(KTSG Online) – Vòng chung kết World Cup 2022, dự kiến khai mạc vào ngày mai (20-11) tại Qatar, đánh dấu sự trỗi dậy của các đại diện châu Á, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Sáu đội tuyển bóng đá quốc gia châu Á trong tổng số 32 đội trên toàn thế giới thi đấu trong giải đấu bóng đá bốn năm một lần này là con số kỷ lục. Trong khi đó, các doanh nghiệp có trụ sở tại châu Á chiếm 9/14 đối tác của Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) và nhà tài trợ World Cup.
- Trung Đông chờ đón bùng nổ du lịch nhờ cơn sốt World Cup từ Qatar
- Doanh nghiệp Trung Quốc chi “tiền tấn” để đánh bóng thương hiệu tại World Cup
Đó là sự thay đổi đáng chú ý so với 20 năm trước, khi Nhật Bản và Hàn Quốc đồng đăng cai World Cup 2002 lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á. Vào lúc đó, chỉ có 6/15 nhà tài trợ của sự kiện này đến từ các nước đăng cai, phần còn lại đến từ châu Âu và Mỹ. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp châu Á phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu, họ sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để tài trợ cho các sự kiện thể thao lớn, thu hút lượng khán giả khổng lồ trên các sân đấu lẫn qua truyền hình như World Cup nhằm quảng bá sản phẩm và thương hiệu của họ.
Tài trợ là nguồn thu ngân sách lớn thứ hai của FIFA
Tài trợ là vấn đề quan trọng đối với FIFA. Sau nguồn thu từ bản quyền phát sóng các trận thi đấu World Cup, tài trợ là nguồn thu nhập lớn nhất của FIFA, chiếm 1,35 tỉ đô la Mỹ, tương đương 29%, trong tổng doanh thu dự toán năm 2022 của nhà tổ chức World Cup. Các hợp đồng bán bản quyền phát sóng đóng góp 2,64 tỉ đô la Mỹ cho ngân sách của FIFA.
Những nhà tài trợ cho giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh được chia thành hai nhóm: các đối tác có mối quan hệ chiến lược gắn liền với FIFA và các nhà tài trợ toàn cầu và khu vực tham gia vào sự kiện World Cup riêng lẻ. Các nhà tài trợ khu vực sẽ quảng bá thương hiệu của họ ở các thị trường trong nước ở khu vực của họ, còn các nhà tài trợ toàn cầu quảng sẽ bá thương hiệu trên khắp thế giới.
Trong số những nhà tài trợ lần đầu tiên của World Cup năm nay có công ty khởi nghiệp (startup) giáo dục trực tuyến Ấn Độ Byju's. Công ty này tham gia tài trợ dù đội tuyển quốc gia Ấn Độ không góp mặt tại VCK World Cup 2022. Tương tự, đội tuyển quốc gia Trung Quốc và Singapore cũng không giành được quyền tham gia World Cup tại Qatar nhưng có 4 nhà tài trợ và đối tác đến từ Trung Quốc (nhà sản xuất điện thoại thông minh Vivo, Công ty sản xuất thiết bị và điện tử Hisense, Tập đoàn Wanda và hãng sữa Mengniu) và một nhà tài trợ của Singapore là sàn giao dịch tiền ảo Crypto.com.
Hai hãng xe Hyundai-Kia của Hàn Quốc, nước có đội tuyển dự VCK World Cup 2022 cũng nằm trong danh sách các nhà tài trợ. Sáu nhà tài trợ nữa đến từ nước chủ nhà Qatar.
Trong khi các đội châu Á vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong số các đội góp mặt tại sự kiện World Cup 2022, các nhà tài trợ từ khu vực này vẫn hy vọng sẽ tiếp cận được lượng lớn khán giả, cả trong và ngoài nước. FIFA báo cáo rằng World Cup 2018 ở Nga đã thu hút 1,6 tỉ người xem ở châu Á, chiếm 43% tổng số khán giả toàn cầu.
Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường kinh doanh Skema, có trụ sở tại Pháp, nói : “Thị trường truyền hình châu Á rất lớn, dù tính theo đầu người có lẽ không sinh lợi bằng những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, mọi người cho rằng sức hấp dẫn tài chính của việc hiện diện số hóa mạnh mẽ ở các thị trường châu Á sẽ tăng lên trong 10 năm tới”.
Cơ hội quảng bá thương hiệu và sản phẩm trên toàn cầu
Tại World Cup 2018, 3 trong số 5 quốc gia dẫn đầu về lượng người xem là ở châu Á gồm Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc, dù những nước đông dân này không có đội tuyển quốc gia góp mặt trên sân.
Những con số như vậy đang khuyến khích các nhà tài trợ như Byju's tham gia tài trợ World Cup 2022.
Arunava Chaudhuri, nhà tư vấn thể thao người Ấn Độ, từng làm việc với các câu lạc bộ lớn ở châu Âu như Bayern Munich và Manchester City, nói: “Từ lâu, các nhà tài trợ châu Á đã tham gia tích cực vào các sự kiện World Cup nhưng chỉ có rất ít nhà tài trợ đến từ Ấn Độ. Do đó sự xuất hiện của Byju với tư cách là nhà tài trợ là một điều gây chú ý. Công ty này có thể đã coi thể thao là một cách để kết nối với người dùng tiềm năng, đồng thời giúp công chúng biết đến thương hiệu và sản phẩm của họ”.
Byju's đặt mục tiêu tiếp cận 10 triệu học viên ở Ấn Độ vào năm 2025 và đang xây dựng hình ảnh toàn cầu của mình. “Chúng tôi rất vui mừng được tài trợ cho FIFA World Cup Qatar 2022, sự kiện thể thao đơn lẻ lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi rất tự hào khi được đại diện cho Ấn Độ trên một sân khấu toàn cầu danh giá như vậy và ủng hộ sự hội nhập giữa giáo dục và thể thao”, Byju Raveendran, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Byju's bày tỏ hồi tháng 3 khi công ty công bố thỏa thuận tài trợ.
Các nhà tài trợ Trung Quốc cũng háo hức nắm bắt cơ hội tiếp cận lượng lớn khán giả quốc tế lẫn trong nước. Trung Quốc chiếm 18% lượng khán giả toàn cầu tại sự kiện World Cup 2018 và hiện chiếm hơn 1/4 số đối tác của FIFA và nhà tài trợ toàn cầu cho World Cup 2022.
Andrew Woodward, cựu giám đốc phụ trách tài trợ toàn cầu của hãng thẻ Visa, nói: “Các công ty Trung Quốc coi tài trợ là một hoạt động tiếp thị hoặc mua quảng cáo trực tiếp. Đây là cơ hội để họ được biết đến nhiều hơn trên toàn cầu hoặc giúp cho người tiêu dùng ở Trung Quốc thấy rằng họ sánh vai ngang hàng với các thương hiệu lớn nổi tiếng toàn cầu”.
Trong khi đó, Hàn Quốc tham dự mọi kỳ World Cup kể từ năm 1986. Nhà sản xuất ô tô Hyundai-Kia là đối tác châu Á duy nhất của FIFA, đồng thời là nhà tài trợ của sự kiện World Cup 2002. Tại VCK World Cup năm nay, sự chú ý của giới hâm mộ túc cầu Hàn Quốc sẽ đổ dồn vào siêu sao Son Heung- min, người đang chơi cho CLB Tottenham Hotspur ở giải Ngoại hạng Anh, và đang có hợp đồng bảo trợ với nhiều công ty, từ thương hiệu mì ăn liền Nongshim của Hàn Quốc đến các thương hiệu thời trang toàn cầu như Burberry và Calvin Klein. Tiền đạo này gần đây đã bị gãy xương hốc mắt khiến khả năng ra sân thi đấu của anh tại World Cup 2022 bị hoài nghi.
Châu Á sẽ là lục địa đóng góp tài chính quan trọng cho FIFA
Trong khi đó, nhà tài trợ duy nhất từ Đông Nam Á là sàn giao dịch tiền ảo Crypto.com của Singapore, được tham gia với tư cách là nền tảng giao dịch tiền điện tử chính thức của FIFA, nhưng các chuyên gia nhận định các công ty lớn hơn ở Đông Nam Á có thể sẽ sớm tham gia vào sân chơi World Cup.
Giáo sư Simon Chadwick nói: “Các tập đoàn trong khu vực có thể hoặc không quen với hoạt động tài trợ hoặc họ chưa xem mình là doanh nghiệp toàn cầu. Nhưng theo thời gian, có vẻ như cả hai điều này sẽ thay đổi”.
Ông nói thêm rằng việc Indonesia đăng cai Giải vô địch bóng đá U-20 thế giới vào năm 2023 của FIFA có thể là chất xúc tác cho điều đó. Tuy nhiên, không có nhà tài trợ Nhật Bản nào tại sự kiện World Cup năm nay. Chadwick cho rằng các công ty Nhật Bản không muốn chi tiêu phung phí cũng như lo ngại về khả năng hoàn vốn từ khoản đầu tư tài trợ khá lớn, được cho là khoảng 25-50 triệu đô la Mỹ/năm cho một đối tác của FIFA và từ 10 -25 triệu đô la Mỹ cho một nhà tài trợ World Cup.
World Cup 2022 chứng kiến những ồn ào và sự phản đối của dư luận đối với hồ sơ nhân quyền và sự đối xử của Qatar với lao động nhập cư, dù rất khó để đánh giá chính xác điều này ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của các công ty về việc tài trợ cho World Cup.
Vào năm 2014, Tập đoàn Sony đã chấm dứt 8 năm gắn bó với FIFA với tư cách là đối tác sau khi tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ dính vào một loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar vào năm 2010. Hãng linh kiện và phụ tùng ô tô Continental, hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Tập đoàn Johnson & Johnson (Mỹ) cũng đã quyết định cắt đứt quan hệ với FIFA.
World Cup sẽ di chuyển đến Bắc Mỹ vào năm 2026 và các doanh nghiệp châu Á tham gia tài trợ cho sự kiện này dự kiến sẽ tăng lên.
“Về mặt tiếp thị, nếu châu Âu từ lâu đã là một con bò sữa cho ngân quỹ của FIFA thì châu Á giờ đây là ngôi sao đang lên. Ở một giai đoạn nào đó trong hai thập niên tới, không khó để hình dung rằng châu Á sẽ trở thành khu vực lục địa quan trọng nhất của FIFA về mặt tài chính”, Chadwick nhận định.
Theo Bloomberg