Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Đồng Tháp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Công ty cổ phần Chỉ số nông nghiệp (Agri Index) đã công bố khởi động dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm của ngành hàng theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Đồng Tháp vào hôm nay, 19-12.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, Giám đốc Agri Index giới thiệu sàn giao dịch. Ảnh: Trung Chánh

Dự án có mục tiêu kết nối các thành phần tham gia trong vòng tuần hoàn lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung với các đầu mối thương mại trên cả nước. Từ đó, tạo ra một nền tảng công nghệ hữu ích và mang lại giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa. Dự án quy tụ sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và sản phẩm chế biến sâu từ phụ phẩm ngành gạo.

Khi đi vào hoạt động, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn cho ngành lúa gạo và mang lại những lợi ích thiết thực cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn, bao gồm các lợi ích như cung cấp thông tin mua bán minh bạch, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tối ưu chi phí kho bãi và vận chuyển, cung cấp các giải pháp tài chính đảm bảo giao dịch an toàn và đúng pháp luật.

Đơn vị vận hành dự án là Agri Index và trụ sở được đặt tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mô hình hoạt động của sàn được tư vấn bởi Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp và hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nghiệp tham gia bởi Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Đồng Tháp.

Về tiến độ thực hiện, dự án được chia làm ba giai đoạn, trong đó với giai đoạn 1 - nghiên cứu tiền khả thi (từ tháng 6-2022 đến 18-12-2022), thì dự án đã có 6 tháng nghiên cứu trước khi chính thức công bố xây dựng mô hình.

Trong giai đoạn này, Ban điều hành dự án đã làm việc với các thành phần kinh tế tham gia trong vòng tuần hoàn giá trị của cây lúa, bao gồm doanh nghiệp sản xuất và chế biến lúa gạo, doanh nghiệp ép dầu cám gạo, doanh nghiệp sản xuất trấu viên và các doanh nghiệp thu mua phụ phẩm ngành gạo để chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản…

Trong giai đoan vận hành thử nghiệm - giai đoạn 2 - tính đến ngày 19-12-2022 đã có 125 doanh nghiệp phía Nam và 8 đơn vị phía Bắc tham gia thử nghiệm các tính năng giao dịch trên sàn với khối lượng chào bán thử nghiệm do các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng và khả năng xử lý 100 giao dịch thành công/ngày.

Sau giai đoạn vận hành thử nghiệm (6 tháng), hiện sàn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và xin cấp phép tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Dự kiến, khi sàn được cấp phép và chính thức đi vào hoạt động (dự kiến vào tháng 3-2023) sẽ có 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50%. Trong đó, 100% các giao dịch đều đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai và đúng pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới