Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ Đại học Hoa Sen: Các góc nhìn khác nhau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ Đại học Hoa Sen: Các góc nhìn khác nhau

Lam Phương

Vụ Đại học Hoa Sen: Các góc nhìn khác nhau
Đại hội cổ đông bất thường của Đại học Hoa Sen ngày 2-8 vừa qua. Ảnh thanhtra.com.vn

(TBKTSG Online) – LTS: Sự kiện đại hội đồng cổ đông bất thường của trường Đại học Hoa Sen ngày 2-8-2014 quyết định bãi nhiệm Hội đồng quản trị đương nhiệm, bầu ra Hội đồng quản trị mới đang làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bài viết dưới đây xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau sẽ cung cấp một số thông tin quan trọng để bạn đọc tham khảo.

Đọc thêm:

– Từ Hoa Sen nhìn về tương lai đại học tư thục

– HĐQT Đại học Hoa Sen bị bãi nhiệm

– Vụ Đại học Hoa Sen: HĐQT nào là hợp pháp?

Đọc ý kiến của một thành viên chủ tọa đại hội bất thường trên báo Tuổi Trẻ, thấy sao mà sặc mùi tiền: “Xét cho cùng, chúng ta đi tận cùng vấn đề thì ĐH Hoa Sen của ai? Và nếu nó thất bại thì ai chịu? Cổ đông chúng ta là những người bỏ tiền vào đó. Còn anh là giáo viên, hôm nay anh không dạy chỗ này thì mai anh dạy chỗ khác. Người lao động có thể mất việc nếu Hoa Sen không còn tồn tại và phát triển. Nhưng chúng tôi là những người bỏ tiền vào, nếu Hoa Sen sụp đổ, chúng tôi mất tiền”.

Xem ra thân phận của giảng viên, nhân viên Đại học Hoa Sen (HSU) chẳng mấy được quan tâm ở đại hội bất thường của một trường đại học. Chúng ta hãy thử xem xét trường hợp cụ thể HSU dưới các góc nhìn khác nhau:

1. Sự phát triển giá trị  của HSU dưới góc độ đóng góp của các thành phần:

Từ khi thành lập đại học tư thục vào năm 2006, vốn điều lệ của HSU là 15 tỉ đồng. Đến đầu năm 2014 đã thành hơn 92 tỉ đồng. Tạm cho rằng các thành phần có đóng góp cho sự tăng trưởng của HSU là (1) Vốn của nhà đầu tư (cổ đông); (2) Giảng viên, nhân viên làm việc tại HSU; (3) Tài sản, hỗ trợ của nhà nước(*). 

Giả sử mỗi năm, tỷ suất sinh lợi trung bình của đầu tư vốn là 20% trong 8 năm liên tục (2006-2014) thì hiện nay, số vốn đó sẽ lên đến khoảng 65 tỉ. Cộng với 5% cổ tức tiền mặt đã nhận mỗi năm thì mức sinh lợi của nhà đầu tư khi đầu tư vào HSU là 25%/năm trong 8 năm liên tục. Đây quả là một tỷ suất lợi nhuận bền vững, đáng mơ ước và cao hơn nhiều so với suất sinh lợi của thị trường vốn. Như vậy, cổ đông cũng đã nhận phần của mình và phần đó cũng là phần cao hơn so với thị trường vốn.

Hiện nay, vốn điều lệ và nguồn vốn chủ sở hữu của HSU đã cao hơn con số 65 tỉ rất nhiều. Đó là chưa kể giá trị danh tiếng, uy tín của HSU trong cộng đồng giáo dục và xã hội. Ai, cái gì đã tạo ra số chênh lệch tăng thêm đó? Giảng viên, nhân viên đã nhận lương với mức trung bình của thị trường nhưng họ cũng đã tạo ra một giá trị thặng dư. Tài sản, hỗ trợ của nhà nước cũng đã góp phần tạo ra sự thặng dư đó. Không có các yếu tố đó, tự bản thân một yếu tố vốn đơn lẻ không thể tạo ra giá trị thặng dư như vậy.

Và có lẽ cũng vì sự phát triển vượt bậc này mà nổ ra vụ lùm xùm hôm nay.

2. Xem xét từ góc nhìn của cổ đông: 

Khi mà cổ đông đã “quen” với mức sinh lợi trung bình 25%-30% hàng năm, nếu theo 141/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 10-12-2013 chỉ còn cổ tức không quá lãi suất của trái phiếu chính phủ, tức là khoảng vài %/năm thì đó là một vấn đề rất đáng xem xét, nếu không nói là quan tâm hàng đầu.

Nếu là cổ đông đã tham gia từ ngày đầu, 1 cổ phiếu lúc đó thì nay đã thành 6 cổ phiếu (do HSU phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu). Vì thế, tỷ lệ lãi trên vốn đầu tư sẽ là hơn 22%. Đây là một tỷ lệ lãi đáng mong ước không những trong giai đoạn kinh tế khó khăn mà cả ngay trong giai đoạn kinh tế hưng thịnh. Chưa kể, cổ đông còn có niềm tự hào là cùng với nhà nước, giảng viên nhân viên đóng góp cho một tổ chức giáo dục tiên tiến, bền vững, có trách nhiệm với xã hội. Xem ra lợi cũng có mà danh cũng có.

Nhưng nếu là cổ đông mới mua cổ phiếu hồi đầu năm 2014 này với giá vào khoảng 1.6x thì đây sẽ là một khoản đầu tư rất kém hiệu quả (giả định rằng lãi suất trái phiếu chính phủ là 6%/năm thì tỷ lệ lãi trên vốn đầu tư chỉ là 6%/1.6 tức là chỉ vào khoảng 3,75%/năm). Đúng ra, cổ đông nên nghiên cứu kỹ Quy chế của HSU và các văn bản pháp luật có liên quan điều chỉnh quy chế ấy. Việc không nghiên cứu kỹ hay không lường trước được các tác động ấy là cũng là một loại rủi ro khi đầu tư.

Tuy nhiên, cổ đông cũng có thể lập luận rằng, chúng tôi sẽ đại hội để thông qua Quy chế mới, không theo “cơ chế phi lợi nhuận” nữa để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.

3. Xem xét từ quan điểm lợi ích của nhà nước:

Nhà nước đã hỗ trợ HSU những tài sản rất lớn: được nhà nước giao 1.500m2 đất ở đường Nguyễn Văn Tráng – Quận 1 –TPHCM và 9.600m2 đất ở công viên phần mềm Quang Trung – Q12 – TPHCM. Bên cạnh đó, HSU còn được nhà nước hào phóng cho vay gói hỗ trợ kích cầu để xây dựng trụ sở và cơ sở giảng dạy. Nếu HSU trả tiền thuê mặt bằng theo giá thị trường, vay theo giá thị trường thì không biết có còn lợi nhuận mà chia như những năm qua hay không?

Vậy nhà nước sẽ quan tâm đến những nguồn lực mà nhà nước đã hỗ trợ HSU như thế nào khi cổ đông sẽ biểu quyết thay đổi Quy chế HSU để HSU trở thành trường đại học tư thục vì lợi nhuận?

Xin nhắc lại là HSU có được sự to lớn hỗ trợ đó là vì HSU (mà đại diện là ông chủ tịch Trần Văn Tạo và bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng) đã từng nhiều lần khẳng định HSU hoạt động theo “cơ chế phi lợi nhuận” và cổ đông sáng lập cũng đã khẳng định tại khoản 7, điều 8 trong Quy chế HSU. Nếu cổ đông thay đổi Quy chế HSU,  không theo “cơ chế phi lợi nhuận” nữa, thì nhà nước có thể tính đến việc thu hồi lại các khoản hỗ trợ của nhà nước.

Việc tính toán các giá trị này trong quá khứ và tương lai sẽ khó khăn và có thể ra một con số rất lớn nếu nhà nước lượng hóa sự hỗ trợ đó thành cổ phần theo tinh thần Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg: “Vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia này không được rút ra khỏi nguồn vốn hoạt động của trường đại học tư thục, được chia thành cổ phần để tính cổ tức như các nguồn vốn cổ phần khác. Cổ tức thu được dùng để bổ sung vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia, tăng thêm vốn tích lũy của trường đại học tư thục và sử dụng cho đầu tư phát triển..”

Cổ đông cũng đâu thể khẳng định “Trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận" để có sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước, của xã hội, rồi đến khi lớn mạnh lại biểu quyết để khẳng định tất cả là sở hữu của cổ đông để thâu tóm hết các lợi ích?

4. Xem xét “cơ chế phi lợi nhuận” của HSU dưới góc độ các văn bản pháp lý đã ban hành:

Trong “Quy chế Tổ chức và Hoạt động của trường Hoa Sen” (sau đây gọi tắt là Quy chế HSU), tại Điều 8, mục 7, có ghi “Trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18-04-2005…” và tại Điều 3 có ghi “Trong Quy chế này, bất kỳ một tham chiếu nào tới bất kỳ một điều khoản hoặc văn bản nào sẽ bao gồm cả những sửa đổi hoặc văn bản thay thế chúng”. Như vậy, khi có văn bản pháp luật của nhà nước quy định rõ hơn về cơ chế phi lợi nhuận theo tinh thần của Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP (như là Luật giáo dục đại học, các Quyết định, Nghị định) thì HSU sẽ đương nhiên thực hiện trừ khi cổ đông biểu quyết khác.

Đến ngày 10/12/2013, Nghị định 141/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học” có ghi trong Điều 6: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận: Cơ sở giáo dục đại học tư thục được xác định hoạt động không vì lợi nhuận khi đảm bảo các điều kiện sau đây:

– Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức hoặc nhận lợi túc không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ quy định trong cùng thời kỳ;

– Chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng năm của trường là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia,….”

Như vậy, căn cứ Quy chế HSU, Luật giáo dục đại học và Nghị định 141 thì cổ đông HSU không những không còn được chia cổ tức cao như trước đây mà tài sản HSU tích lũy được sẽ trở thành tài sản chung, cổ đông không bao giờ được quyền chia như trướcc đây nữa. (Xem thêm box Lịch sử tăng vốn điều lệ của HSU).

Đến đây, chúng ta có thể hình dung tại sao cổ đông HSU lại “sợ” cụm từ “phi lợi nhuận” trong Quy chế HSU đến thế. Và cũng có thể hiểu tại sao một số cổ đông mạnh miệng đòi cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% (chưa kể cổ tức bằng cổ phiếu) trong đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 01/2014 thì nay cũng là người đứng ra tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2-8 vừa qua để bãi miễn ông chủ tịch và bà hiệu trưởng là 2 người đã góp phần không nhỏ trong việc lèo cái con thuyền HSU đạt được những thành tựu to lớn ngày hôm nay và cũng là những người đi theo tôn chỉ phi lợi nhuận.

5. Xem xét dưới góc độ chuyển nhượng cổ phiếu HSU:

Có lẽ đã lường trước những xung đột lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích công, dẫn đến những vụ lùm xùm của các trường đại học tư, Luật Giáo dục đại học có quy định trong Điều 66, Khoản 5: “Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của cơ sở giáo dục đại học”. Các vụ chuyển nhượng vốn trước đây của HSU (và của các trường đại học nói chung) có tuân thủ yếu tố này không hay chỉ đơn thuần thực hiện giao dịch theo các quy định dành cho giao dịch cổ phiếu thông thường?

6. Giải pháp

Giải pháp nào để trả lại trường đại học phi lợi nhuận hoạt động theo đúng tôn chỉ ngay từ đầu của nó, đồng thời bảo vệ lợi ích của nhà nước; tránh gây xáo trộn và bảo đảm lợi ích của sinh viên, giảng viên nhưng cũng khuyến khích đầu tư vào giáo dục?

Nên chăng có một lộ trình phù hợp để những nhà đầu tư chưa hiểu rõ tôn chỉ phi lợi nhuận và lộ trình áp dụng nó từ 12-2013 có thể rút vốn an toàn với một mức lợi nhuận hợp lý (nhưng là  một mức lợi nhuận mà nhiều nhà đầu tư mơ ước) nhưng cũng không hao tổn thêm nữa ngân sách của nhà nước? Về mặt cơ bản, Quy chế HSU và các văn bản pháp lý hiện tại, tài sản chung không phân chia của HSU hoàn toàn có thể làm điều đó, chỉ cần các bên cùng hiểu như vậy, cùng hợp tác và tôn trọng lợi ích, tôn chỉ chính đáng của các bên; với sự hỗ trợ và cầm cân nảy mực một cách công minh chính trực của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Xem ra, rất cần tiếng nói công minh của cơ quan quản lý nhà nước để tránh “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu, mà vì sự im lặng của người tốt” – Napoleon.

Box: Lịch sử lộ trình tăng vốn điều lệ (cũng là chia tài sản tích lũy cho cổ đông thông qua phát hành thêm cổ phiếu thưởng) như sau:

Thời điểm

Vốn điều lệ

Nguồn để tăng vốn (trích Nghị Quyết ĐHĐCĐ thường niên các năm)

Tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng/cổ phiếu hiện hữu

Lúc thành lập HSU năm 2006

15 tỉ

 

 

Tháng 1/2010

30 tỉ

Quỹ đầu tư phát triển chưa năm 2007, 2008 chưa sử dụng
Chênh lệch thu chi chưa phân phối năm học 2008-2009

950/1000

Tháng 01/2013

71,9 tỉ

Quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng
Chênh lệch thu chi sau thuế chưa phân phối lũy kế các năm tính đến năm 2011-2012
Chênh lệch thu chi sau thuế chưa phân năm TC 2011-2012

1400/1000

Tháng 02/2014

93,9 tỉ

Chênh lệch thu chi chưa phân phối

Quỹ dự phòng tài chính các năm trước

306/1000

 

(*): HSU được nhà nước giao 1.500m2 đất ở đường Nguyễn Văn Tráng – Quận 1 –TPHCM và 9.600m2 đất ở công viên phần mềm Quang Trung – Q12 – TPHCM.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới