Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Walmart đến, thu nhập của cư dân giảm

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hai nghiên cứu gần đây cho thấy chuỗi siêu thị giá rẻ Walmart đến hoạt động ở đâu thì cộng đồng nơi đó sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại, kể cả giảm thu nhập, thất nghiệp tăng, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, công nhân chuyển việc, nhiều cửa hàng nhỏ phải đóng cửa. Trước đây các nhà kinh tế lại tin rằng mặc dù Walmart trả lương thấp nhưng giá bán hàng hóa rẻ làm lợi cho cộng đồng.

Một nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của Walmart không chỉ tác động lên công nhân ngành bán lẻ, chịu tác động còn là các ngành khác, kể cả sản xuất và nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Trong nghiên cứu đầu tiên công bố hồi tháng 9-2024, các nhà kinh tế theo dõi tình hình tài chính của hơn 18.000 người dân Mỹ trong nhiều năm để so sánh điều gì sẽ xảy ra khi một nhóm dân cư sống trong cộng đồng có Walmart đến mở siêu thị và một nhóm khác không có Walmart. Họ kết luận trong vòng 10 năm kể từ khi một cộng đồng có Walmart đến mở siêu thị, bình quân các hộ gia đình chịu mức giảm thu nhập hàng năm đến 6% - tức chừng 5.000 đô la tính theo thời giá 2024 so với hộ gia đình sống ở nơi không có siêu thị Walmart. Chịu thiệt thòi nhiều nhất là những người làm công ăn lương trẻ, thu nhập thấp, học vấn thấp.

Nghiên cứu này có một điểm yếu: không tính đến các yếu tố đã thúc đẩy Walmart đến mở siêu thị ở một cộng đồng. Biết đâu Walmart chọn lựa địa điểm vì những lý do như quá trình công nghiệp hóa ở khu vực đó đã chấm dứt, tức họ chọn những nơi có thể đang trên đường nghèo dần đi chứ không phải vì Walmart đến mà trở nên nghèo.

Chính vì thế nghiên cứu thứ hai đã lấp đầy khoảng trống này. Nghiên cứu thứ hai, công bố hồi tháng 12-2024, so sánh tình hình kinh tế của các cộng đồng nơi Walmart đến mở siêu thị với các cộng đồng Walmart muốn đến mở siêu thị nhưng bất thành vì bị cư dân phản đối. Như thế nghiên cứu thứ hai đã khắc phục điểm yếu của nghiên cứu thứ nhất bằng cách san bằng các yếu tố chọn lựa địa điểm của Walmart và cũng đi đến cùng một kết luận. Người làm công ăn lương ở những nơi Walmart đến hoạt động chịu mức sụt giảm thu nhập lớn dù đã được bù đắp phần nào nhờ nguồn hàng giá rẻ hơn. Nghiên cứu này còn cho thấy ảnh hưởng của Walmart không chỉ tác động lên công nhân ngành bán lẻ; chịu tác động còn là các ngành khác, kể cả sản xuất và nông nghiệp.

Tác động từ sự xuất hiện chuỗi siêu thị Walmart tại một địa phương là khá phức tạp, nhưng có thể hình dung như sau: khi Walmart đến, họ dùng giá rẻ như một phương thức đè bẹp đối thủ cạnh tranh để trở thành kẻ thống trị trong khu vực. Các cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ, kể cả các siêu thị khác đành phải giảm giá theo nếu không muốn phá sản. Kết quả là các nhà cung ứng như nhà nông, tiệm bánh, nhà sản xuất hàng hóa trước đây sống nhờ các cửa hàng bách hóa hay siêu thị nhỏ dần dần bị thay thế bởi chuỗi cung ứng của Walmart. Một số dữ liệu cho thấy Walmart nhập từ 60-80% hàng hóa từ Trung Quốc. Thế là năm năm sau, số lượng việc làm tại địa phương xuất hiện Walmart sẽ giảm chừng 3%, tập trung vào các cơ sở sản xuất nhỏ.

Walmart xuất hiện, kéo theo hiện tượng độc quyền về ấn định mức lương. Một khi công nhân có ít chọn lựa, Walmart có quyền trả lương thấp mà công nhân phải chấp nhận. Sau đó họ sẽ dùng vị trí thống lĩnh của mình để o ép các nhà cung ứng phải bán hàng cho họ với giá rẻ, nếu không sẽ mất một khách hàng với những đơn hàng khổng lồ. Bán hàng giá rẻ cho Walmart lại đẩy các nhà cung ứng vào chỗ phải giảm lương công nhân, kể cả cắt giảm nhân lực để tiết kiệm chi phí. Các nhà cung ứng này lại tính giá cao hơn cho các khách hàng khác để bù đắp thiệt hại, càng làm những nơi khác khó lòng cạnh tranh về giá với Walmart.

Các nghiên cứu mới đặt lại vấn đề, liệu sự xuất hiện của chuỗi siêu thị Walmart là cứu tinh hay điềm xấu cho một cộng đồng. Từ đây, câu hỏi cũng đặt ra cho chính sách tạo điều kiện cho Walmart và các tập đoàn khổng lồ khác như Amazon được phép tích lũy và lớn nhanh như thế trong quá khứ. Cuối thập niên 1980, các nhà làm chính sách ở Mỹ và nhiều nước khác cho rằng, để xác định một doanh nghiệp có lạm dụng vị thế độc quyền hay không phải dựa vào chuẩn mực mức giá người tiêu dùng gánh chịu là cao hay thấp. Cuối cùng họ áp dụng chính sách, trong đó mục tiêu của việc chống độc quyền là nhằm giúp người tiêu dùng hưởng mức giá thấp nhất. Trường hợp của Walmart cho thấy công thức này chưa chắc đã tốt cho người dân nói chung.

Những nỗ lực chống độc quyền của Chính phủ Mỹ, kể cả các vụ kiện Google, nơi thường cung cấp dịch vụ miễn phí cho người tiêu dùng, cho thấy quan điểm chống độc quyền đã có sự thay đổi, tức không còn coi trọng yếu tố giá rẻ hay miễn phí mà còn các yếu tố khác như sự tham gia thị trường của đối thủ cạnh tranh, lợi ích của công nhân và của nền kinh tế nói chung để không có ai trở nên “quá lớn, không thể đụng đến”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới