Chủ Nhật, 3/12/2023, 04:30
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Vướng rủi ro công nợ, doanh nghiệp sắp hủy niêm yết kiện EVN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vướng rủi ro công nợ, doanh nghiệp sắp hủy niêm yết kiện EVN

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Thêm một ví dụ cho việc các công ty không kiểm soát được công nợ, dẫn đến tình trạng vừa lo kinh doanh vừa lo đi đòi nợ. Dịch bệnh Covid-19 thậm chí khiến tình hình thêm trầm trọng hơn khi doanh nghiệp nào cũng lo giữ tiền, chậm trả để "thủ thế".

Vướng rủi ro công nợ, doanh nghiệp sắp hủy niêm yết kiện EVN
Nhà máy xi măng DIC Bình Phước. Ảnh minh họa: DIC.

Kiện EVN đòi khoản nợ 335 tỉ đồng

Trong bản báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (mã niêm yết DIC), đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến, vì lý do chưa nhận được thư xác nhận các khoản liên quan đến công nợ của công ty. Trước đó vào năm 2018, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN) vẫn là đơn vị kiểm toán cho DIC.

Theo văn bản giải trình của DIC, công ty cũng thừa nhận câu chuyện các đối tác chậm xác nhận công nợ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đáng chú ý trong số này là việc DIC đang tiến hành khởi kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng số tiền yêu cầu hoàn trả lên đến 335 tỉ đồng, cũng đồng thời là vấn đề mà kiểm toán đã nhấn mạnh.

"DIC đã làm đơn khởi kiện và gửi lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để yêu cầu EVN hoàn trả số tiền hơn 208 tỉ đồng. Bước tiếp theo sẽ hoàn thiện hồ sơ kiện đòi thêm gần 127 tỉ đồng. Vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý và chưa có kết luận cuối cùng”, theo bản báo cáo. Theo đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông báo thụ lý vụ án vào ngày 8-10-2019, lần triệu tập thứ 2 là ngày 6-5-2020.

Trên báo cáo tài chính tự lập năm 2019, DIC hạch toán khoản nợ phải thu của EVN trị giá gần 172 tỉ đồng. Đây là khoản công nợ liên quan đến hợp đồng cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Bên cạnh EVN, DIC cũng có nhiều khoản công nợ chưa rõ ràng với nhiều công ty khác. Chẳng hạn, DIC còn khoản phải thu ngắn hạn 28 tỉ đồng với đối tác mua bán như CTCP Xi măng Hữu Nghị, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp; hay khoản phải trả người bán ngắn hạn (37 tỉ đồng) cũng chưa được xác nhận do có nhiều khách hàng đã lâu không giao dịch và không gửi hồ sơ thanh toán.

"Trong đó có một số khách hàng yêu cầu tính lãi thanh toán trả chậm nhưng đơn vị chưa chấp nhận nên mọi đối chiếu công nợ liên quan chưa ký xác nhận”, DIC lý giải.

Ngoài những khoản công nợ, các khoản đầu tư vốn góp cũng chưa thể xác minh được, bao gồm khoản đầu tư hợp tác 31 tỉ đồng với Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp (được đầu tư góp vốn từ năm 2014 và đã hết hạn nhưng các bên không thực hiện như nội dung cam kết trong hợp đồng), hay 32,8 tỉ đồng góp vốn vào Công ty cổ phần Xi măng Yến Mao và 302 triệu đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng.

Với khoản công nợ hàng trăm tỉ đồng chưa được xác nhận, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã thông báo cổ phiếu DIC rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 10-8 tới, vì kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận, hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất.

Mất cân đối cấu trúc tài chính

Việc hủy niêm yết của các công ty vốn khá phổ biến vì nhiều lý do như kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin, hoặc nợ quá lớn. Mới đây là trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu HVG của tập đoàn Hùng Vương, trước đó nữa là trường hợp công ty niêm yết đầu tiên mở thủ tục phá sản là Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (mã cổ phiếu SPP).

Với trường hợp SPP, công ty mất cân đối thanh khoản khi thiếu hụt nghiêm trọng dòng vốn lưu động trong khi vay mượn nhiều để đầu tư, hoạt động kinh doanh đi xuống vì cạnh tranh gay gắt. Theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản vay và nợ thuê tài chính với SPP.

Trong khi đó, ở trường hợp của DIC là việc không thể quản lý được các khoản công nợ của mình. Dù vậy, về bản chất, câu chuyện vẫn là các công ty mất cân đối về cấu trúc tài chính.

Trong báo cáo tài chính tự lập năm 2019, cấu trúc tài chính của DIC cũng có vấn đề khi khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm đến 76,6% trong lượng tài sản ngắn hạn. Nợ phải trả cũng là một đề đáng quan ngại khi nợ ngắn hạn chiếm đến 98% nợ phải trả. Trong đó có đến gần 73% là nợ vay và thuê tài chính (khoảng gần 894 tỉ đồng).

Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 (cũng do AASSC kiểm toán), cấu trúc tài chính của DIC cũng có vấn đề tương tự về nợ quá lớn. Dù vậy, điểm tích cực là trong 2 năm qua, DIC đang nỗ lực giảm dần khoản nợ của mình, với khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 46,5%.

Doanh nghiệp có hơn 265 tỉ đồng vốn điều lệ nhưng lại có khoản nợ ngắn hạn gấp 4,6 lần liệu có sớm tìm được lối ra cho mình?

Năm 2019, doanh thu thuần của DIC ghi nhận đạt 1.842 tỉ đồng, tăng 44% so với năm 2018, nhưng lợi nhuận thì lại ở mức âm gần 66,2 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ trước đó lãi 2,1 tỉ đồng.

Hoạt động kinh doanh thương mại (liên quan đến các loại vật liệu xây dựng) vẫn tăng trưởng nhưng gặp khó khăn vì kinh doanh dưới giá vốn. Theo DIC, tình hình kinh doanh xuất khẩu clinker (mặt hàng chính) gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh từ các nước trong khu vực như Trung Quốc. Cùng với giá clinker liên tục giảm, hợp đồng xuất khẩu ký vẫn phải thực hiện nên ghi nhận lỗ. Trong khi đó, mảng thương mại clinker nội địa cũng gặp khó khăn khi giá mua gần bằng giá bán.

“Ngoài khách hàng lớn công ty khởi kiện để thu hồi số công nợ đã ghi nhận và số được thu thêm theo thỏa thuận. Các khoản còn lại chưa được xác nhận, công ty đang tích cực đàm phán với khách hàng để các bên đều chấp nhận và nhất là thanh toán sớm thu hồi công nợ cho công ty”, văn bản giải trình có đoạn.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý khác là DIC hiện tại là công ty liên kết của Tổng công ty cổ phần xây dựng (mã niêm yết DIG), sở hữu 14,25% số cổ phần. DIG là doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Thị giá DIC trên thị trường hiện nay chỉ ở mức 980 đồng/cổ phiếu, giảm 66,2% so với cùng kỳ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới