Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Vua cánh đồng lớn’ xoay trục sản xuất lúa theo đơn đặt hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Vua cánh đồng lớn’ xoay trục sản xuất lúa theo đơn đặt hàng

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thay vì sản xuất xong rồi tìm khách hàng tiêu thụ, Tập đoàn Lộc Trời- đơn vị dẫn đầu trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long- quyết định xoay trục sang sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của đối tác, cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Lộc Trời triển khai bộ tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP

Cánh đồng lớn: nghẽn ở đầu ra

'Vua cánh đồng lớn' xoay trục sản xuất lúa theo đơn đặt hàng
Tập đoàn Lộc Trời xoay trục sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của đối tác. Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Trung Chánh

Đây được xem là quyết định đột phá của Tập đoàn Lộc Trời nhằm hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Trong bản tin báo chí tháng 5-2020 của Tập đoàn Lộc Trời gửi đến TBKTSG Online vào tối 4-5, đơn vị này nhấn mạnh: “Khi hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường từ ngày 1-5, ngành lương thực sẽ đẩy mạnh ký kết các hợp đồng mới và đàm phán theo hướng khách hàng nội địa và xuất khẩu phải đặt trước”.

Quy trình đặt hàng được Tập đoàn Lộc Trời áp dụng như sau: khách hàng sẽ đặt hàng ba lần trong năm, trước mỗi mùa vụ, trừ một số loại gạo đặc biệt như Jasmine thì nhận đặt hàng trước chỉ một lần trong năm.

Dựa vào đơn đặt hàng, ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời sẽ ký hợp đồng để ngành dịch vụ nông nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu, cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và cử nhân viên 3 cùng (nhân viên giữ nhiệm  vụ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa cho nông dân – PV) kiểm soát toàn bộ các khâu trên đồng ruộng theo quy trình SRP- Sustainable Rice Platform (quy trình sản xuất lúa gạo bền vững) hoặc theo quy trình do khách hàng yêu cầu.

Theo đó, lúa sau khi thu hoạch xong sẽ được chuyển về các nhà máy gạo của Lộc Trời để sấy, bảo quản và xay xát thành gạo theo lịch giao hàng đã ký với bên mua nhằm đảm bảo khách hàng được nhận thành phẩm với chất lượng tốt nhất.

PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 5-5, thừa nhận, trước đây đơn vị này chủ trương lập kế hoạch rồi hợp đồng với nông dân sản xuất theo quy trình do Lộc Trời đưa ra để có hạt gạo an toàn, truy xuất được nguồn gốc. “Sau khi có sản phẩm, chúng tôi đưa vào kho rồi chào bán cho xuất khẩu lẫn đưa đi tiêu thụ trong nước”, ông Chín cho biết.

Tuy nhiên, theo ông, quy trình này có một điểm bất lợi, đó là nhiều khi doanh nghiệp tồn trữ lúa quá lâu, làm phát sinh thêm chi phí lãi suất vay ngân hàng, hao hụt các thứ…

“Bây giờ, Lộc Trời làm ngược lại, tức khách hàng nước ngoài muốn nhập khẩu, thì đặt hàng về chủng loại, sản lượng, chất lượng, từ đó chúng tôi tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu của họ”, ông nói và cho biết với thị trường trong nước cũng thực hiện với cách tương tự.

Theo ông Chín, từ cách làm mới này, Lộc Trời hoàn toàn có thể chủ động được câu chuyện lợi nhuận cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân. “Mình tính toán được hết và rất chủ động, chứ không bị động như trước đây nữa”, ông nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện nêu trên của Tập đoàn Lộc Trời, trao đổi với TBKTSG Online mới đây, GS – TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cũng là một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nhấn mạnh: bất cứ một mô hình sản xuất nông nghiệp nào, muốn thành công phải xuất phát từ thị trường, nghĩa là doanh nghiệp phải biết khách hàng cần loại gì, tiêu chuẩn ra sao… Khi có đầu ra rồi, họ mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp.

“Chẳng hạn, một công ty lương thực ở Trung Quốc mỗi năm có nhu cầu nhập 100.000 tấn gạo Japonica và đặt hàng với doanh nghiệp A trong nước, thì doanh nghiệp này sẽ liên kết với nông dân hình thành cánh đồng lớn quy mô 100.000 tấn gạo theo tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng. Khi doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân mà biết rõ sản phẩm được tiêu thụ ở đâu thì làm sao thất bại được”, ông Xuân nhấn mạnh.

Tập đoàn Lộc Trời – tiền thân là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (An Giang) – được thành lập năm 1993. Lộc Trời được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ những năm 2010-2011 cho đến hôm nay.

Tập đoàn Lộc Trời hiện có hơn 1.200 kỹ sư trong lực lượng nhân viên 3 cùng, giúp liên kết hàng chục ngàn hộ nông dân, xây dựng những cánh đồng lớn nhằm chuyển giao giải pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và năng suất lúa cao nhất cho người nông dân.

Trong lĩnh vực giống cây trồng, Lộc Trời đã chọn tạo các bộ giống mới phù hợp với điều kiện canh tác tại Việt Nam và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường.

Sản phẩm gạo mang thương hiệu Hạt Ngọc Trời cùng với nhiều giống lúa tự lai tạo của Tập đoàn Lộc Trời
đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi gạo uy tín quốc tế.

Cụ thể, năm 2015, sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời đã đạt danh hiệu “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” trong Hội nghị thương mại lúa gạo thường niên được The Rice Trader, một tổ chức với ấn phẩm uy tín thuộc Viện thương phẩm quốc tế ICI (International Commodity Institute) tổ chức tại Malaysia. Năm 2018, tại Hội nghị Thương mại gạo liên lục địa lần thứ 5 được tổ chức tại Trung Quốc, gạo Lộc Trời 28 đạt giải nhất phân khúc gạo thơm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới