(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng chậm hơn nữa trong năm 2025 dù Bắc Kinh tung ra gói kích thích đáng chú ý gần đây. Tổ chức này cho biết, sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc sẽ kìm hãm tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực.
- Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc: cấp cứu con bệnh nặng
- Đối với nhiều người Trung Quốc, nền kinh tế như đang suy thoái
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hôm 8-10, WB nhấn mạnh ba yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng khu vực. Đó là, thay đổi thương mại, đầu tư; tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và sự bất ổn chính sách toàn cầu ngày càng gia tăng.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách kết nối các đối tác thương mại lớn.
WB ghi nhận, doanh số của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng nhanh hơn gần 25% so với các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, có bằng chứng mới cho thấy, có thể nhiều nền kinh tế sẽ ngày càng bị hạn chế vai trò “kết nối một chiều” do các quy định hạn chế mới, nghiêm ngặt hơn đối với xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.
Các nước láng giềng của Trung Quốc hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh của nước này trong ba thập niên qua nhưng quy mô của động lực này đang giảm dần. Nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc từng là động lực thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thậm chí còn tăng chậm hơn GDP. Nhập khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 2,8% trong 7 tháng đầu năm nay so với mức trung bình gần 6% mỗi năm trong thập niên trước.
Cùng với đó, sự bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trong khu vực. Ngoài sự bất ổn về địa chính trị, tình trạng không chắc chắn về chính sách kinh tế có thể làm giảm sản xuất công nghiệp và thị trường chứng khoán của khu vực lần lượt 0,5% và 1%.
WB dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ suy yếu hơn nữa trong năm 2025. Ước tính, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,3% trong năm sau, chậm lại so với mức ước tính 4,8% trong năm 2024.
Sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc sẽ gây áp lực lên các nền kinh tế trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, dự kiến tăng trưởng 4,4% trong năm 2025 so với mức ước tính 4,8% trong năm nay.
Trong số các nước có dân số lớn, chỉ có Indonesia dự kiến đạt mức tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch. Trong khi đó, tăng trưởng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến là sẽ thấp hơn trước đại dịch Covid-19. Các quốc đảo Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng 3,5% vào năm 2024 và 3,4% vào năm 2025.
Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, các nước trong khu vực phải chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế để thích ứng với các mô hình thương mại và công nghệ đang thay đổi.
Các quan chức Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay. Thế nhưng, mục tiêu ngày khó đạt được do chi tiêu tiêu dùng trì trệ và thị trường bất động sản vẫn còn yếu ớt.
Hồi cuối tháng 9, Bắc Kinh tung ra gói kích thích tập trung chủ yếu vào chính sách tiền tệ, với các biện pháp như giảm lãi suất. Nhà đầu tư và giới phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ triển khai thêm hỗ trợ tài khóa để thúc đẩy chi tiêu, khôi phục niềm tin và tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo của WB cũng xem xét các công nghệ mới như robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI) tác động như thế nào đến các thị trường lao động trên khắp châu Á.
Trong giai đoạn 2018-2022, việc sử dụng robot giúp tạo việc làm cho khoảng 2 triệu lao động chính thức có tay nghề ở ở các nước ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore) nhờ vào năng suất cao hơn, quy mô sản xuất tăng lên cùng nhu cầu về các kỹ năng bổ sung. Tuy nhiên, robot cũng đã thay thế khoảng 1,4 triệu (khoảng 3,3%) lao động chính thức có tay nghề thấp ở ASEAN-5.
Với sự thống trị của công việc tay chân ở Đông Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ việc làm trong khu vực bị AI đe dọa thấp hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là khu vực không có vị thế thuận lợi để tận dụng lợi ích năng suất của AI, theo WB.
Theo Bloomberg, worldbank.org