giữ cổ phần chi phối sau khi cổ phần hóa và vẫn thực hiện một số nhiệm vụ quân sự quốc phòng như Công ty cổ phần X20, Công ty cổ phần 22, Công ty cổ phần 26, Công ty cổ phần 32.

Bộ Quốc phòng cho biết các doanh nghiệp tiếp tục được giao thực hiện một số nhiệm vụ quân sự quốc phòng, sau khi sắp xếp, cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Bên cạnh đó là các hoạt động sản xuất – kinh doanh đơn thuần

Ngoài ra, cơ quan này dự kiến thực hiện sáp nhập, tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong quá trình triển khai thực hiện đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2025. Sau sắp xếp, những doanh nghiệp này cần dược tiếp tục công nhận là doanh nghiệp quốc phòng an ninh.

Vì vậy, cơ quan này kiến nghị quy định hiệu lực đối với quy định luật sửa đổi bổ sung tại dự thảo luật cần được áp dụng cho các doanh nghiệp đã thành lập, hoặc sẽ thành lập mới trong quá trình sắp xếp lại.

5 BÌNH LUẬN

  1. Chủ trương này đáng lẽ thực hiện từ lâu rồi nhưng vẫn mãi chần chừ. Nhiều doanh nghiệp quốc phòng lấn sân sang những lĩnh vực dân sự thuần túy quá nhiều, không chỉ cản trở việc nâng cao hiệu quả kinh tế đất nước mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng bộ đội Cụ Hồ.

  2. Cổ phần hóa cần giám sát để không bị tình trạng chuyển tài sản công sang tài sản tư, lợi ích nhóm. Tôi ủng hộ nhà nước rút 100% vốn để tránh tình trạng sân sau của cán bộ dựa thế Bộ quốc phòng để trục lợi nhóm. Thân ái !

    • Rất đúng. Kiện toàn và chuyên môn hoá lại chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của doanh nghiệp QP cho phù hợp, xứng tầm nhiêm vụ được giao.

  3. Phần lớn các công ty trong hệ quốc phòng này không gây được nhiều tiếng vang lớn và còn có công ty hoạt động kém hiệu quả. Tôi đã từng ở nhà hệ đại học ở trường sĩ quan do tổng công ty 789 xây dựng chỉ sau 3 năm đưa vào sử dụng thì xuống câp nghiêm trọng từ thấm dột đến nổ gạch sàn rồi hư đường ống thoát nước,…

  4. Vấn đề là giải quyết công việc cho lực lượng quân nhân đã nhiều năm gắn bó với quân đội. Sau một thời gian dài hiện nay họ sẽ không còn cơ hội tìm việc mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới