Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

VIFA 2024 với những cuộc nói chuyện đậm chất ‘vào việc ngay’

Hữu An - Amy Nguyen

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Không chỉ nói về con số 5.700 khách quốc tế tham gia Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2024 - khai mạc hôm 26-2, ở quận 12, TPHCM, các gian hàng của các công ty nước ngoài có mặt tại triển lãm rất đáng nói.

Doanh nghiệp ngành gỗ và mỹ nghệ “chăm” quảng bá sản phẩm và tham gia hội chợ quốc tế để tìm đơn hàng sản xuất, khách hàng tiềm năng.
Ảnh: QUỐC HÙNG

Nếu đi vào từ cổng A, các gian hàng đầu tiên bên tay trái khá lớn trưng bày các bộ sofa, bàn ghế phục vụ cho trang trí phòng khách, sân vườn hay lounge là của các công ty Ấn Độ. Năm nay, các công ty nội thất Ấn Độ khá đông, nổi bật với nhiều gian hàng riêng bên cạnh đội quân hùng hậu của các nhà triển lãm tới từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông.

Đối diện với các bốt triển lãm của Ấn Độ cho sofa, bàn đá, ghế tựa và Trung Quốc cho chất liệu vải dùng cho các sản phẩm nội thất là một loạt bốt triển lãm của các nhà sản xuất mỹ nghệ Việt Nam. Ở dãy bên tay phải này, các nhà sản xuất và cung cấp nguyên liệu Việt Nam giới thiệu các sản phẩm gỗ, tre nứa với kiểu dáng cả cổ điển và cả mới mẻ, một số sản phẩm tre nứa có trang trí lớp lacquer thu hút các nhà kinh doanh nội thất phong cách vintage người Canada, Trung Đông hay Trung Quốc.

Bốt loại Pavallion ở dãy cuối trục trái rất rộng, đủ để các nhà triển lãm tên tuổi dựng cổng, trưng bày sản phẩm xen lẫn trang trí (decor). Ở khu này, một số tên tuổi ấn tượng như Zhejiang Baizhijia mang tới một góc triển lãm ghế thư giãn recliner loại hai mô-tơ, chạy êm, kiểu dáng mới, với giá trực tiếp từ nhà máy chỉ khoảng 120 đô la Mỹ một chiếc. Giá thành cùng kiểu dáng rẻ bất ngờ của dòng ghế máy thư giãn này thu hút rất đông các nhà xuất nhập khẩu và cả người tham quan với tư cách là người tiêu dùng cá nhân.

Từ cổng A đi sang tay phải có rất nhiều các công ty về đệm, chăn nệm, rèm với mẫu mã kiểu dáng đẹp, đáng chú ý có EON tới từ Mỹ với dòng đệm cao cấp, được nghiên cứu và sản xuất ở Campuchia, Trung Quốc và Mỹ.

Các công ty tại VIFA năm nay, cả Việt Nam và nước ngoài, bên cạnh in sẵn tờ rơi và business card như thông lệ thì mạnh tay in các cuốn catalog dày để giới thiệu các sản phẩm mới nhất và bán chạy nhất. Nhiều khách hàng là các nhà xuất nhập khẩu nước ngoài được báo chí phỏng vấn có nhắc tới điều này như một sự hài lòng cho sự chuyên nghiệp của các bên triển lãm tham gia VIFA.

Việc các nhà triển lãm tại VIFA năm nay mang tới các sản phẩm bắt mắt, thời thượng và có giấy chứng nhận cũng như đạt các tiêu chí quốc tế khác nhau khiến cho các nhà buôn cá nhân hay các công ty xuất nhập khẩu dễ dàng đi thẳng vào việc mua hàng, vận chuyển hàng, thanh toán.

Có lẽ vậy nên các câu chuyện tại VIFA không hời hợt theo kiểu “gỗ này là gỗ gì? trồng đâu vậy?” hay “nhà máy công suất bao nhiêu?” hay “sản phẩm này có phải là sản phẩm mới?” mà cuộc nói chuyện giữa rất nhiều gương mặt Việt Nam với nước ngoài hay nước ngoài với nước ngoài gồm những câu hỏi như sau: “Mua sỉ thì tối thiểu bao nhiêu cái?”, “Bạn đã từng chuyển hàng này tới cảng London hay cảng New York chưa?”, “Cách thức thanh toán thế nào?”; “Bạn chấp nhận TT hay L/C?”; “ Cọc trước bao nhiêu %?” (thường là 30%); “Hàng này đi CIF hay FOB?”; “có bọc chống sốc không? Có bảo hiểm không?”.

Những cuộc nói chuyện đậm chất thương mại là một tín hiệu tốt cho thấy ngành đang phục hồi và phát triển trở lại một cách thuận lợi.

Nếu câu chuyện về ngân hàng, thanh toán, tiền cọc, logistic phải xuất hiện trong VIFA thì câu chuyện về sở hữu trí tuệ ở VIFA năm nay thật đáng chú ý. Nếu bạn dừng chân lắng nghe vài cuộc hội thoại tiếng Anh giữa bên muốn mua là người Mỹ, Canada, Anh, Hàn Quốc thậm chí Trung Quốc với bên bán ở Việt Nam và bên bán Ấn Độ, thì cuộc hội thoại có những thông tin như sau:

“Sản phẩm này có đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp không?”; “Nó có tương tự sản phẩm nào mà đã được đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp ở nước tôi không?”; “Trong hợp đồng có điều khoản nào về giải quyết tranh chấp nếu bên mua hàng bị kiện xâm phạm độc quyền kiểu dáng công nghiệp?”; “Bạn đã đăng ký độc quyền mẫu mã này ở nước nào?”; “Công nghệ đệm foam này bạn giới thiệu rằng bên bạn độc quyền công nghệ này, vậy có bằng sáng chế rồi chứ?”; “Bạn có trộn chất liệu ở xưởng để tạo ra chất liệu hybrid mới không?”; “Bạn có xin độc quyền chất liệu textile mới không?”.

Những câu hỏi này đan xen và xuất hiện tương đối nhiều tại các gian hàng mà có nhiều bên mua là bên tới từ các nước phát triển. Có thể thấy rằng, để chơi cuộc chơi quốc tế về đồ nội thất và mỹ nghệ xuất khẩu chuyên nghiệp, yếu tố sở hữu trí tuệ cần được thêm vào (dù có thể là không phải top bảng việc CEO phải làm ngay lập tức). Bởi lẽ, việc có sự độc quyền về kiểu dáng cho thấy kiểu dáng của các nhà sản xuất nội thất và mỹ nghệ thực sự độc đáo và thực sự là của họ - do chính họ tạo ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới