Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vướng mắc của doanh nghiệp đã được gỡ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vướng mắc của doanh nghiệp đã được gỡ

Vướng mắc của doanh nghiệp đã được gỡ
Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM (ảnh: LÊ TOÀN)

(SGTO) – Nhiều vướng mắc liên quan đến tổ chức, quản lý, hoạt động và giải thể của doanh nghiệp đã được tháo gỡ bằng một nghị định mà Chính phủ vừa ban hành.

Ngày 5-9-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005 (LDN) liên quan đến thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp (Nghị định). Nghị định này đã tháo gỡ phần lớn những vướng mắc trong quá trình thực thi luật, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp (DN) định đoạt số phận của mình thông qua việc tổ chức lại, tái cấu trúc hoặc giải thể DN.

Ai được quyền thành lập DN, được quyền góp vốn?

Cả Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005 đều chưa trả lời được câu hỏi về quyền của chủ DN tư nhân, hộ kinh doanh có được quyền thành lập, tham gia thành lập, góp vốn vào các hình thức DN còn lại. Hoặc có hạn chế nào đối với người nước ngoài, Việt kiều trong việc thành lập, tham gia thành lập, góp vốn vào các loại hình DN không?

Chỉ đến khi nghị định này ra đời, các vấn đề trên mới được giải đáp. Theo đó tại điều 9, nghị định cho phép tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, đều có quyền thành lập, tham gia thành lập DN tại Việt Nam theo quy định của LDN, ngoại trừ những đối tượng bị cấm theo quy định tại khoản 2 điều 14 LDN và điều 11 của nghị định này.

Nghị định cũng đã “mở rộng” quyền tự chủ kinh doanh đối với cá nhân là chủ DN tư nhân và hộ kinh doanh, theo đó cá nhân chủ sở hữu DN tư nhân, hoặc hộ kinh doanh cá thể có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần. Đây là một điểm mới, rất có ý nghĩa vì đã không hạn chế chủ DN tư nhân, hộ kinh doanh tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khác thông qua việc thành lập, hay tham gia thành lập DN dưới các hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, nghị định cũng quy định rõ mỗi cá nhân chỉ được quyền đăng ký một DN tư nhân hoặc một hộ kinh doanh cá thể, hoặc làm thành viên hợp danh của một công ty hợp danh, trừ trường hợp các thành viên hợp danh còn lại có thỏa thuận khác.

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu tiên đầu tư thành lập DN tại Việt Nam thì nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 49% vốn điều lệ DN thì phải có dự án đầu tư và thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong trường hợp này, DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ngược lại nếu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập DN tuân theo quy định như đối với các trường hợp thông thường trong LDN và Nghị định 88/2006 ngày 29-8-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước.

Một điểm đáng ghi nhận khác là nghị định này đã đáp ứng được một số đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc ghi nhận “quyền góp vốn, mua cổ phiếu của tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài, và mọi cá nhân nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4, điều 13 LDN (gồm cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ, công chức). Các đối tượng này đều có quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại DN theo quy định của LDN, trừ các trường hợp (i) giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết theo quy định của pháp luật chứng khoán hoặc luật chuyên ngành khác có quy định khác về tỷ lệ sở hữu; (ii) giới hạn tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài trong DN cổ phần hóa hoặc chuyển đổi theo hình thức khác theo quy định của pháp luật cổ phần hóa và chuyển đổi DN nhà nước; (iii) giới hạn tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài tại các DN kinh doanh dịch vụ áp dụng theo cam kết cụ thể của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Các điều kiện kinh doanh

DN có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, không phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến của bất cứ cơ quan nhà nước nào. Quy định này nhằm loại bỏ cơ chế “xin – cho”, tạo quyền chủ động cho nhà đầu tư nếu ngành nghề đó không thuộc các nhóm ngành nghề bị cấm kinh doanh (theo điều 4 của nghị định này) và kinh doanh có điều kiện.

Nghị định có nêu cụ thể về trường hợp hết hiệu lực đối với các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong các văn bản pháp luật khác ngoài quy định tại khoản 1, điều 5 này kể từ ngày 1-7-2008.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật (GZT) của Đức, hiện nay Việt Nam có 320 loại giấy phép dưới các hình thức, tên gọi khác nhau (ngân hàng có 38 giấy phép, ngành văn hóa có 33, tài chính có 27, nông nghiệp có 20, bưu chính – viễn thông có 19 giấy phép…). Và để nhà đầu tư không bị “chìm” trong “rừng” giấy phép này, nghị định quy định ngành nghề kinh doanh đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề thì chứng chỉ đó phải hợp pháp, hợp lệ do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. Nếu là chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài thì phải được pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên công nhận.

Nghị định cũng quy định các nội dung liên quan đến vốn pháp định tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành đòi hỏi có vốn pháp định hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ. Người quản lý DN phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của số vốn được xác định là vốn pháp định khi thành lập DN. DN có nghĩa vụ bảo đảm mức vốn điều lệ thực tế không thấp hơn mức vốn pháp định đã được xác nhận trong cả quá trình hoạt động kinh doanh. Đối với DN đăng ký kinh doanh các ngành, nghề này, thì việc đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ sung ngành nghề này phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vốn pháp định, trừ trường hợp vốn chủ sở hữu được ghi trong bảng tổng kết tài sản của DN tại thời điểm gần nhất lớn hơn hoặc bằng mức vốn pháp định theo quy định, tức là DN có quyền tự chứng minh bằng số vốn của mình thể hiện trong sổ kế toán. Giá trị của việc xác nhận tính trung thực về vốn gắn liền trách nhiệm liên đới của tổ chức, cá nhân xác nhận.

Quản trị doanh nghiệp

Liên quan đến quản trị DN cũng có nhiều vấn đề LDN chưa đặt ra hoặc có đặt ra nhưng không quy định hết dẫn đến có nhiều khó khăn khi thi hành luật, thậm chí có nhiều cuộc tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông với nhau, giữa thành viên, cổ đông với hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trong đó nổi bật lên là một số vấn đề tập đoàn kinh tế, và bầu dồn phiếu.

Trong những vấn đề được bàn luận khá sôi nổi trong thời gian gần đây mà LDN chỉ quy định chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể nổi lên vấn đề tập đoàn kinh tế. Do đó có nhiều ý kiến, quan điểm đưa ra đòi thừa nhận tư cách pháp nhân, cơ cấu, tổ chức hoạt động của tập đoàn kinh tế như kiểu một “doanh nghiệp lớn, tập đoàn sản xuất, kinh doanh lớn”… thì nay điều 26, nghị định đã có các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế khi quy định “tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp DN trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con. Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không đăng ký kinh doanh theo quy định của LDN, pháp luật liên quan và điều lệ công ty…”. Công ty mẹ, công ty con và các công ty khác hợp thành tập đoàn kinh tế có các quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động phù hợp với hình thức tổ chức DN theo quy định của LDN, pháp luật có liên quan và điều lệ công ty.

Một vấn đề khá rắc rối dẫn đến tranh chấp quyền lực tại khá nhiều công ty cổ phần trong thời gian qua đó là trường hợp liên quan đến bầu “dồn phiếu” tại đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần. Nay với hướng dẫn cụ thể về “bầu dồn phiếu” tại điều 17 của nghị định, phương thức này được áp dụng “đối với tất cả các công ty cổ phần, gồm cả các công ty niêm yết, trừ trường hợp Luật Chứng khoán có quy định khác. Trước và trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người họ đề cử. Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do đại hội quyết định và theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm. Nếu điều lệ không quy định khác hoặc đại hội đồng cổ đông không quyết định khác thì số lượng mà các nhóm có quyền đề cử thực hiện như sau: cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên; cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% đến dưới 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa hai ứng cử viên; cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 30% đến 40% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử ba ứng cử viên; cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 40% đến dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử tối đa bốn ứng cử viên…

Người trúng cử thành viên hội đồng quản trị hoặc thành viên ban kiểm soát phải có số cổ phiếu bầu cao tương ứng, nhưng ít nhất phải bằng 65% tổng số cổ phần của cổ đông tham dự họp. Tỷ lệ này được tính bằng cách lấy tổng số phiếu bầu tương ứng với mỗi ứng cử viên làm tử số và tổng số cổ phần của các cổ đông tham dự cuộc họp đó làm mẫu số. Trong trường hợp số trúng cử thấp hơn số dự định bầu, nhưng không ít hơn ba, thì hội đồng quản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới