Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Vườn ươm khởi nghiệp’ Thái Lan học tập và chạy đua với Singapore

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thái Lan đang học hỏi và tìm cách phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ theo mô hình vườn ươm mà Singapore đã áp dụng. Chính phủ Thái Lan đã hình thành một lộ trình cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác thu được lợi nhuận miễn thuế từ việc bán cổ phần của các startup.

Các chính sách ưu đãi thuế được ban hành vào tháng 6-2022 và áp dụng cho các công ty hoạt động ở Thái Lan trong một số lĩnh vực, bao gồm công nghệ xe hơi thế hệ tiếp theo, điện tử thông minh và công nghệ sinh học. Thái Lan đang ráo riết học kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư được nhiều như Singapore dù còn gặp rất nhiều thách thức.

Trước một Singapore thu hút nhiều nhà đầu tư

Singapore đã thành công trong việc tạo ra các startup hàng đầu từ nhiều thập niên qua.

Gempei Asama, quản lý cấp cao của tập đoàn Deloitte Tohmatsu, cho rằng: “Singapore thu hút các quỹ đầu tư bởi nhà đầu tư rất dễ dàng thoái vốn”.

Singapore là nền kinh tế đứng đầu châu Á trong chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm nay do hãng nghiên cứu thị trường StartupBlink của Israel công bố - đứng thứ sáu toàn cầu, Trung Quốc hạng 12 và Nhật Bản hạng 18. Tham nhũng thấp, thủ tục giấy tờ dễ dàng và dân số có trình độ tiếng Anh cao là những yếu tố góp phần vào thứ hạng cao của Singapore. Sự thuận lợi của môi trường kinh doanh của Singapore ngang bằng với các nước phương Tây.

Trong khi đó, Thái Lan đứng thứ 52 trên thang điểm hệ sinh thái khởi nghiệp, sau Indonesia ở hạng 41 và Malaysia xếp thứ 43.

Những thách thức của Thái Lan

Deloitte đã xác định 13 điểm thách thức lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Thái Lan, trong đó có tình trạng độc quyền của các nhóm lợi ích hay tập đoàn, thiếu nhà đầu tư và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này có thể khiến các startup thoái lui. Tuy nhiên, việc miễn thuế lãi từ vốn hiện đang bắt đầu thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp khởi nghiệp.

Theo DealStreetAsia, các startup Thái Lan đã huy động được 530 triệu đô la trong quí 1-2023, nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan cũng có kế hoạch ra mắt quỹ khởi nghiệp trị giá 1 tỉ baht (28,7 triệu đô la) vào tháng 9 sắp tới với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái cho các công ty khởi nghiệp Thái Lan.

Phần lớn vốn tập trung vào các startup tương đối quy mô hoặc đang trong giai đoạn tăng trưởng, nên các startup Thái Lan ở giai đoạn đầu gặp khó khăn về vốn. Vốn cho những startup non trẻ vẫn trong tình trạng khan hiếm.

Ngoài ra, thủ tục giấy tờ và quy định về kinh doanh khá phức tạp ở Thái Lan vẫn là mối lo ngại; không có cơ quan chính phủ tập trung vào việc xử lý giấy tờ hay hỗ trợ các công ty mới. Người sáng lập phải mang đơn đến nộp ở nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ yêu cầu các startup phải gửi văn bản để được hỗ trợ, việc phê duyệt có thể mất nhiều năm...

Cuối năm 2022, Bangkok được xếp hạng 99 trên toàn thế giới về các chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp, tụt 28 bậc so với năm 2021 - theo bảng xếp hạng của StartupBlink.

Câu chuyện của Thai Union

Thái Lan có nền nông nghiệp khá mạnh ở Đông Nam Á. Thế nhưng, danh sách 10 startup hàng đầu của nước này chỉ bao gồm các ngành giải trí và công nghệ. Các startup công nghệ nông nghiệp và thực phẩm của xứ chùa vàng vẫn còn chậm hơn các bạn đồng lứa ở Singapore.

SPACE-F là chương trình vườn ươm và gia tốc dành cho các startup ngành công nghệ thủy hải sản có quy mô toàn cầu của Thái Lan. Đây là chương trình được thành lập bởi Cơ quan đổi mới sáng tạo Thái Lan (NIAT), Đại học Mahidol và Thai Union Group - một trong những tập đoàn thủy hải sản lớn nhất thế giới, chiếm đến 20% sản lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu.

Hiện chiếm 20% lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu, Thai Union đặt mục tiêu là 40%. Thai Union đang nghiên cứu khai thác dầu cá từ đầu cá ngừ vốn bỏ đi để thành “động cơ tăng trưởng và lợi nhuận mới”. Ảnh: Thai Union

Tiến sĩ Chris Aurand, người phụ trách các chương trình đổi mới sáng tạo của Thai Union, rất tự hào về nền tảng công nghệ, nghiên cứu và vốn mà Thai Union có thể hỗ trợ các startup.

Năm 2019, tập đoàn đã chi 300 triệu baht (hơn 9 triệu đô la) để thành lập Global Innovation Center (GIC), một trung tâm nghiên cứu đồ sộ ở Bangkok với 130 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Cuối năm 2021, GIC đã bổ nhiệm Maarten Geraets đứng đầu bộ phận đạm thay thế (alternative protein) mới thành lập. Garaets được xem là “nhân vật đáng bái phục” khi có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị và R&D tại tập đoàn Nestle. “Thai Union sẽ đứng đầu thế giới về các loại hải sản chế biến từ đạm thực vật”, Garaets nói với Nikkei Asia.

Các viên xíu mại có hương vị cá ngừ và thịt cua làm từ đậu nành và bột mì đã được Thai Union bán ở các siêu thị khắp Thái Lan với giá hơn 100 baht/vỉ, khoảng 3 đô la. Tập đoàn còn nhận được các đơn hàng hải sản chế biến từ đạm thực vật của châu Âu và chuẩn bị tung ra các sản phẩm thực vật có hương vị tôm. Sức mua của thị trường Thái Lan hiện khá khiêm tốn và chỉ chiếm 10%, trong khi đó châu Âu nhập đến 29% và Mỹ tiêu thụ đến 43% các loại “hải sản giả chay” của Thai Union.

Thai Union buộc phải có “khẩu vị” đầu tư khác. Quỹ mạo hiểm của tập đoàn tập trung vào ba mảng chiến lược chính - đạm thay thế, dinh dưỡng chức năng và công nghệ mới nhằm tăng chuỗi giá trị thực phẩm.

Nguồn: Nikkei Asia, Deal Street Asia, Thai PBS World, The Fish Site, F6S

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới