(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết các hiệp định vay và viện trợ cho Việt Nam với gần 400 triệu đô la Mỹ, để phục vụ cho các dự án cải thiện môi trường, phát triển logistics và ứng phó biến đổi khí hậu.
- WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 lên 6,8%
- Việt Nam – ADB hợp tác chuyển đổi bền vững ngành lúa gạo

Ngày 16-4 vừa qua, tại Trung tâm hội nghị quốc gia đã diễn ra lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ giữa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Buổi lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (Hội nghị P4G) tại Việt Nam, TTXVN đưa tin.
Theo đó, các khoản vay, viện trợ sẽ sử dụng cho các dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương; dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam và dự án phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị. Tổng giá trị các khoản vay và viện trợ được ký kết gần 400 triệu đô la Mỹ.
Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 7.211 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay WB (IBRD) là 5.354 tỉ đồng, tương đương 230,76 triệu đô la Mỹ. Cơ quan chủ quản của dự án là UBND tỉnh Bình Dương. Dự án nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra tại các khu vực của tỉnh Bình Dương gồm 3 thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên.
Dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư 3.901,6 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay WB (IDA) khoảng 2.493,7 tỉ đồng, tương đương 107,67 triệu đô la. Cơ quan chủ quản của dự án là Bộ Xây dựng. Việc huy động nguồn vốn IDA sẽ giúp dự án đạt được mục tiêu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông-Tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc-Nam kết nối khu vực Đông Nam bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến đầu tư xây dựng nằm ở cửa sông Thị Vải (đối diện với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải). Việc đầu tư dự án này cũng đồng thời giúp kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam bộ với Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, gồm dự án thành phần Phú Yên và dự án thành phần Quảng Trị. Dự án thành phần tỉnh Phú Yên có tổng mức đầu tư hơn 914,7 tỉ đồng, tương đương 39,4 triệu đô la Mỹ. Trong đó, vốn vay OCR của ADB gần 673,1 tỉ đồng, tương đương 29 triệu đô la Mỹ và vốn viện trợ không hoàn lại là 23,2 tỉ đồng, tương đương 1 triệu đô la. Vốn đối ứng gần 218,5 tỉ đồng, tương đương 9,4 triệu đô la Mỹ. Cơ quan chủ quản của dự án là UBND tỉnh Phú Yên.
Dự án thành phần tỉnh Quảng Trị có tổng mức đầu tư gần 921,7 tỉ đồng (tương đương 39,7 triệu đô la). Trong đó, vốn vay OCR của ADB khoảng 696,3 tỉ đồng, tương đương 30 triệu đô la, vốn đối ứng là 225,4 tỉ đồng, tương đương 9,7 triệu đô la Mỹ. Cơ quan chủ quản của dự án là UBND tỉnh Quảng Trị.
WB là một trong các đối tác đa phương cung cấp vốn vay ODA và vay ưu đãi lớn nhất cho Việt Nam. Tính đến tháng tháng 4-2025, WB đã cam kết hơn 180 khoản vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam với tổng giá trị khoảng 26 tỉ đô la (trong đó tổng giá trị vay đã ký kết khoảng 23 tỉ đô la).
ADB cũng đã cung cấp tổng vốn vay và viện trợ hơn 18 tỉ đô la Mỹ cho Việt Nam kể từ khi bắt đầu hợp tác vào năm 1993.