Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vườn cò Bằng Lăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vườn cò Bằng Lăng

Lâm Văn Sơn

(TBKTSG Online) – Trước đây vài năm, khách du lịch đi trên tuyến đường từ Châu Đốc về Cần Thơ thường hay ghé tham quan vườn cá sấu ở Long Xuyên rồi ghé qua vườn cò Bằng Lăng. Nay thì chỉ còn vườn cò là địa chỉ thu hút khách du lịch vào mỗi buổi chiều trên tuyến đường này.

Vườn cò Bằng Lăng
Khu vườn rộng hơn 2 héc ta là nơi tập trung sinh sống của hàng vạn chim các loại, trong đó, cò chiếm nhiều nhất. Ảnh: LVS

Vườn cò Bàng Lăng là một trong những sân chim lớn và hấp dẫn nhất trong số các sân chim khác ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vườn cò Bằng Lăng thuộc xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt cách thành phố Cần Thơ 52km đi theo quốc lộ 91 hướng về Long Xuyên. Khu vườn này rộng hơn 2 héc ta và có trên hàng chục ngàn con chim, cò, cồng cộc… sống chung trong vườn lẫn với hàng ngàn chim các loại. Chỉ riêng cò, ở đây có nhiều loại như cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen. Một con nặng chừng 400 đến 500gr. Giống này chiếm khoảng 80%.

>>> Nhấn vào đây để xem thêm ảnh.

Du khách có thể đi bằng ghe xuồng chạy ra sông Hậu rồi cặp theo con rạch nhỏ xanh, đẹp dẫn vô vườn cò hay có thể đi bộ, đi xe mô tô, xe đạp men theo con đường bê tông xuyên qua làng nghề se dây trân (loại dây dùng để dệt chiếu), băng ngang qua cánh đồng lúa (có khi chín vàng rộ vào mùa lúa), rồi đi tiếp dưới hàng tre rợp bóng mát trước khi nghe bản nhạc đồng quê của tiếng chim ríu rít râm ran từ mọi phía trong khu vườn. Con đường làng này là một bức tranh quê tuyệt đẹp với dáng vẻ dân dã, thanh bình uốn lượn theo dòng kênh rạch hiền hòa.

Một đôi cò cá quấn quýt bên nhau sau một ngày tìm mồi trở về vườn. Ảnh: Lý Nhật Trường

Thời gian ngắm cảnh vườn cò đẹp nhất là vào lúc 5 giờ chiều. Đây là thời điểm cò tìm về tổ. Cò bay từng đàn lớn nhỏ vui như đi trẩy hội. Chúng hạ cánh ngược với hướng gió, chúng chao cánh, lượn qua lượn lại rồi sà xuống trên những cành tre, cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn… Du khách có thể leo lên một chòi dựng trên cột bê tông cao khoảng 10 mét ở một bên của khu vườn làm chỗ đứng rất tốt để chụp ảnh quang cảnh đẹp lúc cò về tổ.

Chủ nhân của khu vườn này là ông Nguyễn Ngọc Thuyền với câu chuyện về cò na ná như chuyện ‘ăn khế trả vàng’, đền ơn đáp nghĩa phù hợp với tính cách người Nam bộ. Ông Thuyền kể lại: Khi xưa mỗi khi đi làm ruộng, ông hay gặp cảnh các chú cò bị mắc lưỡi câu do người dân cắm câu dọc theo mương rạch. Vì động lòng yêu thương chim thú nên ông đã sử dụng cây bông súng non, lấy cọng súng luồn sợi dây câu rồi đưa thẳng cọng súng cùng với dây câu vào thẳng cổ họng của con cò, rồi nhẹ nhàng lấy lưỡi câu ra. Cách làm này khiến cho vết thương trong cổ họng của cò không bị xé toạc to ra gây nhiễm trùng và không làm đau con vật.

Ông cho rằng, có lẽ vì cái nghĩa “cứu vật vật trả ơn” như lời cha ông ta đã dạy cho nên những năm sau đó ngày càng nhiều chim, cò về trú ngụ tập trung đông đúc trong vườn nhà ông. Trong khi những khu vườn lân cận, kể cả khu vườn hàng xóm sát bên vườn ông cũng có sinh cảnh giống như nhà ông lại không có chim về làm tổ.

Tin rằng “đất lành chim đậu”, ông Thuyền đã giữ gìn môi trường sống đem lại an toàn, bình an cho đàn chim phát triển đàn và biến khu vườn của ông thành một điểm tham quan hấp dẫn, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định từ các đoàn du khách tham quan hàng ngày.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới