(KTSG Online) – Ngân hàng Thế giới (WB) nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 khi Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo lãi suất cao hơn và tín dụng thắt chặt do khủng hoảng ngân hàng sẽ gây tổn thương lớn hơn cho kinh tế toàn cầu trong năm 2024.
- WB cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt ‘thập niên mất mát’
- Kinh tế toàn cầu cứ mờ ảo như bức tranh nàng Mona Lisa bí ẩn
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB, công bố hôm 5-6, dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn 2,1% trong năm nay từ mức 3,1% vào năm 2022. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 1,7% mà WB dự đoán hồi tháng 1.
Khả năng phục hồi tốt hơn mong đợi của kinh tế toàn cầu trong trong những tháng đầu năm 2023 được dự đoán sẽ mất động lực và chuyển sang suy yếu do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn kết hợp với những cú sốc kéo dài từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. WB dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 chỉ đạt 2,4%, thấp hơn mức 2,7% mà tổ chức này dự đoán hồi tháng 1.
“Tăng trưởng toàn cầu dự kiến chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay và tiếp tục suy yếu sang năm 2024. Khả năng khủng hoảng ngân hàng lan rộng hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể dẫn đến tăng trưởng toàn cầu thậm chí còn yếu hơn”, báo cáo của WB nhận định.
Nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ giảm tốc từ 2,1% vào năm 2022 xuống 1,1% vào năm 2023 và sau đó giảm xuống 0,8% vào năm 2024, chủ yếu do tác động kéo dài của lãi suất cao suất tăng mạnh. Tại khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống còn 0,4% vào năm 2023 từ mức 3,5% vào năm 2022 do chính sách tiền tệ thắt chặt và giá năng lượng cao hơn. Kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 5,6% trong năm nay trước khi chậm lại về mức 4,6% trong năm tới.
WB cảnh báo tăng trưởng toàn cầu có thể còn yếu hơn dự đoán nếu căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng trở nên tồi tệ hơn hoặc lạm phát cao duy trì dai dẳng và thúc đẩy lãi suất tăng lên các mức cao hơn dự kiến.
“Chi phí vay tăng mạnh ở các nền kinh tế tiên tiến có thể dẫn đến sự xáo trộn tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dễ bị tổn thương”, báo cáo của WB nhận định.
Lãi suất cao hơn là một thách thức lớn với các thị trường mới nổi, vốn đã vật lộn với những cú sốc liên tiếp từ tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Lãi suất cao khiến nền kinh tế đó gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản vay nợ bằng đô la Mỹ.
Cho đến nay, hầu hết các thị trường mới nổi chỉ mới chứng kiến tổn thương hạn chế từ những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng kể từ sau khi một số ngân hàng khu vực ở Mỹ sụp đổ. Tuy nhiên, báo cáo của WB cảnh báo những thị trường này hiện đang “đi trong vùng nước nguy hiểm”.
Những yếu kém về tài chính đã đẩy nhiều nước thu nhập thấp vào cảnh căng thẳng nợ nần. Tại các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống 2,9% trong năm nay so với mức 4,1% của năm ngoái.
“Với các điều kiện tín dụng toàn cầu ngày càng hạn chế, cứ bốn thị trường mới nổi thì có một thị trường mất khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế. Sức ép đang đặc biệt nghiêm trọng đối với các thị trường mới nổi có những điểm dễ tổn thương lớn mức độ tín nhiệm nợ thấp”, WB cho biết
Đến cuối năm 2024, tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 5% so với mức dự kiến khi đại dịch xuất hiện.
“Đến cuối năm sau, 1/3 thế giới đang phát triển sẽ chưa trở lại mức thấp thu nhập trung bình đầu người mà họ đạt được vào cuối năm 2019”, Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB nói.
Theo báo cáo của WB, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến ước tính sẽ giảm tốc từ 2,6% năm 2022 xuống 0,7% trong năm nay và duy trì ở mức thấp vào năm 2024. Dự báo, lạm phát toàn cầu sẽ giảm dần nhưng lạm phát cốt lõi ở nhiều nước có thể vẫn ở mức cao hơn trước đại dịch cho đến năm 2024.
Cũng theo WB, thương mại toàn cầu sẽ chậm lại rõ rệt trong năm nay. Trong khi đó, giá năng lượng và các hàng hóa khác sẽ giảm mạnh trong năm nay và năm tới. Ở Mỹ, cú sụp đổ gần đây của một loạt ngân hàng đã thắt chặt tín dụng, có thể khiến tăng trưởng chậm lại khi chi phí vay cao hơn làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, WB cho rằng lãi suất cao đang tác động đến nền kinh tế Mỹ chậm hơn so với các chu kỳ trước đó. Điều này một phần là nhờ người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu nhờ có số tiền tiết kiệm tích lũy thêm trong thời kỳ đại dịch và thu nhập của các tập đoàn lớn vẫn ổn định.
Theo Bloomberg, Reuters