(KTSG Online) - Với những chính sách ưu đãi và tiềm năng vốn có, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Dự báo nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024 sẽ có đà tăng trưởng tích cực. Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh rất mạnh để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định.
- Tăng trưởng GDP và vốn FDI của ASEAN sẽ vượt Trung Quốc
- Điểm danh địa phương và lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu
Đây là nội dung được các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại hội nghị “Fitch on Vietnam 2024” do Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tổ chức vào ngày 20-8 tại TPHCM.
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện trong 7 tháng đều tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 35,6%, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,4%.
Bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trở thành quốc gia đã ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, EU... Dự báo FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm 2024 và đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm trước đó.
Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút FDI. Cụ thể là tự do hóa với rất nhiều hiệp định thương mại; lợi thế về chi phí vận chuyển như kết nối đường biển, đường hàng không, hàng hải khá là tốt. Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; cũng như nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết thêm.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng việc dòng vốn FDI trên đà tăng trưởng xuất phát từ niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định. Môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng thông thoáng và an toàn hơn. Ngoài ra, nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi hiệu quả. Nhà nước cũng luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Vừa qua, Fitch Ratings (tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế) đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ triển vọng kinh tế tích cực.
Trao đổi với KTSG Online bên lề hội nghị, bà Sagarika Chandra cho biết, Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI công nghệ cao. Do đó, để thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với những quốc gia khác. Các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh cần thực thi quyết liệt và hiệu quả hơn.
Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh để giúp giảm gánh nặng về thủ tục, tuân thủ đúng pháp luật, cũng như ít gặp rủi ro hơn. Những hoạt động này giúp tăng tính hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh rất mạnh để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút được đầu tư từ các tập đoàn lớn, Việt Nam cũng cần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế xanh. Đây chính những vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm”, vị này cho biết thêm.
Có thể thấy rằng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục là điểm sáng trong những tháng cuối năm 2024, góp phần quan trọng phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tăng cao không chỉ giúp tạo ra việc làm, mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.