Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vườn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vườn

Lý Lan

(TBKTSG) – Bà ngoại tôi ăn trầu. Vườn nhà ngoại cau mọc dọc hai bờ mương, cây cau nào cũng có dây trầu leo quấn quít. Lá trầu mọc nhanh lắm, ít bữa là có người đến hái trầu. Họ bắc thang lên thân cau, tay ngắt từng lá trầu một, xếp lên nhau thành từng tay mười lá, rồi xây vòng tròn trong thúng, tính giá từng thiên.

Một thiên trầu ngày xưa giá bao nhiêu tôi không nhớ, hồi đó tôi còn nhỏ quá, với lại giá trị đồng tiền thay đổi qua bao phen xã hội biến động đổi dời, bây giờ có nhớ chắc mà nói mỗi lần bán một thiên trầu ngoại có được ba ngàn hay năm ngàn đồng cũng không gợi lên ý nghĩa kinh tế gì cả. Nhưng đó là một trong những nguồn thu nhập của ngoại, kiểu nước nhỏ giọt đều đều, tích tụ quanh năm.

Cau cũng vậy, cứ “ít bữa” theo cách nói của ngoại, lại có người đến bẻ cau. Họ bắc thang dài vượt quá đọt trầu, rồi dùng hai gan bàn chân và hai gan bàn tay bám quặp lấy phần thân cau trơ trụi phía trên đọt trầu mà trèo tuốt lên gần tới ngọn, lặt một trái bửa ra xem nó già hay non, cau vừa đặc ruột thì bẻ nguyên buồng. Rồi một tay xách buồng cau, chỉ còn một cánh tay ôm vòng thân cau, họ tuột xuống, ngoạn mục hơn tất cả những màn xiếc mà tôi từng xem trong đời.

Cau lúc nào cũng có năm ba buồng, hái buồng này thì nó lại trổ ra buồng khác. Có khi cau tươi bán không hết, ngoại bửa cau đem sấy khô, “bán lên Cao Mên, ở đó vua cũng ăn trầu”. Không biết thông tin đó ngoại căn cứ vào đâu, tôi chỉ nhớ chắc là ngoại nói như vậy.

Ngoại hay nói chuyện, với tôi hoặc một mình, khi ngồi bửa cau trong bếp. Chái bếp là “chỗ” của ngoại, cũng là thế giới của tuổi thơ tôi, đủ rộng để kê một bộ ván thấp, phía trên ván giăng một cái võng, hai đứa em tôi nằm đâu cẳng nhau. Tôi “lớn đầu” rồi, gần tám tuổi, nằm trên ván, gối đầu lên bắp vế của ngoại. Ngoại luôn ngồi kiểu bánh ít, một chân co đầu gối đứng, một chân xếp bằng. Thỉnh thoảng ngoại vói tay đưa võng, thỉnh thoảng ngoại trở cau sấy trên cái sàng đặt trên một lò than âm ỉ cháy. Phải luôn canh chừng sao cho than không tàn mà cũng không nóng quá.

Đôi khi trong lò than vùi một hai hột điều. Dầu trong vỏ hột điều cháy xèo xèo, xì khói mù mịt, thơm đến ngứa mũi, át mùi cau sấy vốn cũng thơm lắm. Có khi ngoài vườn mưa rỉ rả, trong bếp vừa ấm vừa thơm. Có khi súng trận đì đùng vọng lại từ phía lộ 13, ngoại nói: “Để êm êm mình lên rẫy nhổ đậu”. Tôi hỏi: “Chừng nào mới êm hả ngoại?”. Ngoại không nói ngoại không biết, mà nói: “Hổng lẽ đánh nhau hoài”. Từ thường dùng nhứt của ngoại là “hổng lẽ”, tương đương với chữ nghĩa trang trọng là “vô lý”, hay có vẻ triết học là “phi lý”.

Tháng Chạp năm rồi về quê giẫy mả, tôi dựa vào năm sinh khắc trên bia mộ ngoại mà tính ra năm ấy, khi đứa con gái thứ ba của ngoại lìa đời để lại ba đứa cháu thơ, ngoại bằng tuổi tôi bây giờ. Ngoài năm mươi, một người đàn bà lênh đênh xứ này đến xứ nọ, đăm đăm nhìn vào nấm mộ của người đàn bà sống trước mình nửa thế kỷ, cả đời chỉ ở làng quê của mình, trong chái bếp của mình, giữa vườn cau của mình.

(minh họa: Đỗ Trung Quân).

Tôi nhớ đôi lần thấy bà kéo chéo khăn chùi nước mắt, nhiều lần nghe bà thở dài rất khẽ, cũng nhiều lần nghe bà bật cười thành tiếng trong veo. Tôi thấy bà vẫn ngồi trong tư thế muôn thuở, gác một tay trên đầu gối, chăm chú bửa cau, mặc cho mưa gió gầm gào hay súng đạn đì đùng. Đứa nhỏ nằm gối đầu lên đùi bà chốc lát lại hỏi: “Tại sao…”, “Cái gì…”, “Chừng nào…” và bà thường đáp: “Hổng lẽ…”.

Ngoại lấy chồng lúc tuổi trăng rằm, sanh mười người con, lần lượt chôn bốn người trước khi chính mình nhắm mắt xuôi tay. Trọn đời ngoại sống trong thời tao loạn, không chỉ một lần phải bỏ vườn tản cư ra chợ, ngôi nhà đã cất lại mấy lần. Con trai lớn lên đi lính, con gái lấy chồng xa, mà sao lúc nào trong nhà ngoại cũng có cả chục miệng ăn.

Cộng cả ruộng, rẫy, và vườn, ngoại có chừng hai mẫu “đất của ông bà”. Ruộng trồng lúa, rẫy trồng đậu, bắp, hàng bông, chủ yếu do ông ngoại làm, ngày mùa mướn thêm bạn làm phụ. Công việc của bà ngoại chủ yếu trong bếp và khu vườn quanh nhà, rộng bốn ngàn thước vuông.

Ngoài cau, vườn của ngoại còn có sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, sa pô chê, mận, ổi, dâu da, đu đủ, chuối, thơm, khoai báng, khoai lang, lá lốt, trà quế, lá xương sâm, rau càng cua, ớt, chanh, bưởi, hành, sả, rau răm, diếp cá, bạc hà, khoai môn, rau muống, nấm rơm, nấm mèo, cá, ếch, gà, vịt, ngỗng, heo, chó, mèo, thỏ, chim cút, chim sáo, sóc, nhen, rắn mối, cóc, nhái, sâu, bướm, ong, cây thù đù, dây cứt quạ, dây thuốc cá, cỏ gà, rau sam, bông bụp, bông trang, cây tùm nụm… Tôi không nhớ hết.

Ngày ngày lẽo đẽo theo ngoại khắp vườn, tôi tưởng tất cả những cây trái rau cỏ và sinh vật ấy là những thứ tất yếu, mặc định, trong thế giới hoàn hảo là vườn nhà ngoại, bất chấp những cuộc chiến triền miên và hạn hán, giông bão hàng năm. Đến khi không còn ngoại nữa, tôi mới hiểu có những thứ chỉ tồn tại trong điều kiện được chăm sóc mà thôi.

Bằng tuổi ngoại hồi đó, tôi tập làm vườn, ở một nơi rất xa. Một hôm ông hàng xóm sang nhìn vườn rau, nhận xét là tôi làm vườn theo phương pháp thân thiện môi trường. Tôi ngơ ngác, nghe ông khen phương pháp thông minh tiên tiến, đang là xu hướng tích cực trên thế giới. Thực sự tôi chỉ cố gắng làm theo ký ức về vườn nhà ngoại trong nỗi nhớ người, nhớ những chiều mưa tầm tã, những đêm súng nổ đì đùng, tôi thức giấc bật dậy gọi mẹ, ngoại ôm tôi vỗ về: “Không sao đâu con. Mình ở nhà mình, trên đất của mình mà”. Ngoại truyền cho tôi một niềm tin: loạn lạc rồi sẽ yên, nhà tan rồi sẽ dựng lại, heo gà chết lớp này thì nuôi lớp khác, cây cỏ có đất ắt sẽ mọc lại, miễn là còn đất. “Đất của ông bà, hổng lẽ…”.

Vườn nhà ngoại bây giờ chỉ là ký ức. Quê tôi biến đổi, chỗ thành khu công nghiệp Singapore, chỗ là sân golf, chỗ lô xô phố chợ. Các cháu chắt của ngoại trôi giạt khắp nơi mưu sinh. Sống tới tuổi ngoại hồi đó, tôi nhận thấy mình bắt đầu nói “Hổng lẽ…”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới