(KTSG Online) - Nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8-2024, khu vực ĐBSCL sẽ thu hoạch những "tấn lúa giảm phát thải” đầu tiên sau thời gian triển khai dự án 1 triệu hecta lúa giảm phát thải, theo Bộ NN&PTNT.
- Làm lúa giảm phát thải để có tiền tăng thêm bằng cách nào?
- Úc giúp ĐBSCL sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính
Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong tuần qua, theo Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT nhận định, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án) có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Qua đó, giúp hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay Ban chỉ đạo Đề án triển khai cùng lúc 3 nhiệm vụ, đó là xây dựng cơ chế pháp lý, cơ chế vận hành Đề án và ra được mô hình và kết quả cụ thể để sớm khẳng định được tính hiệu quả của Đề án và nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8-2024, Việt Nam sẽ có sản phẩm ‘lúa giảm phát thải’ đầu tiên đưa ra thị trường.
Để có đủ cơ sở pháp lý công nhận sản phẩm lúa phát thải thấp, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250 hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, và làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 - 2026.
Đồng thời, đầu tháng 5-2024, Bộ NN&PTNT sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xin ý kiến góp ý xây dựng cơ sở pháp lý liên quan đến chi trả tiền giảm phát thải. Bên cạnh đó là làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.