(KTSG Online) – VN-Index đã có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 6, với đà giảm trải rộng ở hầu hết các nhóm ngành.
- Vì sao nhiều doanh nghiệp giảm lãi sau soát xét?
- Đồng đô la Mỹ liên tục phá đỉnh, tỷ giá nhích tăng theo
Phiên giao dịch ngày 7-9, thị trường chứng khoán giảm điểm từ khi mở cửa phiên sáng, chỉ số giằng co trong xu hướng giảm, sau đó rơi mạnh vào phiên chiều đi cùng thanh khoản tăng đột biến.
Kết phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.243.17 điểm, giảm 34.23 điểm, tương đương 2,68% so với phiên hôm qua. Mức đóng cửa này ghi nhận mức điểm thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây của VN-Index, đồng thời ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 6.
Đáng chú ý là đà giảm của chỉ số đóng góp đáng kể từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số Vn30-index giảm đến 2,32% với 29/30 mã giảm, trong đó BID lao dốc đáng kể đến 5,6%.
Đà bán lan rộng trên khắp thị trường với lực bán áp đảo lực mua ở nhiều nhóm ngành, với 18/19 ngành giảm điểm. Có đến 423 mã giảm, áp đảo 71 mã tăng.
Phiên hôm nay cũng ghi nhận khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 3 tháng qua với 796 triệu đơn vị, tăng 48% so với phiên hôm qua, tương ứng với 18.826 tỉ đồng, tăng 43,5%. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 20.332 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Mirae Asset, áp lực chốt lời hôm nay xuất hiện khiến chỉ số giảm điểm mạnh. Có thể thấy rõ ở nhóm dầu khí chịu áp lực chốt lời sau chuỗi tăng trước đó, nhiều mã giảm mạnh gần mức giảm sàn như PVD (giảm 6,8%), PVS (giảm 8,5%) và PVT (giảm 6,2%). Đáng chú ý là cổ phiếu ngành thép như HPG và NKG ngày hôm qua thanh khoản tăng vọt thì hôm nay cũng suy giảm mạnh.
Tương tự, theo Công ty chứng khoán KBSV, áp lực chốt lời gia tăng tại vùng giá cao cùng với lực cầu suy yếu khiến cho chỉ số đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng là ở vùng 1.250 điểm.
Còn theo Công ty chứng khoán MBS, thị trường giảm mạnh nhất trong hai tháng qua và thanh khoản tăng đột biến là biểu hiện của áp lực bán gia tăng hoặc bán cắt lỗ sau chuỗi đi ngang kéo dài 3 tuần vừa qua.
Theo đó, chỉ số VN-Index chỉ giảm một phiên nhưng đã “xóa sạch” thành quả ba tuần trước đó.
Dù vậy, khối phân tích của MBS còn cho rằng nhịp giảm hôm nay là bình thường trong bối cảnh chứng khoán thế giới đã giảm mạnh ở tuần trước, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về câu chuyện room tín dụng cũng không có nhiều tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên gần đây.
Theo các chuyên gia chứng khoán, với diễn biến ngày hôm nay, áp lực lên VN-Index trong thời gian tới sẽ là rất lớn. Thị trường đối mặt với áp lực giảm đồng thời sự phân hóa vẫn rõ rệt và dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
“Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index giảm với cường độ mạnh kèm theo thanh khoản lớn là tín hiệu cần thận trọng, đặc biệt nhịp giảm diễn ra sau chuỗi đi ngang 3 tuần liền”, báo cáo của MBS nhận định.