Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

WB: triển vọng tăng trưởng của Việt Nam giảm từ 6,7% xuống 6,3% trong năm 2023

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, triển vọng trưởng của Việt Nam trong năm nay sẽ giảm từ 6,7% xuống 6,3%. WB cũng cảnh báo rủi ro về tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đồng thời hạ thấp triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN trong năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trì trệ, năng suất suy giảm.

WB xem xu hướng tách rời kinh tế ngày càng tăng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc là thách thức cấp bách nhất đối với các nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: bofbulletin

Hạ dự báo tăng trưởng của ASEAN-5

Hôm 31-3, WB công bố báo cáo cập nhật dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, gồm 8 nước ASEAN (không bao gồm Singapore và Brunei) và Trung Quốc, Mông Cổ, Papua New Guinea, Timor-Leste cùng 11 quốc đảo Thái Bình Dương.

WB nhận định, Trung Quốc là điểm sáng tăng trưởng duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay, cải thiện so với mức dự báo 4,5% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giúp tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phát triển đạt 5,1% trong năm 2023.

Tuy nhiên, WB hạ dự báo tăng trưởng của nhóm ASEAN-5, gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, từ 5,1% xuống 4,9% trong năm nay. Triển vọng trưởng trong năm nay của Việt Nam sẽ giảm từ 6,7% xuống 6,3% và của Thái Lan, từ 4,1% xuống 3,6%, theo đánh giá của WB.

Tại các cường quốc sản xuất của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, xuất khẩu giảm hơn 20% so với mức đỉnh năm 2022. Nhu cầu trong nước ở khu vực này dự kiến ​​giảm khi các chương trình hỗ trợ của chính phủ liên quan đến đại dịch Covid-19  kết thúc. Điều này sẽ kéo theo những tác động tiêu cực đến tiêu dùng và đầu tư.

Trong khi sản lượng sản xuất của Trung Quốc và Việt Nam cao hơn 15% so với mức trước đại dịch, một số nền kinh tế trong khu vực vẫn chưa bắt kịp, gồm Thái Lan, Myanmar và hầu hết các quốc đảo ở Thái Bình Dương. WB cảnh báo sự suy giảm giá trị sản xuất có thể cản trở tăng trưởng nếu thiếu vắng những cải cách nhằm tự do hóa lĩnh vực dịch vụ giá trị cao cũng như sự di chuyển của lao động và dòng vốn.

“Khu vực châu Á-Thái Bình Dương quản lý chính sách kinh tế vĩ mô rất tốt, nhưng lại không có những cải cách cấu trúc lớn”, Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại WB nói.

Theo WB, thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng của các nước láng giềng có thể bù đắp những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung. Nhiều nền kinh tế trong số này là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế và toàn diện khu vực (RCEP) có sự góp mặt của Trung Quốc.

“Hầu hết các nền kinh tế lớn của Đông Á và Thái Bình Dương đều đã vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid nhưng giờ đây phải xoay sở tìm hướng đi trong bối cảnh toàn cầu đã thay đổi”, Manuela Ferro, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đánh giá.

Ông cho rằng, để lấy lại động lực, khu vực này còn nhiều việc phải làm nhằm thúc đẩy đổi mới, năng suất và thiết lập nền tảng cho sự phục hồi xanh hơn.

Bốn vấn đề từ xu hướng tách rời kinh tế Mỹ- Trung

WB cảnh báo sự suy giảm năng suất, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á, nơi đang cạnh tranh để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực châu Á trong bối cảnh xu hướng tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy các nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

WB gọi sự tách rời kinh tế ngày càng tăng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là “thách thức cấp bách nhất đối với khu vực” và xác định bốn vấn đề nổi lên từ vấn đề này.

Đầu tiên, thương mại đang được định hình bởi chính trị hơn là kinh tế và tình trạng bất ổn chính trị có thể ngăn cản đầu tư. Thứ hai, các tiêu chuẩn khác nhau, chẳng hạn như về quản lý dữ liệu có thể phân chia thị trường, ngăn cản các nước thứ ba khai thác lợi thế kinh tế theo quy mô toàn cầu.

Thứ ba, các hạn chế xuất khẩu đối với thị trường nguồn và thị trường đích có thể phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại của nước thứ ba. Cuối cùng, những hạn chế song phương đối với dòng chảy công nghệ và sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm tính sẵn có của tri thức chuyên môn trên toàn cầu.

Để đối phó với những diễn biến này, WB cho rằng, các nước thứ ba nên ưu tiên cải cách thân thiện với thị trường. Theo đó, các nước trong khu vực sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu trở thành trung tâm để kết nối các thị trường đang chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua các hiệp định thương mại song phương thay vì trở thành thành viên của các khối thương mại riêng rẽ.

WB nhận định, tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến ​​suy giảm hơn nữa trong thập niên này, xuống mức thấp nhất là 4,7% hàng năm, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng tiềm năng chậm hơn ở Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại khiến nhiều nước trong khu vực bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp và trung bình cao trong thời gian lâu hơn.

Theo Nikkei Asia, Singapore Business News

1 BÌNH LUẬN

  1. Năm nay, tình hình quá thê thảm, bị đát hơn năm trước nhiều. Các chợ thấy đóng cửa sạp rất rất nhiều, công nhân đa số làm không tăng cả, chỉ bằng 60% năm trước. Năm nay tăng trưởng được 1% là cao, thậm chí tăng trưởng âm. Doanh nghiệp khó chồng khó. Có mỗi cái phòng cháy thôi mà cả 1000 doanh nghiệp phải đóng cửa. Chả hiểu mấy bác bên quốc hội nghĩ sao?? Tại sao không tạm ngừng thi hành hay sửa đổi các quy định về phòng cháy ngày lập tức để cứu doanh nghiệp?? Cái gì cũng phải từ từ, có giai đoạn chuyển tiếp…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới