Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Telecomp: Không có nhiều đột phá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vietnam Telecomp: Không có nhiều đột phá

Thu Hiền

S-Fone tham gia Vietnam Telecomp với kỳ vọng tìm kiếm đối tác mới để lập liên doanh. Ảnh: Thu Hiền.

(TBVTSG) – Không như kỳ vọng của nhiều người, sự kiện Vietnam Telecomp/Electronics – Internet & IT 2010 vừa diễn ra tại TP.HCM thiếu điểm nhấn về công nghệ mới, vắng bóng các tên tuổi lớn và chờ đợi những cuộc bứt phá.

Nếu những năm trước, nhiều tên tuổi lớn của làng viễn thông như Nokia Siemens Network, Ericsson, Motorola, France Telecom, Alcatel – Lucent đều có gian hàng giới thiệu những sản phẩm công nghệ mới, thì năm nay họ chỉ xuất hiện bằng những bài thuyết trình trong cuộc hội thảo về công nghệ 3G và băng thông rộng. Còn doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel lại rút khỏi Vietnam Telecomp vào giờ chót.

Ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông (VNPT), đơn vị tổ chức sự kiện này, cho biết Viettel quyết định rút lui do họ không đăng ký được gian hàng ở vị trí trung tâm với diện tích lớn và một số yêu cầu tế nhị khác của Viettel không được ban tổ chức đáp ứng. “Viettel đăng ký tham gia muộn nên có một số yêu cầu chúng tôi không thể đáp ứng được. Do đó, đơn vị này đã quyết định không tham gia triển lãm vào phút chót”, ông Việt nói. Cũng theo ông Việt, năm nay cuộc triển lãm không thu hút nhiều hãng công nghệ từ châu Âu do các công ty này vẫn gặp khó khăn về tài chính khi cơn bão suy thoái kinh tế vừa đi qua.

Sự cạnh tranh đã thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, người tiêu dùng được hưởng lợi ở ba khía cạnh là giá dịch vụ hợp lý, mức độ sử dụng dịch vụ và tiện ích của dịch vụ được cải thiện.

Trong khi các hãng sản xuất thiết bị lớn của châu Âu và Mỹ vắng bóng thì một số tập đoàn lớn đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản như ZyXEL, ZTE, Huawei và NTT Docomo vẫn duy trì hình ảnh của mình.

Cuộc triển lãm năm nay cũng không phải là “cuộc chơi lớn” về công nghệ khi hầu hết các doanh nghiệp chỉ giới thiệu những dịch vụ sẵn có trên nền công nghệ mới 3G như các sản phẩm, dịch vụ mạng băng thông rộng; các sản phẩm, công nghệ, giải pháp và dịch vụ nội dung cho mạng 3G; các giải pháp nhằm giới thiệu và triển khai dịch vụ 3G; dịch vụ giá trị gia tăng, giải trí, ứng dụng trên nền Internet (Broadband-MyTV, nội dung thông tin số); các dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ giá trị gia tăng như ví điện tử Momo, Mobile Camera trên mạng đang được khai thác của MobiFone và VinaPhone. Còn SPT lại giới thiệu dịch vụ thuộc nhóm di động, băng thông rộng và nội dung số như dịch vụ IPTV cho phép người ta dùng các tính năng hấp dẫn như xem phim, lưu trữ lại các chương trình yêu thích…

Khi doanh nghiệp trong nước đang hướng đến việc quảng bá dịch vụ sẵn có cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp nước ngoài cũng chỉ giới thiệu một số công nghệ mới một cách rải rác. Đơn cử, chỉ có NTT Docomo đã đem đến ba dòng điện thoại thông minh, điện thoại tích hợp camera có độ nét cao và dòng sản phẩm thời trang, ngoài ra còn giới thiệu dòng điện thoại không thấm nước. Huawei cũng tung ra một loạt dòng máy điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Android và dòng máy tính bảng có thể nghe nhạc, xem phim, camera, cảm ứng đa điểm chạy trên hệ điều hành Android có tên gọi là IDEOS – S7.

Chờ đợi sự chuyển mình

Không giới thiệu công nghệ và dịch vụ mới, nhiều doanh nghiệp như S-Fone tham gia cuộc triển lãm với kỳ vọng thu hút đối tác. Trao đổi với TBVTSG bên lề sự kiện, ông Hồ Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SPT), cho biết SPT đang tìm kiếm đối tác mới đầu tư vào mạng S-Fone sau khi hợp đồng hợp tác với SK Telecom (Hàn Quốc) kết thúc.

Theo ông Sơn, trong bối cảnh S-Fone thiếu vốn đầu tư để phát triển thì SPT phải giải quyết ba vấn đề, bao gồm: rốt ráo hoàn tất các thủ tục để lập liên doanh với SK Telecom và SP trong quý 1-2011; thứ hai, sau khi đạt được thỏa thuận chính thức để chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cho mạng S-Fone, SPT phải nỗ lực để làm sao có được các nhà đầu tư mới, mà trong đó SK Telecom là đối tác chiến lược và quan trọng trong liên doanh; và cuối cùng là, S-Fone vẫn kiên định phát triển theo định hướng tiếp tục phát triển dịch vụ 3G lên 4G trên nền công nghệ CDMA.

Mặc dù đang ở vị trí dẫn đầu trong làng viễn thông, VNPT cũng đang tích cực đổi mới trong kinh doanh, đặc biệt là việc bắt tay với đối tác mới. Ông Bùi Quốc Việt, nói rằng VNPT đang mở rộng đối tác bằng việc thành lập liên doanh Tập đoàn Viễn thông Altech Telecom (Nga) nhằm cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng trên công nghệ 4G khi mà công nghệ này đang được thử nghiệm tại Việt Nam.

Theo ông Việt, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp viễn thông của Nga để mắt đến thị trường Việt Nam và vào Việt Nam qua hình thức liên doanh mà trong đó, mạng Beeline là liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTel) và Tập đoàn VimpelCom là một ví dụ. Liên doanh này đã đầu tư hơn 300 triệu đô-la Mỹ cho mạng di động này, song sự thành công là chưa nhiều. Đón làn sóng doanh nghiệp Nga đầu tư vào viễn thông, VNPT cũng hợp tác với một số doanh nghiệp Nga để phát triển WiMAX và LTE. “Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay, chúng tôi sẽ cho thử nghiệm một số dịch vụ trên nền WiMAX và LTE ở TP.HCM và Hà Nội”, ông Việt nói.

Khi được hỏi liệu VNPT có thành công với mô hình liên doanh với doanh nghiệp Nga hay không, ông Việt cho biết thành công hay không thì hiện tại chưa đánh giá được, song, đa dạng hóa đối tác, mở rộng dịch vụ viễn thông trên nền công nghệ mới là chiến lược dài hạn mà VNPT đang theo đuổi để giữ vững vị thế hiện nay của tập đoàn trên thị trường. Đánh giá về thị trường viễn thông kể từ khi mở cửa hoàn toàn từ năm 2005, ông Việt cho rằng ngành viễn thông Việt Nam đã phát triển nhanh và sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Chính từ sự cạnh tranh đã thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, người tiêu dùng được hưởng lợi ở ba khía cạnh là giá dịch vụ hợp lý, mức độ sử dụng dịch vụ và tiện ích của dịch vụ được cải thiện.

Điều bất cập của thị trường là hiệu quả đầu tư rất thấp khi chỉ số thu nhập bình quân trên một số thuê bao (ARPU) ngày càng giảm dần và đang ở mức thấp nhất trong khu vực và trên thế giới, chỉ khoảng 3-5 đô-la/số thuê bao. Thông thường, dịch vụ viễn thông ở các nước đạt lợi nhuận khoảng 15% cho một dịch vụ, nhưng ở thị trường Việt Nam hiện chỉ khoảng trên dưới 10% và có xu hướng giảm dần. Điều đó sẽ tác động đến thị trường và các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chính sách kinh doanh trong một hai năm tới. Và về phía Nhà nước cũng nên có các chính sách nhất định để thị trường phát triển có chiều sâu hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới