Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vụ lừa đảo xuất khẩu nhân điều: Doanh nghiệp mất quyền kiểm soát hơn 160 tỉ đồng

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Đến thời điểm này, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong tổng số hơn 100 container mà 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều đã ký xuất đi Ý, các doanh nghiệp đã mất quyền kiểm soát 36 container, trị giá hơn 160 tỉ đồng (hơn 7 triệu đô la Mỹ) trong tổng số khoảng 1.000 tỉ đồng tổng giá trị tiền hàng.

Về việc các nhà xuất khẩu nhân điều Việt Nam đã ký đơn hàng xuất khẩu 100 container nhân điều đi Ý, trong đó có nhiều đơn hàng đã chuẩn bị cập cảng nhưng không được đối tác và các trung gian thanh toán thực hiện như thông lệ hợp đồng, tối ngày 9-3, Vinacas đã tổ chức họp báo gấp để thông báo về tình hình.

Theo lãnh đạo Vinacas, thông qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp xuất khẩu đã ký được các hợp đồng xuất đi 100 container với tổng trị giá khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiện còn một số đơn hàng đã đóng nhưng chưa kịp vận chuyển.

Khi các đơn hàng đã chuẩn bị cập cảng, doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam nhờ thu tiền từ các ngân hàng của người mua tại Ý thì không thể thu được vì số SWIFT (mã số định danh ngân hàng do Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu cấp) của ngân hàng Việt Nam bị thay đổi.

Ngân hàng bên mua nhận chứng từ thông báo bên mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ. Các nhà xuất khẩu cũng không biết các hồ sơ gốc các lô hàng của họ hiện giờ ở đâu. Các ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được Ngân hàng Ý chỉ sang cũng vòng vo, không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà xuất khẩu Việt Nam.

Trong một diễn biến khác thì cứ có bộ chứng từ gốc là bất cứ hãng tàu nào cũng phải giao hàng. Doanh nghiệp Việt Nam đã đề nghị các hãng tàu tại Ý áp dụng các biện pháp “khẩn cấp”, tạm giữ các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng trong những ngày tới, kể cả có vận đơn gốc, đồng thời đề nghị hãng tàu báo cho chủ hàng biết về người nhận. Nhưng theo thông lệ quốc tế thì cứ có chứng từ gốc thì bên vận chuyển phải giao hàng.

Bên bán đã tính đến phương án sử dụng Trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp nhưng cái khó là cần thời gian để bổ sung chứng từ làm việc với các bên. Trong khi đó, bên vận chuyển vẫn phải giải phóng hàng kể cả trong trường hợp bên xuất chứng từ gốc lừa đảo.

Hiện một số doanh nghiệp đã xuất chứng từ nhưng còn hàng chưa đóng, chưa kịp xuống tàu đã khẩn cấp đề nghị ngân hàng ngăn chặn thu hồi chứng từ để dừng vận chuyển hàng. Trong số này có doanh nghiệp ký xuất hơn 40 container kịp thu hồi 17 container hàng, số còn lại coi như có nguy cơ bị mất trắng.

Tổng số tiền không thể thu hồi tính ra khoảng hơn 160 tỉ đồng, tương đương 36 container. Điều đáng nói là hiện chưa xác định được đối tượng lừa đảo là ai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới