Thứ Tư, 2/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại tăng tốc trong cuộc đua M&A bất động sản

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường bất động sản bắt đầu tái cơ cấu sau đại dịch. Đây được xem trạng thái lý tưởng để các doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội mua bán sáp nhập với khối nội. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nội cũng cởi mở hơn trong việc tiếp nhận đầu tư để giải tỏa sức ép về dòng vốn đang bị kiểm soát.

Nhiều thương vụ lớn được kích hoạt

Nền kinh tế dần phục hồi tạo động lực cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý là cuộc đua M&A ngành bất động sản liên tục tăng nhiệt từ khối ngoại với nhiều thương vụ được cụ thể hóa trong tháng 7 này.

Trong số đó, thương vụ nổi bật là của Công ty CapitaLand (Singapore). Theo thông tin mà KTSG Online có được từ ngày 14-7 vừa qua, nhà đầu tư đã mua lại quỹ đất tiềm năng để xây dựng khu phức hợp tại thành phố Thủ Đức. Với quy mô khoảng 8 hec-ta, dự án sẽ bao gồm hơn 1.100 căn hộ ở và shophouse và dự kiến đem về nguồn thu 720 triệu đô la Mỹ cho doanh nghiệp này. CapitaLand cho biết nếu thuận lợi, dự án sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2024 và đi vào vận hành trong năm 2027.

Vốn ngoại đang tăng tốc trên thị trường mua bán sáp nhập dự án bất động sản Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Quân

Vài ngày sau đó, một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản là Tokyu Corporation cũng đã bước ra khỏi thị trường Bình Dương quen thuộc, thành lập liên danh với Tập đoàn Danh Khôi để triển khai dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Được biết, trong liên danh được hình thành, Tokyu đóng góp 49% vốn đầu tư, Danh Khôi nắm 51% còn lại.

Trước đó, vào đầu tháng 7, ông lớn ngành bán lẻ Thái Lan là Central Retail cũng công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào thị trường Việt Nam, trong đó có phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại. Tập đoàn này cũng cho biết thời gian tới sẽ duy trì mục tiêu M&A để tăng tốc mở rộng quy mô trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ.

Cùng thời điểm đó, công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) tổ chức ra mắt hệ thống Core5 Việt Nam, đồng thời công bố đầu tư 1 tỉ đô la vào bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.

Với ngành nghỉ dưỡng, tập đoàn khách sạn IHG (Anh) cũng liên tục ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Việt để gia tăng số lượng thương hiệu và khách sạn tại đây. Nhìn nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ tăng gấp đôi số khách sạn khi triển khai thêm 20 dự án.

Nhìn lại một tháng 7 sôi động của các thương vụ M&A có thể thấy thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây là thời điểm để các doanh nghiệp ngoại tăng tốc trong cuộc đua tìm cơ hội đàm phán với khối nội trong bối cảnh chịu nhiều sức ép về dòng vốn phát triển.

Trong báo cáo mới đây, Savills Việt Nam cũng nhận định thị trường đang trong giai đoạn thử thách nhưng khi vượt qua được thì cơ hội tăng trưởng là rất lớn bởi tốc độ phục hồi rất nhanh. Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, thượng lưu lại thúc đẩy nhu cầu về nhà ở. Xu hướng đầu tư vào bất động sản nhà ở và văn phòng càng được củng cố khi giá thành tại Hà Nội và TPHCM vẫn còn ở mức hợp lý so với các thị trường lân cận Singapore, Thượng Hải hay Thâm Quyến.

Ông Oh Dong Kun, Tổng giám đốc đại diện Tokyu Corporation Việt Nam, cho biết yếu tố hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là tính tăng trưởng. Vị này nhớ lại thời điểm 2011 khi Tokyu bắt đầu tìm hiểu đầu tư, số lượng căn hộ ở TPHCM chưa đầy 10.000 nhưng đến năm 2018 đã lên đến hơn 40.000 căn. Đây là sự thay đổi tích cực và là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc.

“Thị trường này như “một đứa trẻ đang lớn”, quá trình trưởng thành sẽ gặp nhiều trắc trở nhưng điều quan trọng là liệu các doanh nghiệp có đủ kiên nhẫn, đủ tiềm lực để thay đổi và chờ đợi sự phát triển của nó hay không. Mức tăng trưởng như trên là cơ sở để các tập đoàn quốc tế tiếp tục mở rộng tại Việt Nam”, ông Oh Dong Kun nói.

Lối ra trong giai đoạn “dòng tiền khó”

Với những tín hiệu tích cực, nhiều cuộc thăm dò đã chỉ ra xu hướng M&A sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Đáng chú ý là khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp phải khó khăn trong việc triển khai dự án sau đại dịch Covid-19 thì phương án tìm đối tác sáp nhập hoặc chuyển nhượng dự án được xem như là lối ra.

Như trường hợp của LDG Group, doanh nghiệp này vẫn còn các dự án dang dở, không thể triển khai tại TPHCM bởi vướng pháp lý lẫn dòng tiền. Để giải quyết tình huống này, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết sẽ huy động vốn từ bên ngoài và sử dụng nguồn tiền có sẵn để tiến hành thu hồi sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho khách hàng, đồng thời dự phòng rủi ro pháp lý. Trong điều kiện thuận lợi nếu thu hồi được toàn bộ sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng lại dự án.

Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn tái cơ cấu hậu đại dịch Covid-19 Ảnh minh họa: H.P

Câu chuyện của LDG Group cũng cho thấy thị trường phần nào tái cơ cấu lại sau đại dịch tạo môi trường thuận lợi cho cuộc đua M&A nóng lên trong nửa cuối năm 2022. Đây là cơ hội và là giải pháp khả dĩ để khối ngoại tối ưu giá trị đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, các phương thức M&A trong giai đoạn này đã có nhiều thay đổi, các thương vụ thâu tóm, mua đứt bán đoạn dần ít đi mà thay vào đó là liên doanh, liên kết.

Theo ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills, sự thay đổi này được xem là giải pháp an toàn, có lợi cho đôi bên vì doanh nghiệp nội giải được bài toán vốn trong khi đối tác ngoại giảm bớt được rủi ro pháp lý. Các doanh nghiệp không dùng M&A như là một “game” thu gom tài sản mà muốn cộng hưởng sức mạnh để phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đang có rất nhiều biến động.

Trong khi đó, nhìn nhận về sự thay đổi xu hướng M&A, ông Oh Dong Kun cũng thẳng thắn cho biết, chưa thực sự hài lòng với môi trường đầu tư hiện nay ở Việt Nam vì lý do pháp lý chưa rõ ràng và thời gian thực hiện thủ tục hành chính còn kéo dài.

Đây là một phần lý do mà Tokyu ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp nội địa trong quá trình đầu tiên thực hiện các dự án. Sự tham gia ngay từ khi có quỹ đất có thể mất nhiều thời gian nhưng quan trọng là hai bên minh bạch mọi thông tin và cùng bàn bạc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới