Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng ga Sóng Thần thành ga liên vận hàng hóa đi Trung Quốc, châu Âu

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với dịch vụ liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TPHCM, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhờ đó rút ngắn được thời gian và giảm được chi phí.

Tàu liên vận quốc tế chở container từ Việt Nam sang Trung Quốc đến Kazakhstan. Ảnh: Ratraco.vn

Theo Baochinhphu.vn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang xây dựng hai tuyến vận chuyển liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc và các nước thứ ba.

Tuyến thứ nhất xuất phát từ ga Sóng Thần đi Kép (Bắc Giang) rồi đến Đồng Đăng (Lạng Sơn) trước khi sang ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đây, tàu sẽ tiếp tục đi sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, châu Âu.

Tuyến thứ 2 từ ga Sóng Thần đi Lào Cai tới ga Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Trung Quốc) sau đó sẽ chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc.

Mỗi đoàn tàu dự kiến sẽ vận chuyển 20-25 container. Thời gian chạy tàu từ ga Sóng Thần đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây) khoảng 5 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam) mất 6 ngày.

Với quy mô là ga đầu mối hàng hóa đường sắt lớn nhất khu vực phía nam, ga Sóng Thần hiện có hai bãi hàng, một bãi trong ga diện tích khoảng 87.000 m2, một bãi ngoài ga diện tích hơn 100.000 m2, với 5 đường đón, gửi tàu và 12 đường xếp dỡ.

Ga Sóng Thần nằm trên quốc lộ 1A, vị trí ngay tại trung tâm khu công nghiệp Sóng Thần, có khả năng kết nối tốt với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, Bình Dương hiện là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu dẫn đầu trong cả nước.

Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao. Ngược lại, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và các nhà máy da giầy, dệt may và đồ gỗ nội thất sang thị trường Trung Quốc, châu Âu cũng rất lớn.

Việc tổ chức hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TPHCM, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga, từ đó vận chuyển bằng đường sắt sang thị trường Nga, EU, rút ngắn được thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống và chi phí cũng giảm theo.

Từ năm 1996, ngành đường sắt Việt Nam đã có 7 ga liên vận quốc tế hàng hóa gồm Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng, Đồng Đăng, Giáp Bát, Đà Nẵng, Sóng Thần. Đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải cho phép khai thác tạm thời hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang).

Hiện nay, các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, Yên Viên, Lào Cai, Hải Phòng và Kép có cơ quan hải quan làm thủ tục nghiệp vụ liên quan hàng hóa xuất, nhập khẩu liên vận quốc tế đường sắt.

Riêng năm 2022, hàng liên vận quốc tế đạt 1,33/5,67 triệu tấn, chiếm 24% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, trong đó bao gồm hàng từ Việt Nam qua Trung Quốc và hàng quá cảnh Trung Quốc đến các nước thứ ba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới