(KTSG Online) - Đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng, tăng cường xếp hạng tín nhiệm và xây dựng thị trường thứ cấp là nền tảng giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn, theo các chuyên gia.
- Hành lang pháp lý chặt chẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu
- Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Loay hoay tạo lập khung pháp lý cho thị trường trái phiếu
Từ năm 2019 tới hết tháng 8-2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận sự tăng trưởng nhanh về khối lượng phát hành khi Nghị định 163/2018 đưa ra nhiều điều kiện mang tính “mở” cho thị trường. Tới tháng 9-2020, Nghị định 81/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định 163 với các quy định theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu khiến khối lượng phát hành trên thị trường có xu hướng sụt giảm.
Nhưng tới ngày 1-1-2021, Nghị định 153/2020 thay thế Nghị định 81 chính thức có hiệu lực đã có các quy định “cởi trói” cho thị trường. Kết quả, tổng khối lượng phát hành TPDN năm 2021 bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng. Quy mô thị trường TPDN đã đạt mức 15% GDP tính tới cuối năm 2021.
Ngày 16-9-2022, Nghị định 65/2022 thay thế Nghị định 153 chính thức có hiệu lực thi hành với một số điều chỉnh nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và tính tự chịu trách nhiệm trong việc tham gia thị trường của tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng các quy định trong Nghị định 65 tương đồng với các thông lệ quốc tế. Nhưng trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp tốt nhất ở Việt Nam đều chọn phương phát hành TPDN riêng lẻ để huy động vốn, chuyên gia này lo ngại thị trường sẽ chịu ảnh hưởng nếu cơ quan quản lý không đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ cho phát hành ra công chúng.
Ông Nghĩa cũng lo ngại doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội kinh doanh nếu nộp hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng ở Việt Nam.
“Tôi đã hỏi Vụ Quản lý phát hành chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là xử lý một bộ hồ sơ phát hành ra công chúng mất bao lâu. Họ trả lời có quá nhiều hồ sơ, không thể xử lý nổi, nhanh nhất là nửa năm và chậm nhất phải 1 năm”, ông Nghĩa nói tại một buổi đối thoại về thị trường TPDN diễn ra ngày 30-9.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho rằng cơ quan quản lý cần cân bằng giữa tỷ trọng TPDN phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Theo ông Quỳnh, không phải doanh nghiệp nào cũng xếp hạng được AAA. Điển hình là các startup và doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng.
“Luôn luôn có doanh nghiệp mới hình thành và có độ rủi ro cao hơn, trong khi ở bất cứ giai đoạn nào doanh nghiệp cũng cần huy động vốn. Về phía nhà đầu tư, quỹ đầu tư cũng có khẩu vị rủi ro khác nhau khi có đơn vị sẵn sàng đầu tư doanh nghiệp startup, nhưng có đơn vị khác lại đầu tư vào doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng cẩn trọng, xếp hạng tín nhiệm 3A trở lên”, ông Quỳnh nói. Ông kiến nghị không nên chỉ “cổ vũ” phát hành ra công chúng.
Chuyên gia này cho rằng nên cho phép các đơn vị không đủ điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng được phát hành riêng lẻ với yêu cầu về tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của tất cả các thành phần tham gia.
Phản hồi, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), thừa nhận trách nhiệm của cơ quan thẩm định rất lớn.
Hiện lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán theo hướng quy định rõ trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước trong điều luật. Vì vậy, cán bộ và cơ quan thẩm định sẽ bớt tâm lý lo ngại bị kiểm điểm hay đổ lỗi sau này.
Giảm số lượng phát hành ngắn hạn, tăng chất lượng phát hành dài hạn
Với các quy định mới về nhà đầu tư, công bố thông tin và sức khoẻ tài chính của đơn vị phát hành, các chuyên gia cho rằng doanh số phát hành trên thị trường sụt giảm trong ngắn hạn khi nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu mới.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group, dự báo nhà đầu tư cá nhân khó có thể nắm giữ 20% tổng khối lượng trái phiếu lưu hành trên thị trường sau Nghị định 65/2022, trong khi tỷ trọng nắm giữ của đối tượng này qua kênh thứ cấp và mua trực tiếp qua phân phối là 32% tính tới cuối tháng 7-2022, theo thống kê của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, khoảng 100-150 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thuộc đối tượng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc theo quy định tại Nghị định 65, trong đó có vài chục doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Về bối cảnh vĩ mô, ông Thuân cho biết doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực gồm bất động sản, xây dựng, năng lượng tái tạo, hạ tầng.
“Một số ngành ngân hàng không thể phục vụ được vì còn rất ít room. Ví dụ năng lượng tái tạo, nếu Thủ tướng duyệt quy hoạch điện VIII thì nhu cầu tín dụng của ngành này rất lớn, lấy hết vốn trung dài hạn của ngân hàng hiện nay cho vay cũng không thể đáp ứng được. Đó là chưa kể ngân hàng phải có nguyên tắc quản trị rủi ro theo ngành”, ông Thuân nói. Ông cho rằng thị trường trái phiếu buộc phải phát triển để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Để thị trường phát triển bền vững, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần có hai yếu tố là kỳ hạn trái phiếu dài và lãi suất phát hành thấp. Hai yếu tố này được xây dựng đựa trên 3 nền tảng.
Thứ nhất, đẩy mạnh phát hành ra công chúng. Theo ông Nghĩa, chỉ có phát hành ra công chúng mạnh mới làm tăng niềm tin thị trường, qua đó hạ lãi suất và kéo dài kỳ hạn.
Thứ hai, xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách quan và chuẩn xác để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. “Khi tin, nhà đầu tư mới mua dài hạn với lãi suất thấp”, ông Nghĩa nói.
Thứ ba, xây dựng thị trường thứ cấp. Chuyên gia này cho rằng nếu không có thị trường thứ cấp thì không thể kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu.
“Nghiên cứu thị trường thứ cấp tại Nhật Bản cho thấy thị trường này không sôi động như thị trường cổ phiếu nhưng khi cần bán là có ngay các giao dịch. Chỉ cần đàm phán, thoả thuận mất vài ngày là nhà đầu tư có thể bán được”, ông Nghĩa dẫn chứng.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh kiến nghị phải sửa các quy định về quỹ đầu tư, đặc biệt là cho phép đối tượng này mua TPDN riêng lẻ.
“Tổng quy mô các quỹ tại Việt Nam khoảng 7% GDP, rất thấp so với khu vực. Do đó phải mở ra kênh đầu tư mới để nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận các sản phẩm phù hợp, trong đó có quy định cho phép các công ty quản lý quỹ hình thành các quỹ đầu tư vào thị trường TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ”, ông Quỳnh đề xuất.
Về xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán, các chuyên gia cho rằng đây là tiền đề để đảm bảo thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung phát triển bền vững. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm có vai trò là “bên thứ ba” giám sát tính minh bạch của thị trường. Phát triển các định chế này không chỉ giúp tăng tính minh bạch cho thị trường, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro mà còn tốt cho chính tổ chức phát hành.
"Nhiều khi doanh nghiệp cũng không muốn vi phạm quy định trong hợp đồng hay quy định pháp luật đâu, nhưng các ý trong hợp đồng rất nhiều mà nếu triển khai thực thi thì nhiều doanh nghiệp chưa có đủ nhân sự kiểm soát. Vậy nên, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp họ thực thi các cam kết tốt hơn", ông Quỳnh nói.